Chính thức từ 15/6, cán bộ thực hiện 13 hành vi này có thể bị bãi nhiệm, kể cả vi phạm lần đầu
Đây là nội dung trong Nghị định số 93/2025/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính do Chính phủ ban hành.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 93/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Nghị định mới quy định cụ thể hơn các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm, nhằm nâng cao trách nhiệm và siết chặt kỷ cương hành chính.
Theo quy định mới, hình thức kỷ luật khiển trách được áp dụng với cán bộ, công chức vi phạm lần đầu và gây hậu quả ít nghiêm trọng, trong trường hợp không kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm.
Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, hình thức kỷ luật hạ bậc lương sẽ được áp dụng nếu đã bị kỷ luật cảnh cáo mà vẫn tái phạm. Đồng thời, công chức cũng bị hạ bậc lương khi không kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm; thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, những hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức mà tái phạm; hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chưa đến mức buộc thôi việc, có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, sẽ bị cách chức.
Đặc biệt, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sau khi bị cách chức mà tiếp tục tái phạm sẽ phải chịu hình thức buộc thôi việc.
Nghị định 93/2025 cũng quy định rõ 13 hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị áp dụng hình thức bãi nhiệm đối với cán bộ. Một số hành vi điển hình như giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của đối tượng vi phạm; Dung túng, bao che, hạn chế quyền của đối tượng vi phạm khi xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, các hành vi như lập biên bản vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền, không đúng hành vi vi phạm hành chính, không đúng đối tượng vi phạm hành chính, hay vi phạm thời hạn lập biên bản, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng nằm trong diện xem xét bãi nhiệm.
Một số vi phạm khác cũng bị xử lý nghiêm như: xác định không đúng hành vi vi phạm khi ban hành quyết định xử phạt; sử dụng trái pháp luật tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính; cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng được kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm.
Hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc không kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có sai sót, vi phạm cũng sẽ bị xem xét bãi nhiệm.
Nghị định 93/2025/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/6/2025.
>> 3 trường hợp cán bộ, công chức có thể được miễn trách nhiệm trong xử lý kỷ luật nếu có vi phạm
Viện trưởng VKSND Tối cao điểm tên nhiều vụ cấu kết tinh vi giữa cán bộ với doanh nghiệp
Từ hôm nay 4/5, mức phụ cấp lưu trú cho công chức, viên chức sẽ tăng như thế nào?