Xã hội

Mới: Có thể xóa bỏ biên chế suốt đời, công chức không phải thi nâng ngạch

Mai Hương 29/04/2025 09:42

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi sẽ có nhiều thay đổi, cán bộ xã có thể chuyển thành công chức.

Sáng 28/4, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Dự thảo lần này gồm 7 chương với 52 điều giảm 35 điều so với quy định hiện hành nhằm tinh gọn nội dung, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Bỏ thi nâng ngạch, xóa bỏ biên chế suốt đời

Một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo là quy định thống nhất chế độ công vụ từ cấp Trung ương đến cấp xã, đồng thời bổ sung cơ chế liên thông cho phép cán bộ, công chức cấp xã được xét chuyển lên cấp tỉnh nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Đặc biệt, những cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước thời điểm luật có hiệu lực sẽ được xét chuyển thành công chức theo quy định mới.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất bãi bỏ kỳ thi nâng ngạch. Thay vào đó, công chức sẽ được bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với vị trí việc làm dựa trên năng lực thực tế và kết quả thực thi nhiệm vụ. Ngạch công chức lúc này chỉ còn đóng vai trò công cụ quản lý về tiền lương, phân định thứ bậc, không còn mang ý nghĩa xét thăng tiến theo kiểu hình thức như trước.

Trong công tác tuyển dụng, quy trình cũng được cải tiến theo hướng yêu cầu ứng viên phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm. Người trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm chính thức và xếp lương vào ngạch tương ứng, không phải trải qua giai đoạn tập sự như quy định cũ.

Mới: Có thể xóa bỏ biên chế suốt đời, công chức không phải thi nâng ngạch - ảnh 1
Dự thảo đề xuất bỏ thi nâng ngạch công chức (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia, nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, địa phương trong công tác tuyển dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xóa bỏ tư duy "biên chế suốt đời", đồng thời sàng lọc và loại bỏ những công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Đây được xem là bước đi cần thiết để thực hiện tinh giản biên chế thực chất và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong bối cảnh hiện nay.

Quản lý theo vị trí việc làm, tăng tính linh hoạt

Một nội dung trọng tâm khác của dự thảo là việc chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức từ mô hình cũ sang mô hình quản lý theo vị trí việc làm và năng lực thực thi nhiệm vụ. Theo đó, việc đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ sẽ được thực hiện dựa trên các tiêu chí cụ thể về vị trí công tác và kết quả công việc, thay vì dựa vào yếu tố hình thức hoặc cảm tính.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong dự thảo mới, vị trí việc làm được xác định là trung tâm của chế độ quản lý công chức. Ngạch công chức chỉ còn là công cụ kỹ thuật hỗ trợ phân cấp quản lý, thay vì là thước đo chính như trước đây.

>> Cán bộ, công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn làm việc sau sáp nhập sẽ nghỉ chế độ

Chủ tịch xã có quyền tuyển dụng, điều động, miễn nhiệm, cách chức cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn

Hơn 3.500 cán bộ, công chức ở Nghệ An dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/moi-co-the-xoa-bo-bien-che-suot-doi-cong-chuc-khong-phai-thi-nang-ngach-141386.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mới: Có thể xóa bỏ biên chế suốt đời, công chức không phải thi nâng ngạch
    POWERED BY ONECMS & INTECH