Chính trị gia Đức "giục" thay đổi cách tiếp cận xung đột tại Ukraine
Chính trị gia kỳ cựu này đã nhiều lần chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz về lập trường đối với cuộc xung đột ở Ukraine, khẳng định rằng chính sách hiện tại của Berlin chỉ góp phần thổi bùng ngọn lửa chiến sự.
Berlin nên có nhiều nỗ lực ngoại giao tích cực hơn nếu muốn chấm dứt xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Kiev, nghị sĩ Đức Sahra Wagenknecht khẳng định với Funke Media Group hôm 11/10, được RT dẫn lại.
Bà lập luận rằng "thêm vũ khí" cho Ukraine sẽ không mang lại hòa bình cho châu Âu.
Chính trị gia kỳ cựu này đã nhiều lần chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz về lập trường đối với cuộc xung đột ở Ukraine, khẳng định rằng chính sách hiện tại của Berlin chỉ góp phần thổi bùng ngọn lửa chiến sự.
"Chúng ta cần nhiều nỗ lực ngoại giao hơn", bà Wagenknecht, từng là thành viên của phe cánh tả trong quốc hội nhưng đã thành lập đảng riêng - Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) - cho biết.
"Brazil và Trung Quốc có một kế hoạch hòa bình tốt. Tôi hy vọng Đức và EU sẽ ủng hộ những sáng kiến như vậy", bà Wagenknecht cho biết.
Vào tháng 5, hai quốc gia này đã đưa ra một đề xuất chung gồm sáu điểm kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng, đàm phán và một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận.
Brazil và Bắc Kinh đã cố gắng thúc đẩy sáng kiến này tại một cuộc họp gồm 17 quốc gia bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9. Kiev ngay lập tức bác bỏ kế hoạch trên, gọi đó là "không thể chấp nhận được". Ngoài ra, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine khẳng định kế hoạch này mang tính "phá hoại".
Moscow hoan nghênh các đề xuất hòa bình của Trung Quốc và Brazil, đồng thời bày tỏ sự đánh giá cao rằng họ đã nhận được sự ủng hộ của quốc tế, cũng như nghi ngờ về thiện chí tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán tương tự của Kiev.
Theo quan điểm của chính trị gia Wagenknecht, Đức nên gây áp lực lên Zelensky để "buộc" ông phải đồng ý với một sự thỏa hiệp nhất định. Bà cho biết Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lên Moscow để khiến các cuộc đàm phán trở nên khả thi. "Sẽ không có hòa bình nếu không có sự thỏa hiệp", chính trị gia này tuyên bố.
Nhà lập pháp này cũng cảnh báo rằng chính sách hiện tại của phương Tây đối với cuộc xung đột Ukraine là “cực kỳ nguy hiểm” vì khiến NATO “ngày càng lún sâu hơn vào cuộc chiến này”. Bà cảnh báo rằng nếu khối do Mỹ dẫn dắt trở thành một bên trong cuộc xung đột, sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow. “Và cuộc xung đột này sau đó sẽ rất nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev sẽ kéo NATO ngày càng gần hơn đến việc tham gia trực tiếp vào các cuộc giao tranh đang diễn ra.
Mùa hè năm nay, ông Putin cho biết sự ủng hộ của phương Tây đối với các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga là một sự leo thang đáng kể có thể gây ra phản ứng "bất đối xứng".
Tháng trước, ông cũng đề xuất những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga, đặc biệt cho phép phản ứng hạt nhân trong trường hợp một cuộc tấn công thông thường của một quốc gia phi hạt nhân được một quốc gia hạt nhân hậu thuẫn.
Thành viên NATO lo xung đột Nga – Ukraine biến thành cuộc chiến hạt nhân
Mỹ duyệt bán phụ tùng F-16 cho Ukraine, Nga tố Kiev tấn công đoàn xe IAEA