Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam - 'nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế'
Ông là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ và được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các Nhà báo năm 1957.
Cố nhà báo Xuân Thủy (1912-1985) tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm. Ông đã tham gia hoạt động cách mạng và làm nghề báo rất sớm.
Hơn 90 năm trước, người thanh niên Xuân Thủy đã khởi đầu chặng đường hoạt động cách mạng của mình bằng nghề báo: cộng tác viên một số tờ báo nổi tiếng ở Hà Nội như Trung Bắc Tân văn, Hà thành Ngọ báo...
Từ Hà Nội lên Phúc Yên, ông vừa làm tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tập hợp thanh niên, vừa thu thập tin tức viết bài. Từng bước, báo chí trong tay ông như thanh gươm được mài sắc trên hành trình làm cách mạng.
Năm 1941, dù bị Pháp cầm tù, ông vẫn tạc được một dấu son của báo chí trong tù với tờ báo mang tên Suối Reo. Ba năm sau, ông làm chủ nhiệm, chủ bút Báo Cứu Quốc của Việt Minh, vừa lãnh đạo báo, vừa là cây bút chính với nhiều bút danh như Chu Lang, Tất Thắng, Ngô Tất Thắng... Dưới sự lãnh đạo của ông, Báo Cứu Quốc trở thành tờ báo lớn nhất, có sức ảnh hưởng nhất lúc bấy giờ.
Sau này, ông cũng chính là người chủ trì hợp nhất Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng, đặt tên báo là “Đại Đoàn Kết”, khắc sâu lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Bên cạnh Báo Cứu Quốc, ông còn là người có công đầu tiên thành lập Việt Nam Thông tấn xã và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.
Năm 1948, Đoàn Báo chí kháng chiến được Bộ Nội vụ phê chuẩn điều lệ và cho phép hoạt động chính thức, do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch.
Ngày 21/4/1950, ông đứng ra triệu tập đại diện các cơ quan báo chí Trung ương đóng ở chiến khu Việt Bắc, thay mặt báo giới cả nước tổ chức Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam tại Hội trường Báo Cứu Quốc. Đại hội đã bầu nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng đầu tiên.
Tháng 7/1950, Đại hội của Tổ chức Quốc tế các Nhà báo (OIJ) công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của OIJ. Nhà báo Xuân Thủy là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Đoàn Chủ tịch OIJ, được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các Nhà báo năm 1957 và là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được tặng thưởng phần thưởng cao quý của tổ chức này.
Nhà báo Xuân Thủy giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1950-1962. Khi nước nhà thống nhất, ngày mùng 7/7/1976, với cương vị Bí thư Trung ương Đảng, ông đã chủ trì hợp nhất Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Nhà báo Yêu nước và Dân chủ Miền Nam Việt Nam thành lập Hội Nhà báo Việt Nam như hiện nay.
Không chỉ là một nhà báo, ông còn là nhà ngoại giao xuất sắc. Năm 1968, trên cương vị Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, ông đã dùng những lý lẽ đanh thép, lời nói vừa cứng rắn vừa mềm mỏng để bảo vệ nguyên tắc lập trường chính nghĩa của ta, bẻ gãy mọi lập luận phi lý của đối phương, làm cho các nhà quan sát và ngay cả đối phương cũng nể phục.
Trong tọa đàm khoa học về nhà báo Xuân Thủy được tổ chức hồi tháng 6/2023, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Không chỉ là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, Xuân Thủy còn là nhà báo có tầm ảnh hưởng quốc tế... Ông đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác”.
>> Nữ nhà báo xuất sắc của Việt Nam, chủ cơ sở xuất bản vì nữ quyền đầu tiên ở Nam Kỳ