Chủ tịch Fed: 'Nhiều khả năng lãi suất đang ở đỉnh'

01-02-2024 03:07|Hoàng Yến

Fed vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao nhất 22 năm.

Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, đồng thời phát tín hiệu sẵn sàng cắt giảm lãi suất mặc dù không nhất thiết phải làm điều đó ngay lập tức.

Như vậy đây là cuộc họp thứ tư liên tiếp mà Fed giữ nguyên mục tiêu lãi suất cơ bản trong khoảng 5,25%-5,5% - mức cao nhất 22 năm. Ngoài ra, Fed có kế hoạch tiếp tục thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán 95 tỷ USD mỗi tháng.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết: "Chúng tôi tin rằng nhiều khả năng lãi suất đang ở đỉnh của chu kỳ thắt chặt tiền tệ lần này, và nếu như nền kinh tế diễn biến tốt như mong đợi, sẽ là hợp lý nếu bắt đầu đảo ngược một số chính sách vào một thời điểm nào đó trong năm nay".

Theo ông, chính sách tiền tệ bị thắt chặt đang gây áp lực cho cả nền kinh tế và lạm phát. Với số liệu lạm phát gần đây, các nhà hoạch định chính sách vẫn luôn nhận thức rõ những "nỗi đau" mà lạm phát gây ra cho các hộ gia đình Mỹ. Fed vẫn cần thêm thời gian để chắc chắn là lạm phát đang giảm xuống một cách bền vững. "Fed không chờ đợi những số liệu tốt hơn mà chỉ đang chờ đợi các số liệu tốt tiếp tục xuất hiện để có thể tự tin về lạm phát", ông nói.

Chủ tịch Fed:
Chủ tịch Fed Jerome Powell

Trong thông báo được phát đi sau cuộc họp lần này, các quan chức Fed đã từ bỏ nhận định trong các cuộc họp trước rằng vẫn có khả năng lãi suất tăng. Thay vào đó, họ đưa ra một nhận định cân bằng hơn: “Bất kỳ động thái nào để điều chỉnh lãi suất Liên bang cũng sẽ được thực hiện sau khi Ủy ban Thị trường mở (FOMC) đánh giá một cách kỹ lưỡng các dữ liệu được công bố trong thời gian sắp tới, triển vọng nền kinh tế và sau khi cân bằng các rủi ro”.

Tuy nhiên, trong một động thái thể hiện các quan chức Fed không vội vã hạ lãi suất, FOMC khẳng định “hạ mục tiêu lãi suất chỉ hợp lý khi Fed tự tin rằng lạm phát đang hướng đến mốc 2% một cách bền vững”.

Thông báo của Fed hôm nay cũng loại bỏ cụm từ “khỏe mạnh và vững vàng” khi miêu tả hệ thống ngân hàng Mỹ. Đồng thời, Fed cảnh báo điều kiện tín dụng thắt chặt hơn có thể đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Xét một cách tổng quát, trong năm ngoái kinh tế Mỹ đã diễn biến tốt hơn mong đợi của các nhà hoạch định chính sách. Tỷ lệ lạm phát giảm mạnh hơn dự báo, với thước đo lạm phát yêu thích của Fed kết thúc năm 2023 ở mức 2,6%. GDP tăng trưởng 2,5%. Và thị trường lao động khỏe mạnh với tỷ lệ thất nghiệp tháng 12 ở mức 3,7% - tương đương với thời điểm tháng 3/2022, khi các quan chức Fed bắt đầu tăng lãi suất.

Sau cuộc họp tháng 12, thị trường rất hào hứng với viễn cảnh Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, những phát biểu gần đây của một số quan chức Fed đã dập tắt hi vọng của nhà đầu tư về những đợt hạ lãi suất ngay lập tức với mức độ sâu rộng.

“Với các hoạt động kinh tế và thị trường lao động ở trong trạng thái tốt cùng với lạm phát đang giảm dần xuống 2%, tôi không nhìn thấy lý do để Fed cần phải hành động nhanh chóng”, Thống đốc Fed Christopher Waller phát biểu tại sự kiện hôm 16/1.

Fed đang cố gắng hoàn thành một nhiệm vụ có lẽ là “khó nhằn” nhất trong lịch sử hơn 100 năm: kiềm chế lạm phát bằng cách thắt chặt tín dụng nhưng không được phép đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Bài toán này còn trở nên hóc búa hơn khi 2024 là năm bầu cử Tổng thống, trong bối cảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị.

>> GDP Mỹ tăng vượt dự báo, 'giấc mơ' Trung Quốc vượt Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới khó thành hiện thực

CNBC: Hai sự kiện quan trọng trong tuần này sẽ quyết định tương lai chính sách lãi suất của Fed

Fed đánh giá kinh tế Mỹ tiếp tục ổn định và triển vọng lạc quan

Dow Jones mất hơn 200 điểm, đồng USD tăng vọt vì phát biểu 'diều hâu' của quan chức Fed

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chu-tich-fed-nhieu-kha-nang-lai-suat-dang-o-dinh-222020.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chủ tịch Fed: 'Nhiều khả năng lãi suất đang ở đỉnh'
POWERED BY ONECMS & INTECH