Tài chính Ngân hàng

Chủ tịch MBBank hiến kế: Trả lương theo cơ chế tư nhân để DNNN bứt tốc chuyển đổi số

Mạnh Cường 15/04/2025 16:11

MB đầu tư 100 triệu USD mỗi năm cho công nghệ, thu hút hàng triệu khách hàng số mới. Chủ tịch ngân hàng cho rằng DNNN cần cơ chế lương linh hoạt.

Doanh nghiệp Nhà nước được kỳ vọng tiên phong trong chuyển đổi số và tăng trưởng

Sáng 15/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị làm việc với các Chủ tịch, Tổng giám đốc một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước. Hội nghị diễn ra với chủ đề: "Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng".

Phát biểu tại hội nghị, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) – chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số tại MB. Theo ông Thái, yếu tố then chốt để thành công trong chuyển đổi số là tư duy công nghệ và phương pháp vận hành như một công ty công nghệ, thay vì duy trì lối làm việc truyền thống của ngân hàng.

Để hiện thực hóa chiến lược này, MB đã liên tục đầu tư khoảng 100 triệu USD mỗi năm cho công nghệ trong suốt 7 năm qua. Nhờ đó, ngân hàng sở hữu tốc độ mở rộng quy mô khách hàng nhanh bậc nhất thị trường, với từ 5 – 7 triệu khách hàng mới mỗi năm trong 5 năm gần đây. MB hiện dẫn đầu về số lượng giao dịch và lượng người dùng mới gia nhập hệ sinh thái số.

Theo ông Thái, MB đã chủ động học hỏi và áp dụng các hệ thống công nghệ tiên tiến từ các công ty công nghệ lớn, triển khai vào hoạt động vận hành ngân hàng. Nhờ đó, doanh thu từ hoạt động chuyển đổi số đã tăng gấp 3 lần so với các phương pháp truyền thống.

MB cũng đã xin ý kiến cổ đông để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công nghệ và phát triển nguồn nhân lực số – điều kiện tiên quyết để duy trì đà tăng trưởng trong kỷ nguyên số hóa.

Tại hội nghị, đại diện MB đưa ra hai kiến nghị trọng tâm:

Ưu tiên triển khai các dự án công nghệ lớn và nền tảng số tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), để phát huy vai trò dẫn dắt của khối doanh nghiệp này trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Áp dụng cơ chế trả lương linh hoạt như khu vực tư nhân, cho phép các DNNN sử dụng lợi nhuận, doanh thu để đầu tư trở lại cho công nghệ và nhân sự.

Chủ tịch MBBank hiến kế: Trả lương theo cơ chế tư nhân để DNNN bứt tốc chuyển đổi số
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MB Lưu Trung Thái phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

>> MB góp tối đa 5.000 tỷ vào MBV, chia cổ tức 35%, muốn bán vốn tại MCredit, MBCambodia

Doanh nghiệp Nhà nước tạo lực đẩy cho nền kinh tế

Trình bày tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, trong năm 2024, tổng tài sản của 671 doanh nghiệp Nhà nước đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng (+61%), tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng (+24%), lợi nhuận trước thuế gần 227.500 tỷ đồng (+8%) và nộp ngân sách Nhà nước khoảng 400.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2023.

Trong số đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã thể hiện rõ vai trò tiên phong. VNPT và MobiFone đang dẫn đầu trong việc triển khai hạ tầng số cho Chính phủ và các địa phương, đồng thời phát triển nhiều sản phẩm chuyển đổi số phục vụ khách hàng.

Tập đoàn Viettel được đánh giá là hình mẫu chuyển đổi thành công, đang hướng tới trở thành Tập đoàn công nghệ toàn cầu, vừa thực hiện chuyển đổi số, vừa đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao và kiến tạo xã hội số.

Nhóm ngân hàng thương mại lớn, đặc biệt là “Big 4” (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank), cũng đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Các ngân hàng này đã xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số hiện đại, thân thiện với người dùng, tích hợp công nghệ bảo mật cao, góp phần nâng cao trải nghiệm và hiệu quả vận hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, nhiều DNNN vẫn chưa tận dụng được nguồn lực lớn để đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Việc chậm đổi mới công nghệ, thiếu làm chủ các nền tảng lõi, cùng hệ thống quản trị kinh doanh còn lạc hậu khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể bứt phá trong chuyển đổi số. Những nút thắt này, theo ông Tâm, cần được gỡ bỏ bằng chính sách hỗ trợ về thể chế, tài chính và nhân lực để DNNN có thể thực sự phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế số.

>> Một cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA với tiềm năng tăng gần 40%

Mạo danh Công an tỉnh, lừa đảo chiếm đoạt tiền qua tài khoản mang tên PHAN VAN DONG tại MB

MB góp tối đa 5.000 tỷ vào MBV, chia cổ tức 35%, muốn bán vốn tại MCredit, MBCambodia

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chu-tich-mbbank-hien-ke-tra-luong-theo-co-che-tu-nhan-de-dnnn-but-toc-chuyen-doi-so-286780.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chủ tịch MBBank hiến kế: Trả lương theo cơ chế tư nhân để DNNN bứt tốc chuyển đổi số
    POWERED BY ONECMS & INTECH