Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: 'Bộ phận hay cá nhân nào tự nói là quan trọng không thể cắt giảm sẽ là đối tượng cần thay thế đầu tiên!'
Chia sẻ này của ông Hưng đã nhận được nhiều sự quan tâm.
Mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán SSI đã có một chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Bộ phận hay cá nhân nào tự nói là quan trọng không thể cắt giảm sẽ là đối tượng cần thay thế đầu tiên!". Chia sẻ này của ông đã nhận được nhiều sự quan tâm.
Trong bối cảnh AI như ChatGPT đang làm thay đổi nhiều ngành nghề, quan điểm này của ông Hưng không chỉ phản ánh cách nhìn nhận trên phương diện của người lãnh đạo một doanh nghiệp mà còn cho thấy thực tế về sự cạnh tranh khốc liệt trong công việc. Bên cạnh đó, ý kiến này cũng đặt ra một bài toán về sự phát triển liên tục của từng cá nhân trong tổ chức đồng thời là thái độ làm việc của mỗi bộ phận và nhân viên.
Năm 2023, tại buổi gặp gỡ 1.600 nhân viên SSI, ông Nguyễn Duy Hưng đã tổ chức một cuộc đối thoại đặc biệt với phiên bản AI mô phỏng chính mình. Ông đặt câu hỏi: "AI có thể khiến tôi mất việc không?".
![]() |
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI. Ảnh: SSI |
Nhưng rất nhanh chóng, người đứng đầu của SSI đưa ra câu trả lời: “Không, tôi tin rằng là không, ông (phiên bản AI của chính ông Hưng) không thể làm chủ tịch SSI. Nhưng nếu tôi chỉ ỷ vào tôi không thể mất việc, ông không thể thay thế tôi thì bản thân điều ấy làm cho SSI không phát triển được”.
Theo ông, trí tuệ nhân tạo là công cụ dựa trên dữ liệu quá khứ, nhưng người lãnh đạo thực thụ phải không ngừng đổi mới, nâng cao bản thân. Đây cũng là điều kiện tiên quyết giúp SSI duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành.
Ông Hưng cho rằng, AI có thể là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ nhưng cũng là thách thức lớn với bất kỳ vị trí nào trong tổ chức, từ nhân viên môi giới đến lãnh đạo cấp cao. Nghề môi giới sẽ không biến mất nếu mỗi cá nhân hiểu rõ sự khác biệt của mình so với AI, đồng nghiệp trong ngành, hay chính đồng nghiệp trong tổ chức.
Tuy nhiên, nếu người lao động chỉ dừng lại ở việc "giữ việc, giành việc" mà không nỗ lực khai thác tối đa các nền tảng sẵn có để tạo ra giá trị, sự đào thải là điều không tránh khỏi. Trong thế giới cạnh tranh ngày nay, việc không cải thiện bản thân chẳng khác nào tự đặt mình ra ngoài cuộc chơi.
Chủ tịch SSI nhấn mạnh rằng, sự phát triển của mỗi cá nhân chính là chìa khóa giải quyết thách thức từ AI. Trong khi AI chỉ phản ánh những gì con người đã tạo ra, những người lao động "bằng cơm, bằng thịt" lại có lợi thế vượt trội ở khả năng thích nghi, tư duy sáng tạo, và văn hóa phụng sự.
Ở cấp độ cao hơn, mỗi tổ chức phải xây dựng môi trường để nhân viên phát triển hết tiềm năng, tạo ra giá trị cộng hưởng cùng hệ thống. "Không ai là không thể thay thế", nhưng mỗi người luôn có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình để không bị tụt hậu.
Chính bản thân vị Chủ tịch của công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam cũng tự đặt câu hỏi và nhắc nhở bản thân không được ỷ lại để đưa công ty tiến lên. Do đó, nếu mỗi cá nhân hay bộ phận tự tin rằng mình không thể thay thế thì đó chính là một điều hết sức ''nguy hiểm'' trong văn hoá cũng như hành trình của một doanh nghiệp.