Chủ tịch TH Thái Hương đề xuất giao đất sạch để phát triển chuỗi nông nghiệp công nghệ cao
Nữ doanh nhân Thái Hương nhấn mạnh cần có cơ chế chính sách lôi kéo các doanh nghiệp đủ tâm - trí - lực, say mê, thực sự phải có khát vọng cống hiến, và đưa nông dân thành một mắt xích trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.
Cần chính sách phù hợp cho từng thời kỳ
Phát biểu tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp vào sáng 21/9, bà Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á nhấn mạnh, thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây...
Để tận dụng những thành tựu này, bà Thái Hương cho rằng cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề để khích lệ, để biến khát vọng thành hiện thực.
Bên cạnh đó, cần tận dụng các lợi thế của đất nước như nông-lâm-ngư-nghiệp và thành tựu to lớn của thế giới; thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún, lạc hậu, nhỏ lẻ trở thành phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến…
Nữ doanh nhân Thái Hương nhấn mạnh cần có cơ chế chính sách lôi kéo các doanh nghiệp đủ tâm - trí - lực, say mê, thực sự phải có khát vọng cống hiến, và đưa nông dân thành một mắt xích trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.
>>Thủ tướng: Doanh nghiệp cùng bứt phá đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới
Cần Luật riêng về Luật Dinh dưỡng học đường
Tại hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn TH đề xuất xây dựng một bộ luật riêng có tên là Luật Dinh dưỡng học đường.
Trong trường hợp chưa xây dựng được ngay Luật dinh dưỡng học đường, bà Thái Hương đề xuất trước hết đưa nội dung này vào 1 chương của Luật phòng bệnh, xây dựng một cách bài bản, cẩn thận, chỉn chu trên cơ sở các mô hình điểm đã có kết quả thực nghiệm, như đề án “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên” được triển khai tại 10 trường thuộc 10 tỉnh thành, đại diện cho 5 vùng sinh thái lớn trên cả nước.
Nêu đề xuất cụ thể về phát triển chăn nuôi bò sữa công nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao, bà Thái Hương nhấn mạnh cần giao đất sạch. Theo bà, việc áp dụng khoa học kỹ thuật có thể vượt qua các rào cản điều kiện tự nhiên. Tại vùng đất nắng gió như Nghệ An đã nuôi được bò thì các chỗ khác cũng có thể.
Cần Luật riêng về Luật Dinh dưỡng học đường. |
Bà Thái Hương cho rằng không quá quan trọng về điều kiện khí hậu và quy hoạch chăn nuôi, quan trọng là cần giao đất sạch diện tích đủ lớn, có vùng đệm. Mỗi con bò sữa cần khoảng 0,5 ha vùng nguyên liệu, hãy giao diện tích đất đủ để doanh nghiệp tự đảm bảo khoảng 30% thức ăn thô, còn lại doanh nghiệp có thể thu mua ngô, cỏ của người dân trồng tại vùng đó làm thức ăn cho đại gia súc, đưa người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như mô hình TH đã làm được tại Nghệ An.
Theo bà Thái Hương, có nhiều diện tích đất nông, lâm trường hoặc đang hoạt động không hiệu quả (nhiều nơi trồng keo hoặc lỗ, hoặc thu nhập chỉ 5-10tr/ha/năm) hoặc đã trả lại cho địa phương, người dân sử dụng nhưng cũng không sản xuất hiệu quả, không tạo ra được lưu lượng hàng hóa, không có thương hiệu… Do đó, cần thống kê và chuyển giao đất sạch cho doanh nghiệp làm quy mô đại công nghiệp.
Doanh nhân Thái Hương cũng lưu ý rằng tất cả doanh nghiệp hay cá nhân dùng đất là phải trả thuế đất.
Ngoài ra, bà Thái Hương cũng cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho dự án như ưu đãi giống, hỗ trợ một phần xây dựng cơ bản (như Nghị định 57/ND-CP/2018), lãi suất ưu đãi…
Về đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nói chung, được biết, đến nay, theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới, đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa – một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, phát huy vai trò, vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp cho đất nước.
>> Thủ tướng chủ trì cuộc họp với 12 doanh nghiệp tư nhân VIC, HPG, MSN…
Khánh Hòa sẽ đấu thầu lại dự án cao tốc sau khi Tập đoàn Thuận An xin rút
Kho bạc Nhà nước huy động 238.297 tỷ qua kênh đấu thầu trái phiếu 8 tháng đầu năm 2024