Chủ tịch TP.HCM trả lời ý kiến của công nhân 'nhà ở xã hội chỉ nghe trên tivi'
Nêu băn khoăn với Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi, nhiều công nhân cho biết, thông tin về nhà ở xã hội chỉ được tiếp cận trên “tivi”; gói cho vay không đủ tiếp cận mua nhà.
Tiền vay không đủ mua nhà xã hội
Chiều 11/5, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi tham dự chương trình “Cảm ơn người lao động” - lãnh đạo thành phố gặp gỡ cán bộ, đoàn viên, người lao động tiêu biểu nhân dịp Tháng công nhân lần thứ 16 năm 2024. Chương trình do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức.
Theo Liên đoàn Lao động, đây là dịp để công nhân lao động bày tỏ quyết tâm tiếp tục cống hiến đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố và đất nước; đồng thời, nêu lên những nguyện vọng với lãnh đạo thành phố về các chế độ, chính sách liên quan đến việc làm, đời sống của công nhân, viên chức lao động.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Trần Anh Kiệt, Chủ tịch công đoàn Công ty Hitachi đề xuất, thành phố cần khảo sát mức sống tối thiểu; thị trường việc làm; chính sách nhà ở xã hội, quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học, nơi sinh hoạt văn hóa cho người lao động…
Chị Võ Thị Hải (công nhân xí nghiệp liên doanh Vinaco, quận 10) nêu băn khoăn, nhà ở xã hội bán ra giá thấp hơn nhà ở thương mại, được vay đến 80%, lãi suất 4-5%... nhưng công nhân rất khó tiếp cận vì không có thông tin về nguồn nhà, nguồn vay.
Đồng tình ý kiến trên, anh Nguyễn Văn Thắm (công nhân Công ty Nhựa Duy Tân) bày tỏ, tích lũy của người lao động thì ít, giá cả tăng cao, nhà ở xã hội muốn nhưng không thể tìm ra giá vừa túi tiền.
Anh Phạm Quang Thắng (Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao) cho rằng, thành phố có chính sách vay mua nhà cao nhất 900 triệu đồng, số tiền này không thể mua được nhà ở xã hội.
Trước những ý kiến trên, anh Trương Hoàng Phong (thuộc Coop Thắng Lợi) kiến nghị, thành phố nên giao quỹ đất cho doanh nghiệp tự xây dựng để hỗ trợ nhà ở cho người lao động.
Còn anh Nguyễn Trần Đăng Minh (Công ty dịch vụ công ích quận 10) thì ngậm ngùi, người lao động nghe nhiều về nhà ở xã hội mà không thấy đâu. Chỉ nghe thông tin trên tivi, báo đài mà không rõ mua ở đâu, vay thế nào, được hỗ trợ ra sao?.
“Công ty nhà nước mỗi năm xét vài suất khó khăn sẽ được ưu tiên mua nhà, nhưng thực sự không biết mua ở đâu. Công nhân hai vợ chồng thu nhập tầm 15-16 triệu đồng, mỗi tháng dư 2-3 triệu, vay thì trả ra sao, tiền đâu mà góp”, anh Minh băn khoăn.
Hỗ trợ lãi suất cho công nhân vay ngân hàng mua nhà
Trao đổi với người lao động, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cảm ơn lực lượng lao động đã gắn bó, đồng hành, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển.
Theo ông Mãi, các ý kiến của anh chị em lao động chia làm các nhóm việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc. Đặc biệt, hầu hết anh chị em nêu ý kiến về vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội. Trong đó, có người nêu rằng vấn đề nhà ở xã hội chỉ nghe trên tivi.
Ông Mãi thừa nhận, các dự án nhà ở xã hội là rất ít, do vướng mắc về quy hoạch, về đất đai, kể cả vấn đề sinh lời... nên đầu tư của các doanh nghiệp chưa nhiều.
Để giải quyết, người đứng đầu chính quyền thành phố tóm gọn ba vấn đề.
Thứ nhất, nhà trọ là vấn đề thiết thực nhất với công nhân. Thành phố yêu cầu các chủ nhà trọ làm theo chuẩn nhất định để có chỗ ở tương đối. Để hỗ trợ, thành phố cho chủ trọ vay tiền để xây, sửa, đảm bảo chỗ ở an toàn. Hỗ trợ điện, nước, sinh hoạt phí liên quan đến nhà trọ.
“Tuy thành phố quan tâm, triển khai các chính sách này, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động”, ông Mãi nói.
Thứ hai, thành phố sẽ tập trung triển khai nhà cho thuê với chi phí hợp lý, người độc thân có thể ở cùng nhau; hộ gia đình thì ở căn hộ với diện tích vừa phải, giá hợp lý. “Thành phố sẽ bàn với Liên đoàn Lao động và Sở Xây dựng để sớm triển khai dự án này”, ông Mãi cam kết.
Thứ ba, về vấn đề nhà ở xã hội, thành phố đã có kế hoạch đến năm 2025, triển khai xây dựng 35.000 căn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Mãi thừa nhận là triển khai được rất khiêm tốn.
Theo ông Mãi, Thủ tướng giao cho thành phố xây dựng ít nhất 26.200 căn. Thành phố phấn đấu đến năm sau ít nhất đạt chỉ tiêu của Thủ tướng giao. Trong đó, nhiều dự án đã xác định được vị trí.
“Sau buổi gặp gỡ này, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ thông tin đầy đủ cho Liên đoàn Lao động, để thông tin cho anh chị em công nhân”, ông Mãi thông tin.
Cũng theo ông Mãi, nói là nhà ở xã hội, nhưng không phải ai cũng tiếp cận mua được, vì điều kiện rất khắt khe. Vì vậy, thành phố sẽ phải đa dạng nguồn cung về nhà trọ, nhà cho thuê, nhà xã hội... để có chỗ ở đàng hoàng cho người lao động.
Về phản ánh vay tiền không đủ mua nhà xã hội, theo ông Mãi, vốn cho vay cũng khiêm tốn. Với quy định vay từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng, thành phố cố gắng lắm cũng chỉ cung ứng được khoảng 1.000 tỷ đồng, đáp ứng cho khoảng 1.000 người vay.
“Vay vốn thì kiểu gì cũng phải trả. Nếu người lao động ra ngân hàng vay vốn, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất. Với chính sách này, nhiều người sẽ được tiếp cận nhà ở xã hội hơn. Ví dụ như thành phố có 1.000 tỷ cho vay, có thể dùng hỗ trợ lãi suất thì hàng chục ngàn người có điều kiện mua nhà” theo ông Mãi.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho biết, chính quyền cũng có nhiều chương trình hỗ trợ công nhân trong chính sách giáo dục; chăm sóc sức khỏe… Người lao động sẽ được kiểm tra sức khỏe 2 lần/năm. Bên cạnh đó, thành phố cũng giám sát các bếp ăn chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người lao động.
Ông Mãi cũng cho biết, thành phố luôn yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan trả lương, thưởng cho người lao động không được chậm trễ.
>>8 dự án nhà ở xã hội đã được giải ngân từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng
Đơn vị nào sẽ là chủ đầu tư cho dự án nhà ở xã hội gần 900 tỷ đồng ở Hà Nam?
‘Ông trùm’ nhà ở xã hội muốn mang về 2.000 tỷ đồng doanh thu từ 10 dự án đang triển khai