Hiện nay, Trung Nam Group đang bị cơ quan Hải quan tỉnh Khánh Hoà dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo thông tin từ Cục Hải quan Khánh Hòa gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an, cơ quan này đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).
Lý do của thông báo này xuất phát từ việc Nam Trung Group - doanh nghiệp do ông Nguyễn Tâm Thịnh làm người đại diện pháp luật còn khoản nợ thuế quá hạn tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận - Cục Hải quan Khánh Hòa trên 21 tỷ đồng. Lý giải về việc nợ thuế lần này, đại diện Trung Nam Group cho biết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
>> Chủ tịch HĐQT Trung Nam Group bị tạm hoãn xuất cảnh
Thời gian qua, nguồn tiền từ việc bán điện cho EVN bị chậm thanh toán. Thông thường, doanh nghiệp được nhận tiền bán điện trong 45 ngày nhưng khoản tiền này bị chậm thanh toán tới 3 tháng. Trong khi đó, họ cần chi trả lương thưởng cho người lao động dịp Tết Nguyên Đán 2024, nên chưa cân đối được dòng tiền ngắn hạn, dẫn đến chậm thanh toán tiền thuế.
Tình hình kinh doanh của "ông lớn" Trung Nam Group
Được biết, Trung Nam Group thành lập năm 2004, được chèo lái bởi hai doanh nhân gồm ông Nguyễn Tâm Thịnh (sinh năm 1973) - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến (sinh năm 1967) - Tổng Giám đốc.
Trên website, Trung Nam Group hoạt động đa ngành trên nhiều lĩnh vực từ năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản đến công nghiệp thông tin điện tử, trong đó, nổi bật nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo với nhiều dự án quy mô lớn.
>> Trung Nam Group nói gì về việc Chủ tịch HĐQT bị tạm hoãn xuất cảnh?
Công ty này tham gia mảng năng lượng tái tạo từ năm 2018. Ba năm sau, công ty đã đóng góp 1,63GW năng lượng vào lưới điện quốc gia. Báo cáo của VNDirect cũng gọi Trung Nam Group là doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chiếm 7% thị phần.
Tình hình kinh doanh của "ông lớn" ngành năng lượng tái tạo này bắt đầu xoay chiều từ 2022.
Theo công bố thông tin định kỳ trên HNX về tình hình tài chính năm 2022, Trung Nam Group báo vẫn báo lãi gần 255 tỷ đồng, song giảm 84% so với kết quả năm liền trước đó. Lãi giảm cũng khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của công ty tụt từ 5,85% xuống 0,91%.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Trung Nam Group ở mức hơn 96.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 27.914 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,44 lần, tương ứng giá trị nợ phải trả ở mức 68.110 tỷ đồng, tăng 5,5% so với hồi đầu năm. Dư nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm là 24.285 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng nợ.
Khó khăn kéo dài khiến tại thời điểm tháng 11/2023, Trung Nam chậm thanh toán hơn trăm tỷ đồng tiền trái phiếu. Gần đây nhất, hồi tháng 2/2024, doanh nghiệp này từng kêu cứu về dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận.
Đối diện với khó khăn về tài chính, tuy nhiên trong thông tin mới nhất được đăng tải trên báo chí, đại diện Tập đoàn Trung Nam cho biết, doanh nghiệp sẽ cố gắng để thực hiện nghĩa vụ thuế, thanh toán tiền thuế trong thời gian sớm nhất có thể.
Những dự án nổi bật của Trung Nam Group
Bên cạnh thế mạnh về sản xuất năng lượng tái tạo, "ông lớn" Trung Nam Group còn sở hữu hàng loạt dự án bất động sản có tiếng như Tòa nhà DITP Tower (Đà Nẵng), dự án Golf Valley (Đà Lạt), dự án Golden Hills City (Đà Nẵng), Khu du lịch Bình Tiên (Ninh Thuận)...
>> Cán bộ, Đảng viên tại Phú Quốc ‘không được’ đi nước ngoài vì lý do gì?
Về dự án Khu du lịch Bình Tiên, dự án toạ lạc tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận do CTCP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên làm chủ đầu tư (thuộc Trung Nam Group). Công ty này cũng do Chủ tịch Nguyễn Tâm Thịnh là người đại diện pháp luật.
Dự án có tổng diện tích 190ha, bao gồm các công trình: sân golf 18 lỗ, 53 căn biệt thự hướng biển (diện tích xây dựng 10.718m2); 317 căn biệt thự biển (diện tích 44.403m2); 97 căn biệt thự sân golf (diện tích 13.448m2). Ngày 17/4/2022, chủ đầu tư đã tổ chức lễ khánh thành một số hạng mục của giai đoạn 1 của Dự án này gồm sân golf Nara Bình Tiên 18 lỗ và Câu lạc bộ sân golf.
Về tiến độ thực hiện, dự án dự kiến hoàn thành trong 6 năm (từ năm 2005-2010). Vì dự án làm mãi không xong, đến tháng 10/2009, UBND tỉnh Ninh Thuận gia hạn tiến độ giai đoạn 2, hạn đến tháng 9/2014 phải đưa toàn bộ dự án vào hoạt động. Thế nhưng, sau gần 20 năm xây dựng, đến nay dự án mới chỉ có một số hạng mục hoàn thành và đi vào hoạt động.
Tại Đà Nẵng, Trung Nam sở hữu 2 dự án là dự án Golden Hills City và Tòa nhà DITP trong đó, Tòa nhà DITP nằm tại Lô A2-19, dự án vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài - Khu vực tiếp giáp phía Tây Bắc đường Nguyễn Lương Bằng đến cầu Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Dự án có diện tích sử dụng đất 2.441,4m2, quy mô 18 tầng, trong đó 4 tầng dành cho kinh doanh, 11 tầng cho văn phòng. Dự án nhằm cung cấp không gian làm việc, phục vụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT.
Còn dự án khu đô thị sinh thái Golden Hills City nằm trên trục đường Nguyễn Tất Thành nối dài và tiếp giáp sông Cu Đê. Dự án được thành phố giao đất cho Trung Nam Group vào tháng 10/2008 có diện tích sử dụng đất dự án khoảng 381,3ha, với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 4.447 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư Golden Hills City thuộc dạng "khủng" tại Đà Nẵng với khu thương mại dịch vụ 6 tòa nhà cao từ 25-40 tầng, 4 tòa nhà cao 15-40 tầng; khu biệt thự gồm 485 căn biệt thự đơn lập rộng từ 500-2.000m2/căn, và 360 biệt thự song lập rộng từ 300-600m2/căn. Khu căn hộ cao cấp gồm các tòa nhà cao từ 25-40 tầng, diện tích 70-120m2/căn hộ; khu khách sạn gồm 1 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao; và khu thể thao, vui chơi, giải trí.
Liên quan đến dự án này, vào năm 2012, Golden Hills City từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận có hàng loạt vi phạm liên quan tới giao đất, cho thuê đất, cấp phép đầu tư không đúng quy định.
Đến năm 2023, dự án này tiếp tục dính lùm xùm khi nhiều khách hàng mua đất tại đây vẫn không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Chủ đầu tư nhiều lần ra văn bản phúc đáp, lý giải về sự việc, cam kết ra sổ... nhưng sau đó lại liên tục xin lỗi, hứa hẹn.
Tại TP. HCM, doanh nghiệp này đang sở hữu 2 dự án, bao gồm: Thứ nhất là Tòa nhà Trung Nam có địa chỉ tại 7A/68 Thành Thái, phường 14, quận 10, TP. HCM, được khánh thành vào năm 2010. Quy mô tòa nhà gồm 11 tầng và 1 tầng hầm. Thứ hai là Tòa nhà văn phòng Trung Nam tại số 30 Nguyễn Thị Diệu, quận 3, được khánh thánh từ 9/2014, có quy mô 9 tầng cao và sân thượng, 1 tầng hầm.
Một dự án đáng chú ý khác của Trung Nam Group là dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt (tên thương mại là Golf Valley).
Dự án có diện tích gần 20ha, có vị trí đắc địa ở phường 2, thành phố Đà Lạt khi nằm cạnh sân golf Đồi Cù, Hồ Xuân Hương và gần chợ Đà Lạt. Dự án này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, đến cuối năm 2010 bắt đầu được chủ đầu tư triển khai xây dựng. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng với thời gian hoạt động 50 năm.
>> Hà Nội chuẩn bị có thêm 3 dự án hầm chui gần 4.500 tỷ đồng
Hà Nội chuẩn bị có thêm 3 dự án hầm chui gần 4.500 tỷ đồng
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm hơn 9.600 tỷ đồng có tín hiệu mới