Ngày 17/5, Báo Thanh Niên đã tổ chức Hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" để thảo luận về những vấn đề “nóng” liên quan đến giá vé máy bay trong thời gian gần đây.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel đã giải thích lý do giá vé máy bay tăng cao và nêu ý kiến về vấn đề giá vé máy bay nội địa cao hơn đi Thái Lan.
Lý do giá vé máy bay tăng cao
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh, nguyên nhân sâu xa khiến giá vé máy bay tăng cao là do các hãng hàng không Việt Nam đang bay gia công, chưa nắm được công nghệ lõi.
"Toàn bộ tàu có mua về để tại Việt Nam, nhà sản xuất bảo động cơ không bay được là vẫn dừng như thường. Chứ không phải muốn bay là bay được đâu. Tàu bay thuê không phải mua, cái vỏ xe cũng nhập, phanh, bánh, lốp máy bay hư thường xuyên là phải nhập, trả bằng đô la hết. Chúng ta chỉ có khách hàng, thị trường, đội ngũ phục vụ, sân bay, mặt đất… Nhưng toàn bộ phương tiện chính để bay thì không làm chủ được phần trăm nào trong đó hết. Đến phần mềm bán vé máy bay cũng của nước ngoài.
Một ngành công nghiệp kinh doanh quan trọng như vậy mà không nắm được lõi thì việc chúng ta bị ép, bị ảnh hưởng là bình thường. Xăng dầu nhích lên một chút thôi là hồi hộp.", vị Chủ tịch nêu thực tế.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Báo Thanh Niên |
Các hãng hàng không phải lấy lời từ dịch vụ phụ trợ khác, còn bản thân hoạt động bay hiện nay là lỗ. Trên thế giới không có quốc gia nào mà tất cả các hãng hàng không đều lỗ đến "ná thở" như Việt Nam hiện nay.
Theo ông Kỳ, thị trường Việt Nam đang mất khoảng 45-50 tàu trên toàn tải thị trường, Toàn thị trường có khoảng 270 tàu. Mặc dù lượng tải thị trường xuống, tức cung giảm, nhưng nhu cầu vẫn tăng do đông đảo người dân sau dịch muốn "đi chữa lành". Mọi người cũng mong muốn di chuyển nhanh hơn, ít chạm hơn, an toàn hơn, nên nhu cầu đi đường hàng không tăng.
Ngoài ra, bộ sản phẩm ngành du lịch hiện nay được thiết kế theo hình que, trục Bắc - Nam, không có bộ sản phẩm hình nan hoa nên gần như hàng không "gánh" hết, rất khó san sẻ được với đường bộ và đường sắt. Các phương tiện khác chen vào rất khó. Đây cũng là bài toán chung của cả ngành hàng không và du lịch.
Không chỉ Việt Nam tăng giá vé máy bay mà cả thế giới đều tăng
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, Vietravel là doanh nghiệp hoạt động trong cả ngành hàng không và du lịch. Theo đó, ông khẳng định hàng không và du lịch là hai cánh của chiếc máy bay, có tác động hữu cơ và kết nối chặt chẽ với nhau trong nhiều năm. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều thông tin sai lệch dẫn đến nhiều người hiểu nhầm ngành hàng không đang cố tình bán vé giá cao để hưởng lợi một mình, không quan tâm đến các đơn vị khác, nhất là ngành du lịch.
Theo ông Kỳ, không chỉ Việt Nam tăng giá vé máy bay mà cả thế giới đều tăng. Báo cáo Global Trend Report do FCM Consulting cung cấp chỉ ra, năm 2023, giá vé máy bay hạng phổ thông toàn thế giới đã tăng 17-25% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch. Trong đó, Châu Á tăng 21%; Úc, New Zealand tăng 22%; Châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25%; Bắc Mỹ tăng 17%. Xu thế toàn cầu trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng 3-7%.
“Chưa bao giờ giá vé máy bay từ Việt Nam đi Mỹ lại đắt như thế. Trước đây, vé Business Class có lúc bán 3.000-4.000 USD, giờ đi phải 9.000-11.000 USD, tăng gấp đôi. Hạng vé phổ thông cũng tăng từ 750-900 USD lên 1.700-2.100 USD tùy từng thời điểm”, Chủ tịch Vietravel cho biết.
>> Giá vé máy bay ‘cõng’ bao nhiêu đồng thuế, phí?
Không chỉ Việt Nam tăng giá vé máy bay mà cả thế giới đều tăng |
Hiện nay chỉ có duy nhất đường bay từ Việt Nam đi Thái Lan có giá rẻ, sang các nước khác không hề rẻ. Nguyên nhân là vì Thái Lan có chính sách 4 trong 1. Các hãng đều bán dưới giá thành, chịu lỗ nhưng lấy lời từ dịch vụ mua bán, lưu trú, chủ yếu là shopping. Họ lấy tiền đó rồi chia ngược lại cho các đơn vị để bù lỗ, cùng liên kết tạo thành một gói sản phẩm giá rẻ. Hình thức này hiện nay gần như chỉ mình Thái Lan có thể làm được.
Để giải quyết vấn đề giá vé và kích cầu du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất các địa phương có thể xem xét hỗ trợ các hãng hàng không khi mở đường bay tới địa phương. Ngoài ra, các hãng hàng không cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành thông qua việc giảm tiền cọc series booking, chia thành nhiều đợt thanh toán, cho phép trả gối đầu và tăng cường bay charter (bay thuê chuyến) để tận dụng thời gian bay và nhu cầu thị trường.