Chủ tịch Vĩnh Phúc: Cấm tuyệt đối lãnh đạo đơn vị can thiệp việc chọn nhà thầu
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư/bên mời thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, bên cạnh những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, việc triển khai thực hiện đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như giải ngân đạt 51% so với kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết, chưa đạt yêu cầu theo chỉ đạo của UBND tỉnh đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, kế hoạch vốn được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 (nếu có) phải hoàn thành giải ngân trước ngày 31/12. Từng chủ đầu tư, từng huyện, thành phố phải giải ngân kế hoạch vốn do mình quản lý đảm bảo theo các mốc thời gian giải ngân đã đề ra.
Lộ trình cụ thể đến ngày 30/10/2024 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch vốn được giao; đến hết ngày 31/01/2025 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông. |
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu căn cứ theo phân cấp, thẩm quyền, các huyện, thành phố khẩn trương rà soát và hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các cấp trong năm 2024, rà soát thứ tự ưu tiên, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tập trung nguồn lực cho các dự án dở dang, dự án chuyển tiếp quan trọng có khả năng hoàn thành ngay trong năm; kiên quyết cắt giảm các dự án khởi công mới chưa thực sự cần thiết...
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn đầu tư công có dự án sử dụng vốn sai mục đích, gây thất thoát vốn; không giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công được giao mà không do các nguyên nhân khách quan, phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đặc biệt, chỉ thị nhấn mạnh về công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, chủ tịch tỉnh nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu làm ảnh hưởng tới công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh. Về giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm trong đấu thầu, người có thẩm quyền, chủ đầu tư/bên mời thầu chịu trách nhiệm giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời gian quy định tại Điều 91 và 92 Luật Đấu thầu năm 2013; không đẩy trách nhiệm xử lý kiến nghị trong đấu thầu thuộc thẩm quyền của mình cho cơ quan cấp trên.
Về trách nhiệm quản lý và theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra trong đấu thầu, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu người có thẩm quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư/bên mời thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; thường xuyên nắm bắt thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và đăng tải công khai các hành vi vi phạm theo đúng quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan được giao thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu thầu trên địa bàn theo kế hoạch, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các sai phạm trong hoạt động đấu thầu; tăng cường kiểm tra các gói thầu quy mô lớn, phức tạp, các gói thầu thực hiện chỉ định thầu, các gói thầu có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo...
>>Vĩnh Phúc: Dự án chống ngập gần 5.000 tỷ xuống cấp, sạt lở ngay khi chưa nghiệm thu
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình làm việc với 5 tỉnh, thành miền Trung về giải ngân vốn đầu tư công
Nhiều tập đoàn lớn muốn rót vốn đầu tư vào sân bay 11.000 tỷ tại Quảng Nam