Thế giới

Chưa từng có trong lịch sử: Doanh nghiệp 'chạy đua' tích trữ né thuế quan, hàng hóa ùn ùn về các cảng của Mỹ

Vũ Bấc 03/12/2024 15:30

Các cảng lớn chứng kiến làn sóng nhập khẩu chưa từng có trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ đứng trước nguy cơ mất việc, chi phí tăng cao do chính sách thuế quan mới của ông Trump.

Từ tháng 11, khi các tín hiệu bầu cử cho thấy ông Trump dẫn trước, CEO Jimmy Zollo của startup thời trang Joe & Bella đã đặt ngay đơn hàng 5.000 chiếc áo sơ mi từ nhà cung cấp tại Quảng Châu. "Đây là đơn hàng lớn nhất của chúng tôi", ông Zollo giải thích “ Chúng tôi phải chuẩn bị cho mình đường lui trước những biến động có thể xảy ra”.

Mối lo ngại của ông Zollo và nhiều nhà sản xuất khác khả năng cao sẽ thành hiện thực. Ngày 25/11, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế thêm 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực ngay khi ông nhậm chức vào 20/1. Phản ứng của đa phần các doanh nghiệp nhập khẩu như ông Zollo là lo lắng cho tương lai.

Chưa từng có trong lịch sử: Doanh nghiệp 'chạy đua' tích trữ né thuế quan, hàng hóa ùn ùn về các cảng của Mỹ - ảnh 1
Các doanh nghiệp Mỹ 'chạy đua' nhập khẩu sớm để né thuế quan và chi phí vận tải tăng cao

Các cảng lớn của Mỹ hiện đang chứng kiến làn sóng nhập khẩu chưa từng có, khi các doanh nghiệp tranh thủ từng ngày, từng giờ để đưa hàng vào trước thời điểm áp thuế.

Làn sóng nhập khẩu đang đẩy các cảng Mỹ vào tình trạng báo động. Gene Seroka - giám đốc điều hành Cảng Los Angeles - nhận định: "Mọi người đã chuẩn bị trong một thời gian và đây sẽ là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều người".

Các cảng Los Angeles và Long Beach - trung tâm hậu cần bận rộn nhất nước Mỹ - đang chứng kiến làn sóng vận chuyển chưa từng có. Chỉ riêng tháng 10, cảng đã xử lý 905.206 container, tăng 25% so với năm ngoái, và lần đầu tiên vượt mốc 900.000 đơn vị trong bốn tháng liên tiếp.

Ông Seroka tiết lộ cảng đang hướng tới mục tiêu xử lý 10 triệu container năm 2024 - một dấu mốc quan trọng chỉ lặp lại lần thứ hai trong 116 năm hoạt động.

Những công nhân lo lắng về tương lai

Đằng sau những con số ấn tượng là những lo ngại sâu sắc về tương lai của hàng triệu công nhân, nhà bán lẻ và nhà sản xuất Mỹ.

Ông Seroka cho rằng một phần lý do khiến lưu lượng container tăng là do các nhà bán lẻ và nhà sản xuất đang đặt hàng trước và tích trữ hàng hóa để phòng ngừa các mức thuế quan mới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ mà còn có thể tác động sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nhà nhập khẩu đang trong trạng thái "chạy đua" với thời gian, cố gắng đưa hàng vào trước khi các chính sách thương mại có thể thay đổi. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: "Tôi có thể mang bao nhiêu hàng vào trước khi các kho hàng bắt đầu quá tải?"

Chưa từng có trong lịch sử: Doanh nghiệp 'chạy đua' tích trữ né thuế quan, hàng hóa ùn ùn về các cảng của Mỹ - ảnh 2
Ông Gene Seroka - giám đốc điều hành Cảng Los Angeles

Mỹ có thể “tự bắn vào chân mình”

Với mục tiêu tăng cường ngành sản xuất trong nước, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ đưa ra các mức thuế gây chấn động: 25% đối với hàng nhập khẩu Canada và Mexico, và mức đe dọa còn cao hơn - tới 200% với ô tô Mexico, 60% với hàng Trung Quốc và 10% với hàng từ các quốc gia khác.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo những chính sách này có thể mang lại hệ lụy nghiêm trọng: giá cả tăng phi mã gây bất lợi cho người tiêu dùng Mỹ, giảm việc làm và thậm chí kéo nền kinh tế đi xuống.

Xuất khẩu Trung Quốc dự kiến tăng tốc lên 7% trong quý cuối 2024, do khách hàng đổ xô đặt hàng trước các thay đổi sắp tới. Con số này cao hơn mức 5% của tháng 10, và sẽ đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu lên 3,5 nghìn tỷ USD - mức gần bằng kỷ lục năm 2022.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia điều chỉnh dự báo, kỳ vọng khối lượng nhập khẩu Mỹ sẽ tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng đột biến so với dự báo 1% trước bầu cử.

Những câu chuyện của các doanh nghiệp cho thấy áp lực đang gia tăng. Jimmy Zollo, CEO startup Joe & Bella cho biết, mặc dù đơn hàng tăng gấp bốn lần nhưng "không có cách thực tế nào" để đảm bảo hàng tồn kho trước chuyển giao quyền lực. Các nhà máy Trung Quốc đang chịu áp lực lớn, với thời gian sản xuất kéo dài do làn sóng đơn hàng trước Tết Nguyên đán.

Phil Sklar, đồng sáng lập Bảo tàng Bobblehead Quốc gia, thận trọng hơn. Ông không muốn tích trữ thêm hàng vì các chi phí kho bãi và thanh toán trước có thể triệt tiêu khoản tiết kiệm từ việc tránh thuế.

Gene Seroka, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles, sau bảy chuyến công tác châu Á năm nay khẳng định: "Hầu hết các nhà máy chúng tôi tiếp xúc vẫn hoạt động hết công suất", một phần do nền kinh tế Mỹ và làn sóng thuế quan sắp tới.

Là cảng bận rộn nhất Tây bán cầu, trải rộng 20 dặm vuông (52 km²), cảng Los Angeles (L.A) đang đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh nhiều tuyến thương mại truyền thống bị gián đoạn - kênh đào Suez bị đe dọa, Kênh đào Panama hạn hán - các hãng vận tải ngày càng ưu tiên các tuyến đường qua cảng L.A.

Theo Statista, cảng Los Angeles và Long Beach xử lý khoảng 40% tổng lượng hàng nhập khẩu đường biển vào Mỹ vào năm 2023. Năm 2022, 57% hoạt động kinh doanh của cảng liên quan đến Trung Quốc.

Chưa từng có trong lịch sử: Doanh nghiệp 'chạy đua' tích trữ né thuế quan, hàng hóa ùn ùn về các cảng của Mỹ - ảnh 3
Cảng Los Angeles nằm trên vịnh San Pedro là một trong những cảng thương mại chiến lược quan trọng nhất thế giới

Tuy nhiên, bức tranh đang thay đổi nhanh chóng. Chiến lược "Trung Quốc + 1" và "Trung Quốc + 2" của các nhà nhập khẩu đang cho thấy một xu hướng: đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Khi sản xuất Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, Campuchia và Mexico, cảng đã điều chỉnh chiến lược. Đến giữa 2024, sự phụ thuộc vào Trung Quốc giảm còn 45% - vẫn đáng kể nhưng là một bước chuyển đáng chú ý.

Ông Seroka cảnh báo về những hệ lụy tiềm tàng của cuộc chiến thương mại sắp tới. Các biện pháp của ông Trump có thể "định hình lại bối cảnh thương mại toàn cầu" với những tác động to lớn. Chuyên gia lo ngại chính sách "đưa sản xuất về nước" không chỉ giảm nhập khẩu mà còn có thể gây nguy hiểm cho gần 1 triệu việc làm liên quan đến cảng.

"Cứ bốn container chúng tôi vận chuyển lại tạo ra một việc làm. Hơn một triệu người có công ăn việc làm mỗi ngày nhờ khu phức hợp cảng này. Những thùng hàng tỏa ra khắp nơi trên đất Mỹ, mang đến những tác động kinh tế rất sâu rộng", Seroka khẳng định.

Mary Lovely, chuyên gia cấp cao từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump về bản chất là "giảm dòng hàng hóa vào và ra Mỹ". Bà cảnh báo những chính sách này sẽ gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ, ảnh hưởng không chỉ đến việc làm tại Cảng Los Angeles mà còn trên toàn quốc, đặc biệt là ngành sản xuất.

Bà Lovely dự báo: "Chúng ta đang hướng tới một thời kỳ sẽ gây ra rất nhiều đau đầu cho các đơn vị vận chuyển và nhà quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu".

>> Chủ tịch ECB kêu gọi châu Âu mua hàng Mỹ, tránh đối đầu với ông Trump

Ngành xe điện Mexico 'tiến thoái lưỡng nan' sau tuyên bố thuế quan cứng rắn của ông Trump

Bùng nổ số lượng chuyến bay tới Trung Quốc nhờ cơn sốt thương mại điện tử và khủng hoảng Biển Đỏ

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/chua-tung-co-trong-lich-su-doanh-nghiep-chay-dua-tich-tru-ne-thue-quan-hang-hoa-un-un-ve-cac-cang-cua-my-131499.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chưa từng có trong lịch sử: Doanh nghiệp 'chạy đua' tích trữ né thuế quan, hàng hóa ùn ùn về các cảng của Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH