Chứng khoán

Chứng khoán 2025: Ba câu hỏi lớn cần lời giải

Quốc Trung 06/01/2025 14:57

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2024 với việc VN-Index tăng 12%. Bước sang năm 2025, các công ty chứng khoán lạc quan dự báo chỉ số sẽ vượt 1.300 điểm, hướng tới ngưỡng 1.400 và thậm chí 1.500 điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là kịch bản tích cực.

Chứng khoán 2025: Ba câu hỏi lớn cần lời giải

Các công ty chứng khoán đều lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025, với dự báo VN-Index sẽ vượt 1.300 điểm, hướng tới ngưỡng 1.400 và thậm chí 1.500 điểm trong kịch bản tích cực.

Theo Chứng khoán MB (MBS), nền tảng vĩ mô ổn định, lãi suất thuận lợi và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hỗ trợ một chu kỳ tăng trưởng mới. Năm 2025, lợi nhuận toàn thị trường dự báo tăng 18%, tạo động lực cho chỉ số VN-Index tiến tới 1.400 - 1.420 điểm.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng VN-Index kết thúc năm ở mức 1.486 điểm, trong khi Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo mức 1.460 điểm. Các giả định nền kinh tế duy trì tăng trưởng 6,8%, lạm phát ở mức 4%, tín dụng tăng 15%, cùng thanh khoản khớp lệnh trung bình 18.200 tỷ đồng/phiên.

Tuy nhiên, các công ty cũng nhấn mạnh rủi ro từ áp lực tỷ giá, chính sách thương mại khó lường của Mỹ và sự phục hồi chậm của bất động sản. Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể giảm về mốc 1.180 điểm, thậm chí sâu hơn nếu các yếu tố vĩ mô diễn biến bất lợi.

Điểm sáng là kỳ vọng nâng hạng thị trường và hệ thống KRX sẽ thu hút dòng vốn ngoại, giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bứt phá.

Những biến số năm 2025?

Ông Nghiêm Quang Duy - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, CTCK VPS đánh giá, TTCK bước qua năm 2024 với nhiều biến động khi dòng tiền chịu tác động từ các yếu tố vĩ mô. Dù VN-Index tăng khoảng 12% trong năm, chủ yếu nhờ nhóm VN30 nhưng triển vọng áp dụng hệ thống KRX và nâng hạng thị trường vẫn mờ nhạt. Những kỳ vọng này, vốn được xem là động lực cho TTCK và thị trường vốn, lại gặp phải nút thắt lớn từ khả năng hấp thụ dòng tiền trong nền kinh tế.

Năm 2024, cung tiền M2 – thước đo thanh khoản trong nền kinh tế – chỉ tăng khoảng 1 triệu tỷ đồng, không quá mạnh. Điều này xảy ra ngay cả khi Việt Nam duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Hơn nữa, hơn 1 triệu tỷ đồng tiền cơ sở đang tồn đọng tại kho bạc Nhà nước, với 80% số này gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nếu nguồn tiền này được giải ngân, nó có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa lớn qua các vòng quay tiền, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025. Chính sách tài khóa, vì thế, cần được đẩy mạnh để tháo gỡ những nút thắt này.

Câu hỏi thứ hai là liệu Thông tư 02 – quy định về giãn nợ – có được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 hay không? Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xử lý nợ xấu, đặc biệt từ các ngân hàng trong nhóm VN30. Nếu không gia hạn, rủi ro nợ xấu gia tăng, đặc biệt từ trái phiếu doanh nghiệp, sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng và sức mạnh thị trường. Với việc các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong thanh toán trái phiếu, dòng tiền trở nên e dè với nhóm cổ phiếu liên quan, làm giảm kỳ vọng phục hồi của nhóm này.

>> CTCK thông tin về hệ thống KRX: Chìa khóa nâng hạng thị trường năm 2025

Chứng khoán 2025: Ba câu hỏi lớn cần lời giải
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng.

Câu hỏi cuối cùng xoay quanh chính sách ổn định tỷ giá trong bối cảnh áp lực từ chỉ số DXY duy trì mức cao. Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra gần 10 tỷ USD để giữ tỷ giá, khiến dự trữ ngoại hối giảm còn khoảng 80 tỷ USD.

Theo ông Duy, trong năm 2025, việc duy trì lãi suất thấp sẽ trở nên khó khăn khi áp lực từ chính sách tiền tệ toàn cầu gia tăng. Đại diện NHNN đã nhấn mạnh khả năng lãi suất có thể tăng trong năm tới, làm giảm dư địa tăng trưởng tín dụng. Do đó, kỳ vọng hỗ trợ kinh tế sẽ chuyển dần sang chính sách tài khóa, với trọng tâm là đầu tư công.

Với các yếu tố vĩ mô phức tạp và dòng tiền yếu, TTCK Việt Nam năm 2025 có thể đối mặt với những đợt sụt giảm khi thiếu điểm tựa vững chắc từ cả trong và ngoài nước. Để vượt qua giai đoạn này, việc khơi thông dòng vốn, tăng cường hiệu quả chính sách tài khóa và duy trì ổn định vĩ mô là những yếu tố then chốt.

>> Ổn định kinh tế vĩ mô: Bệ phóng cho sự khởi sắc của thị trường chứng khoán 2025

VN-Index mất hơn 8 điểm, 22 cổ phiếu giảm sàn

84 mã chứng khoán bị HoSE cắt margin trong quý I/2025: HAG, NVL, QCG cùng nhiều cái tên 'hot' góp mặt

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-2025-ba-cau-hoi-lon-can-loi-giai-269902.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chứng khoán 2025: Ba câu hỏi lớn cần lời giải
    POWERED BY ONECMS & INTECH