Dù lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 của Everest (EVS) vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực song biên lãi ròng bán niên 2022 giảm về mức 21% trong khi cùng kỳ năm 2021 là 47%.
CTCP Chứng khoán Everest (Mã EVS - HNX) công bố kết quả kinh doanh quý II/2022.
Trong quý, EVS ghi nhận doanh thu hoạt động tăng mạnh so với cùng kỳ 2021 và quý I/2022 lên mức 343 tỷ đồng trong đó chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ tăng 75% so với quý II/2021 (ghi nhận ở mức 143 tỷ đồng) và tăng đột biến so với mức hơn 6 tỷ đồng trong quý trước đó.
Doanh thu từ các hoạt động chính như cho vay margin, môi giới, hay tư vấn tài chính đều giảm mạnh so với quý I/2022 ngoại trừ nguồn thu từ hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán (đạt 83 tỷ đồng).
Đáng chú ý, doanh thu từ cho vay marrgin trong quý II giảm mạnh chỉ còn 22 tỷ đồng so với mức 120 tỷ đồng hồi đầu năm. Điều này được lý giải bởi việc dư nợ cho vay margin của EVS đến cuối quý II/2022 đã giảm mạnh về dưới 1.000 tỷ đồng (hồi đầu năm là 1.762 tỷ đồng).
Trong quý, chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ của EVS cũng ghi nhận tăng mạnh 46 tỷ đồng YoY lên mức 129 tỷ trong đó chi phí hoạt động tư vấn tăng 98% lên mức 84 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản thuế phí, EVS báo lợi nhuận sau thuế quý II/2022 đạt 112 tỷ đồng - gấp 3,7 lần so với số lãi 30 tỷ đồng trong quý trước đó.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Chứng khoán EVS đạt tổng doanh thu 650 tỷ đồng - tăng 72% so với bán niên 2021; lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 141 tỷ đồng - giảm gần 21% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận ròng bán niên 2022 giảm về mức 21% trong khi cùng kỳ năm 2021 là 47%.
Được biết, nguyên nhân khiến biên lợi nhuận ròng bán niên 2022 của Chứng khoán EVS giảm mạnh đến từ việc ghi nhận khoản lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng vọt 8,6 lần lên mức 225 tỷ đồng (so với mức 26 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021). Thêm vào đó, khoản chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính (FVTPL) cũng tăng gấp 9 lần cùng kỳ lên mức 185 tỷ đồng.
Trong kỳ, danh mục đầu tư chứng khoán của EVS ghi nhận mức tăng 233 tỷ đồng trong đó phần lãi chủ yếu đến từ thương vụ đầu tư 14,37 triệu cổ phiếu NVB và 900.000 cổ phiếu GMA. Trong khi đó, hầu hết các khoản đầu tư nhóm cổ phiếu bluechips như ACB, VHM, HPG, FPT đều cho kết quả thua lỗ trong đó khoản đầu tư tại cổ phiếu ACB và OGC ghi nhận mức lỗ lần lượt 10 tỷ và 4,8 tỷ đồng.
Đến cuối quý II/2022, EVS còn khoản dư nợ trái phiếu hơn 350 tỷ đồng và khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng gần 230 tỷ đồng.
Lợi nhuận chưa phân phối đến cuối tháng 6/2022 tăng lên mức 664 tỷ đồng.
Cổ phiếu EVS giao dịch sôi động nhất lịch niêm yết, 1 cổ đông muốn bán 32 triệu cp
Chứng khoán Everest (EVS) tái lỗ, doanh thu quý 1/2023 giảm 80%