Chuỗi mì ramen Nhật Bản đặt mục tiêu mở 50 nhà hàng mới tại Việt Nam kinh doanh ra sao?
Chuỗi mì ramen tới từ Nhật Bản này phổ biến ở Đông Nam Á nhờ giá rẻ và hương vị phù hợp với thói quen ăn uống địa phương.
Hachi-Ban, công ty điều hành chuỗi nhà hàng mì ramen Hachiban của Nhật Bản đang chuẩn bị mở rộng ở Đông Nam Á, bằng cách mở thêm các cửa hàng tại Việt Nam và đưa một nhà máy mới vào hoạt động tại Thái Lan, theo Nikkei Asia.
Hiện nay, Đông Nam Á là thị trường lớn nhất của Hachi-ban, với 159 nhà hàng, còn nhiều hơn con số 115 nhà hàng tại quê nhà Nhật Bản.
Năm tài chính kết thúc vào ngày 20/3/2022, công ty Hachi-Ban ghi nhận doanh thu tăng 2%, lên 5,92 tỷ yên (42,4 triệu USD), trong khi lỗ ròng giảm 74% xuống 168,6 triệu yên (1,2 triệu USD).
Sự gia tăng doanh thu chủ yếu là do sự tăng trưởng của phân khúc kinh doanh nhà hàng, tăng 3% lên 4,67 tỷ yên (33,4 triệu USD) và phân khúc kinh doanh chuỗi nhà hàng nhượng quyền bên ngoài Nhật Bản, tăng 4% lên 596,8 triệu yên (4,2 triệu USD).
Kế hoạch mở rộng
Tại Việt Nam, Hachi-Ban đã khai trương nhà hàng thứ 2 tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 4 năm nay. Nhà hàng đầu tiên của Hachi-Ban ở Việt Nam cũng được mở tại TP Hồ Chí Minh năm 2019, trước khi phải tạm dừng các hoạt động mở mới do dịch bệnh.
Công ty dự kiến sẽ khai trương thêm một cửa hàng mới tại Việt Nam vào cuối năm nay, với mục tiêu ngắn hạn là sở hữu 50 cửa hàng mì ramen Hachiban ở quốc gia Đông Nam Á này.
Tại Thái Lan, Hachi-Ban có kế hoạch tăng số lượng nhà hàng thêm 70% lên 250 và nhà máy mới sẽ thiết lập chuỗi cung ứng nguyên liệu để hỗ trợ việc mở rộng này.
Để đáp ứng sở thích về hương vị cũng như giá cả của khách hàng Thái Lan, Hachi-Ban dựa vào nhà bếp trung tâm để duy trì tính nhất quán trong các món ăn của mình. Năm 2006, công ty đã mở rộng nhà bếp trung tâm ở Thái Lan và thành lập một trung tâm phân phối vào năm 2019 để hợp lý hóa các hoạt động hậu cần.
Tháng 9 năm nay, công ty sẽ khai trương nhà bếp trung tâm thứ hai ở ngoại ô Bangkok, với diện tích sàn 5.000 mét vuông, tương đương với diện tích của nhà bếp đầu tiên. Ngoài ra, công ty sẽ tăng sản lượng các dây chuyền sản xuất mì và bánh bao gyoza, đồng thời tập trung vào tự động hóa, triển khai các thiết bị chế biến thực phẩm hiện đại.
Hành trình đến với Đông Nam Á
Hachi-Ban được thành lập vào năm 1967 tại Kaga, tỉnh Ishikawa, được đặt tên theo con đường chạy qua cửa hàng đầu tiên của công ty. Mì ramen với rau đã trở thành món ăn đặc trưng của Hachi-Ban. Theo thời gian, ramen đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa ẩm thực ở vùng Hokuriku, nơi Hachi-Ban đặt trụ sở chính.
Việc mở rộng sang Đông Nam Á của công ty là một sự tình cờ. Lãnh đạo một công ty dệt may của Thái Lan đến thăm vùng Hokuriku và thử món mì ramen Hachiban. Ấn tượng với món ăn, doanh nhân này đã ký thỏa thuận nhượng quyền thương mại với Hachi-Ban và mở nhà hàng Hachiban ở nước ngoài đầu tiên tại Bangkok vào năm 1992.
Kể từ đó, thị trường mục tiêu chính của Hachi-Ban là khách hàng Thái Lan hơn là người Nhật Bản. Công ty sản xuất mì ramen ở Thái Lan bằng cách sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc địa phương.
Theo CEO Yoshinori Yoshimura, Hachiban ramen phổ biến ở Đông Nam Á nhờ giá rẻ và hương vị phù hợp với thói quen ăn uống địa phương.
Ví dụ, ở Nhật Bản nước dùng ramen Hachiban được làm từ sự kết hợp giữa thịt lợn và thịt gà, nhưng ở Thái Lan, nước dùng được làm từ thịt lợn, trong khi ở Việt Nam được làm từ thịt gà.