Chuỗi siêu thị lớn nhất châu Âu rời Trung Quốc, chọn Việt Nam để tái cấu trúc chuỗi cung ứng
Thêm cảng Hồ Chí Minh và Port Klang vào tuyến vận chuyển nhằm giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc
Một trong những nhà bán lẻ siêu thị lớn nhất châu Âu, Lidl, đang lên kế hoạch gia tăng nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia nhằm đa dạng hóa và bảo vệ chuỗi cung ứng trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng.
Lidl là một phần của Tập đoàn Schwarz của Đức. Sau đại dịch COVID-19, tập đoàn này đã thành lập công ty vận tải riêng mang tên Tailwind Shipping Lines vào năm 2022 nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chuỗi cung ứng và đảm bảo vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc, Bangladesh và Sri Lanka đến các cửa hàng tại châu Âu. Hiện nay, Tailwind đã trở thành công ty vận tải biển lớn thứ hai của Đức, với đội tàu gồm chín tàu container.
Tháng trước, Tailwind đã bổ sung TP. Hồ Chí Minh và cảng Port Klang (Malaysia) vào tuyến vận chuyển vốn trước đây chỉ kết nối giữa Chattogram (Bangladesh) và Colombo (Sri Lanka). Đáng chú ý, Port Klang đã thay thế Colombo trở thành trung tâm trung chuyển chính tại châu Á của Tailwind, nơi kết nối với tuyến vận chuyển chính giữa Trung Quốc và châu Âu.
“Với dịch vụ nội Á này, chúng tôi cung cấp giải pháp vận chuyển đáng tin cậy cho các ngành như nguyên vật liệu và bán thành phẩm trong ngành dệt may, cũng như nhiều lĩnh vực khác”, ông Nico Peters, Phó Chủ tịch phụ trách Quản lý Thương mại tại Tailwind, cho biết trong thông cáo báo chí đăng trên trang web công ty. “Điều này sẽ giúp tăng cường hơn nữa chuỗi cung ứng quốc tế”.
Chiến tranh thương mại thúc đẩy tái cấu trúc chuỗi cung ứng
Lidl hiện sở hữu 12.350 cửa hàng, hầu hết đều đặt tại châu Âu, chiếm khoảng 8% thị phần tổng hợp tại Đức, Anh, Pháp, Ý và khu vực Trung - Đông Âu, theo nhiều tổ chức nghiên cứu ngành bán lẻ. Tập đoàn Schwarz cũng sở hữu chuỗi siêu thị Kaufland quy mô nhỏ hơn tại Đức.

Năm 2024, Lidl ghi nhận doanh thu tại cửa hàng tăng 5,3% so với cùng kỳ, đạt 132,1 tỷ euro (154 tỷ USD), và là nhà bán lẻ duy nhất tại châu Âu sở hữu công ty vận tải biển riêng.
Dù chủ yếu kinh doanh thực phẩm, Lidl vẫn nhập phần lớn sản phẩm phi thực phẩm từ Trung Quốc. Việc bổ sung TP. Hồ Chí Minh và Port Klang vào tuyến vận tải cho thấy định hướng của Lidl trong việc đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa phi thực phẩm từ Việt Nam và Malaysia trong tương lai. Một chuyên gia trong ngành cho biết, chính cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng là yếu tố thúc đẩy chính của xu hướng này.
Trong tháng 4, Malaysia và Việt Nam bị áp mức thuế “đối ứng” lần lượt là 24% và 46% từ phía Mỹ, nhưng các mức thuế này đã tạm thời bị đình chỉ đến đầu tháng 7. Trong khi đó, hàng hóa từ Trung Quốc đang chịu mức thuế cao hơn, lên tới 55%, khiến nhiều công ty khuyến khích nhà cung cấp Trung Quốc di dời cơ sở sản xuất sang các nước châu Á khác.

“Chiến tranh thương mại dưới thời ông Trump sẽ khiến một phần sản xuất của Trung Quốc chuyển sang các thị trường châu Á khác ít bị ảnh hưởng bởi thuế cao, điều này sẽ làm phức tạp hoạt động logistics hàng phi thực phẩm, thay đổi nhu cầu thị trường và gây áp lực lên năng lực vận chuyển”, ông Boris Planer, người phát ngôn mảng Bán lẻ và Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại viện nghiên cứu Zukunftsinstitut của Đức, nhận định. “Tập đoàn Schwarz đang tự bảo vệ mình trước rủi ro tắc nghẽn và chi phí gia tăng bằng cách mở rộng đội tàu vận tải riêng”.
Tự vận hành logistics giúp Lidl vượt đối thủ
Việc mở rộng dấu chân của Tailwind tại Đông Nam Á càng được đẩy mạnh với kế hoạch bổ sung năm tàu container mới, mỗi tàu có sức chứa 8.400 TEU (đơn vị tương đương container 20 feet), vào tuyến Trung Quốc - châu Âu. Theo truyền thông, các tàu này được đặt đóng tại xưởng đóng tàu quốc tế Quảng Châu (Trung Quốc) với chi phí khoảng 600 triệu euro, mặc dù công ty từ chối tiết lộ nhà cung cấp cụ thể cũng như giá trị hợp đồng.
Tổng cộng, khi có thêm đội tàu mới, Tailwind sẽ sở hữu 80.000 TEU, xếp thứ 25 toàn cầu trong ngành vận tải biển, theo dữ liệu từ Alphaliner – đơn vị cung cấp thông tin ngành vận tải.
Ngoài căng thẳng thương mại, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ đã gây gián đoạn nghiêm trọng lưu thông container giữa châu Á và châu Âu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lực vận chuyển và giá cước tăng mạnh. Trong khi các đối thủ gặp khó khăn, Lidl tận dụng được Tailwind để duy trì ổn định chuỗi cung ứng.
Điều này được thể hiện rõ tại Vòng chung kết EURO 2024, khi Lidl kịp thời phân phối các sản phẩm quảng bá giải đấu – trái ngược với kỳ World Cup 2022, khi hàng hóa đến tay các nhà bán lẻ Đức quá muộn, thậm chí sau khi đội tuyển Đức bị loại.
“Khi thị trường vận tải bị gián đoạn hoặc năng lực bị hạn chế, năng lực vận chuyển do Lidl tự kiểm soát tạo ra lợi thế cạnh tranh mà Aldi – đối thủ chính – không thể sánh được do vẫn dựa vào mô hình thuê ngoài”, ông Koray Kose, nhà sáng lập và chuyên gia phân tích chuỗi cung ứng tại công ty tư vấn Kose Advisory có trụ sở tại Boston, nhận xét.
“Tuy nhiên, việc Lidl lựa chọn tự kiểm soát chuỗi cung ứng châu Á thông qua Tailwind là một sự đánh đổi giữa quyền kiểm soát và chi phí”, ông nói thêm.
Theo Nikkei Asia
>> Trung Quốc bất ngờ đón tin vui, một lĩnh vực bùng nổ giữa thương chiến nóng bỏng