Quốc gia Đông Nam Á chỉ nhỏ bằng 1 huyện của Việt Nam nhưng GDP bình quân đầu người cao ngất ngưởng, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ

14-05-2024 09:01|Hoàng Yến

Công thức thành công của Singapore bao gồm hoạt động thương mại mở cửa tối đa, luôn giữ thái độ trung lập về địa chính trị và duy trì một Chính phủ kỹ trị.

Singapore là quốc gia được rất nhiều người ngưỡng mộ. Các chính trị gia phương Tây “ghen tỵ” với chất lượng cuộc sống và các dịch vụ hành chính công rất hiệu quả của quốc đảo Đông Nam Á, trong khi các nền kinh tế mới nổi coi Singapore là hình mẫu để tìm ra cách thoát nghèo.

Tuy nhiên, quốc đảo chỉ có 6 triệu dân hiện đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn nhất trên thế giới hiện nay: căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, dân số già hóa và cuối cùng là biến đổi khí hậu. Đúng là Singapore quá nhỏ bé đến mức các nước khác sẽ không dễ dàng sao chép mô hình phát triển này. Tuy nhiên, cách Singapore xử lý những bài toán hóc búa rất đáng để cả thế giới dõi theo.

Ngày 15/5, ông Lawrenece Wong sẽ chính thức trở thành Thủ tướng Singapore thay cho ông Lý Hiển Long. Sự kiện này chấm dứt 59 năm gia tộc họ Lý nắm quyền điều hành Singapore. Cha của ông Lý Hiển Long là cố lãnh đạo Lý Quang Diệu, người đã biến Singapore từ một thuộc địa trở thành đô thị phồn hoa phát triển vượt bậc như ngày nay.

Công thức thành công của ông bao gồm hoạt động thương mại mở cửa tối đa, luôn giữ thái độ trung lập về địa chính trị và duy trì một Chính phủ kỹ trị. Hiện GDP bình quân đầu người của Singapore đang ở mức rất cao: 88.000 USD.

Xét về diện tích, Singapore là quốc gia nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích chỉ khoảng 734km2, tương đương với huyện Cần Giờ (TP. HCM).

Ông Wong được kế thừa một Singapore thịnh vượng. Nước này dễ dàng vượt qua đại dịch Covid-19 mà không có nhiều người thiệt mạng. Vị thế trung tâm tài chính của Singapore được củng cố khi Trung Quốc hạn chế Hồng Kông. Giữ vị trí trung lập, Singapore chào đón tàu chiến Mỹ nhưng cũng sẵn sàng chào đón tàu chiến của các nước khác (trong đó có Trung Quốc). Trong bối cảnh chiến tranh công nghệ leo thang, Singapore là nơi đặt trụ sở khu vực châu Á của nhiều công ty từ Thung lũng Silicon nhưng cũng có cả Alibaba và ByteDance.

Chương mới cho quốc gia Đông Nam Á chỉ nhỏ bằng 1 huyện của Việt Nam nhưng khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ
Đất nước Singapore đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế nổi bật

Nhưng bên cạnh đó cũng có những mối nguy hiểm đang nổi lên. Đầu tiên, những ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị đang lớn dần. Ngành công nghệ chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Singapore, vì thế theo ước tính nếu như phương Tây và Trung Quốc hoàn toàn tách rời, GDP Singapore có thể sụt giảm tới 10%.

Nếu như Mỹ buộc Singapore áp đặt lệnh cấm vận lên Trung Quốc, nước này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu Singapore làm theo, dòng tiền từ Trung Quốc sẽ tháo chạy; còn nếu Singapore từ chối, nước này có thể bị Mỹ hạn chế khả năng truy cập vào hệ thống tài chính toàn cầu, trong khi đó chính là xương sống của nền kinh tế Singapore.

Thứ hai, dân số của đảo quốc này đang già đi nhanh chóng. Chi phí y tế tăng cao và lực lượng lao động co hẹp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Giải pháp cho vấn đề này là “nhập khẩu” nhiều lao động giá rẻ và có kỹ năng tốt từ các nước khác, dù hiện nay 40% dân số Singapore đã là người nước ngoài nhập cư. Tuy nhiên, điều này tạo ra một số căng thẳng như đẩy chi phí nhà ở lên cao và người dân lo ngại thị trường lao động trở nên cạnh tranh hơn.

Thử thách cuối cùng là biến đổi khí hậu. Singapore nhận thức rõ những hạn chế của mình: 20% diện tích đất của nước này cần cải tạo và phần lớn lượng nước mà người dân Singapore sử dụng được nhập khẩu. Là vùng đất trũng, nhiều phần có nguy cơ bị chìm và chịu lũ lụt. Bên cạnh đó, nền kinh tế Singapore sử dụng rất nhiều năng lượng, dẫn đến lượng khí thải bình quân đầu người cao.

Ông Wong đã tuyên bố ưu tiên hàng đầu là giữ nguyên độ mở của nền kinh tế. Điều này giúp người lao động Singapore luôn được tiếp cận với những công nghệ mới nhất và tạo lợi thế để tăng trưởng. Tuy nhiên, độ mở cao cũng có thể đem đến những cú sốc đột ngột hay dòng vốn và việc làm tháo chạy dễ dàng.

Singapore cũng đang có những giải pháp để tăng mức độ kiên cường của nền kinh tế. Nước này áp dụng thuế thu nhập âm cho một số đối tượng để giúp đỡ nhóm người nghèo và tái đào tạo những người lao động bị ảnh hưởng bởi các thay đổi công nghệ. Singapore tuyên bố đầu tư 75 tỷ USD để tự bảo vệ trước biến đổi khí hậu, xây dựng những bức tường ven biển. Bộ Tài chính đang cố gắng xây dựng dự trữ ngoại hối và tăng bộ đệm vốn để hấp thụ các cú sốc.

Nền kinh tế cởi mở kết hợp với tính kiên cường sẽ là công thức mới của Singapore. Ông Wong đã xác định đúng về phương hướng, hi vọng rằng những cam kết mà ông đưa ra sẽ được thực thi đầy đủ, cộng với một chút cải cách chính trị theo hướng bớt cứng nhắc hơn sẽ giúp Singapore tiếp tục viết nên kỳ tích.

>> Ông Lý Hiển Long thông báo từ nhiệm: Từ nhà toán học đến người chèo lái kỳ tích kinh tế của Đông Nam Á suốt 20 năm

Lộ diện thành phố giàu nhất thế giới, tổng tài sản của người dân còn lớn hơn GDP nước G7

Một công ty bỗng chốc nổi như cồn nhờ loại thuốc giảm cân 'siêu công hiệu': Vốn hóa lớn hơn cả GDP Đan Mạch, được ví như 'phép màu' cứu cả nền kinh tế

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuong-moi-cho-quoc-gia-dong-nam-a-chi-nho-bang-1-huyen-cua-viet-nam-nhung-khien-ca-the-gioi-phai-nguong-mo-234648.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quốc gia Đông Nam Á chỉ nhỏ bằng 1 huyện của Việt Nam nhưng GDP bình quân đầu người cao ngất ngưởng, khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ
    POWERED BY ONECMS & INTECH