Vĩ mô

Chuyên gia: Giờ là thời cơ chúng ta 'lật cánh' để phát triển đường sắt

Khúc Văn 16/01/2024 - 10:12

Muốn kinh doanh có lãi, ngành đường sắt phải tự làm mới chính mình, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút được nhiều hành khách hơn nữa.

Năm 2023, ngành đường sắt đã có nhiều chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR, trong năm 2023, hoạt động của ngành đường sắt đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo; kinh doanh vận tải bắt đầu có lãi; đời sống vật chất, tinh thần người lao động được cải thiện rõ rệt.

Đặc biệt, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR cho biết, năm vừa qua, hành khách quay trở lại đi tàu khá đông góp phần cải thiện tình trạng kinh doanh thua lỗ của ngành đường sắt trong nhiều năm qua.

Cụ thể, Tổng công ty đạt doanh thu hợp nhất 8.504 tỷ đồng đạt 101,7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 95 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 111,9 tỷ đồng), đạt 115% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng đạt 105,2% so với cùng kỳ.

Chuyên gia: Giờ là thời cơ chúng ta 'lật cánh' để phát triển đường sắt
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR

Điều này là dễ hiểu, bởi về dịch vụ, ngành đường sắt đã có sự chuyển mình ấn tượng bằng một loạt các sự kiện chưa từng có từ trước đến nay như: Ra mắt các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như tour ẩm thực tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tàu chất lượng cao tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, tàu cao cấp tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn (The Vietage)… thu hút lượng khách rất lớn vào dịp cuối tuần. Lần đầu tiên dịch vụ tổ chức lễ cưới trên tàu được triển khai trên chuyến tàu từ Đà Lạt đến Trại Mát vào ngày 22/12/2023. Khai thác hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Kép sau 27 năm, khai trương tàu chuyên tuyến Thạch Gia Trang (Trung Quốc) Yên Viên (Việt Nam).

>>Thủ tướng: Ngành đường sắt đang thay đổi tích cực, phải quyết tâm làm đường sắt tốc độ cao

Ngoài ra, không thể không nhắc đến phong trào "Mỗi cung đường - một loài hoa; mỗi khu ga - một điểm đến" góp phần trồng gần 70 km cây cảnh và hoa, cải thiện đáng kể môi trường khu ga và khu vực xung quanh đường sắt.

Cũng trong năm 2023, VNR được giới thiệu trong cuốn "Amazing Train Journeys" của Lonely Planet - là ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Trong đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam của Việt Nam được bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới. Theo đó, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đã đưa ra đề xuất "đoàn tàu du lịch 5 sao" xuyên Việt dự kiến kết hợp giữa VNR và tập đoàn sẽ là một trong những sản phẩm du lịch đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch tàu hỏa tại Việt Nam.

Chuyên gia: Giờ là thời cơ chúng ta 'lật cánh' để phát triển đường sắt
Trong năm 2023, hoạt động của ngành đường sắt đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý, để thu hút khách đi tàu, đường sắt đã áp dụng chính sách giá vé linh hoạt, xây dựng giá vé thành nhiều giai đoạn khác nhau để giãn mật độ hành khách đi các ngày cao điểm và thu hút hành khách đi vào các ngày thấp điểm vắng khách. Có loại chỗ giảm từ 50 - 65% giá vé kỳ thấp điểm; áp dụng chính sách hành khách mua vé trước nhiều ngày được giảm từ 20 - 40% giá vé.

Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, bên cạnh bổ sung vé ngành đường sắt tiếp tục áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ hành khách đi tàu: Giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng, giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi, sinh viên sẽ được giảm từ 10% đến 20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.

Tuy nhiên, lãnh đạo VNR cũng thẳng thắn thừa nhận, Tổng công ty còn một số tồn tại như: Bộ máy cồng kềnh, lao động đông, mức độ cơ giới hóa chưa cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin còn thấp, tư duy chuyển biến còn chậm dẫn đến hiệu quả công tác vận tải chưa cao.

>>Tổng công ty Đường sắt (VNR) đang lỗ lũy kế gần 1.200 tỷ đồng

Giờ là thời cơ chúng ta “lật cánh” để phát triển đường sắt.

Nhận định về những thay đổi tích cực của ngành đường sắt trong năm 2023 giới chuyên gia cho rằng, dù tình hình kinh doanh có nhiều khởi sắc nhưng con đường phía trước của ngành đường sắt vẫn còn dài đòi hỏi trong ngành phải tiếp tục kiên định với chiến lược kinh doanh đã chọn. Đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Chuyên gia: Giờ là thời cơ chúng ta 'lật cánh' để phát triển đường sắt
TS Đinh Trọng Thịnh.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh lý giải thành công của ngành đường sắt chứng tỏ sự quay trở lại của hành khách là rất lớn, tiềm năng phát triển trong tương lai cũng rất cao.

Trước đây ngành đường sắt đang rơi vào tình trạng quá cũ kỹ, lạc hậu, một trong những nguyên nhân chính là tư duy quản lý chậm đổi mới, thiếu đột phá. Do đó, đổi mới đường sắt phải làm cả phần "cứng" và "mềm". Phần cứng chính là đầu tư hạ tầng, sắp xếp lại bộ máy, còn phần mềm là thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ,…

“Phải đổi mới toàn diện, triệt để như vậy thì đường sắt mới có thể tìm lại sức hút, lấy lại thị phần và phát triển", ông Thịnh bày tỏ.

>>Chiêm ngưỡng đầu máy xe lửa hơn 50 tuổi, nặng 100 tấn, biểu tượng một thời của đường sắt Việt Nam

Cùng quan điểm, PTS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, vị thế của đường sắt hiện nay so với trước kia đã suy giảm rất nhiều, nếu không đổi mới triệt để, đường sắt sẽ ngày càng tụt hậu.

“Việc hành khách trở lại với đường sắt trong thời gian gần đây là điều rất đáng mừng, ngành đường sắt phải biết tận dụng cơ hội này để quảng bá hình ảnh, thay đổi cung cách quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm kéo hành khách về với mình nhiều hơn”, ông Long nói.

Bên cạnh đó, theo GS.TS Lã Ngọc Khuê - nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hiện là thời cơ để phát triển đường sắt.

Cụ thể, ông Khuê cho rằng, nếu trước đây nói thiếu đường bộ, phải ưu tiên phát triển đường bộ, thì nay nhiều tuyến đường bộ đã thể hiện sự dư thừa công suất. Nói khác đi, năng lực của đường bộ về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Do đó, giờ là thời cơ chúng ta “lật cánh” để phát triển đường sắt.

Chuyên gia cho rằng, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ khả thi với phương án khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng, tốc độ thiết kế tối đa 250km/giờ, tốc độ khai thác 225km/giờ và 160km/giờ cho tàu khách liên vùng, tàu hàng container, thay vì phương án tốc độ thiết kế 350km/giờ chỉ chở khách mà Bộ GTVT đề xuất trước đây.

“Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam hoàn toàn đủ sức làm thay đổi tổng đồ phân chia thị phần của các chuyên ngành vận tải, chi phí logistics của nền kinh tế nhờ vậy sẽ được tiết giảm” ông Khuê cho hay.

>>Ngành đường sắt chạy thêm tàu, bổ sung hơn 4.000 chỗ dịp Tết Giáp Thìn

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Vingroup (VIC) bắt tay với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trạm sạc công cộng V-Green sẽ xuất hiện ở nhà ga

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-gio-la-thoi-co-chung-ta-lat-canh-de-phat-trien-duong-sat-219904.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia: Giờ là thời cơ chúng ta 'lật cánh' để phát triển đường sắt
    POWERED BY ONECMS & INTECH