Thị trường gặp khó khiến nhiều "tay ngang" phải từ bỏ ý định mở rộng kinh doanh sang mảng địa ốc. Đi ngược xu thế chung, Hòa Phát (HPG) tiếp tục kiên định với chiến lược về bất động sản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiếm tỷ lệ giải thể cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2023 với 554 đơn vị, tăng 30,4% YoY.
Hoà Phát trên đường đua bất động sản
Trong khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản bị “chôn vùi” hoặc phải loay hoay tìm cách trụ lại trước bối cảnh thị trường bị đóng băng, Hòa Phát đã có những bước đi thần tốc trong việc gom đất. Từ đầu năm tới nay, Hoà Phát đã đề xuất, đăng ký tới 6 dự án hơn 130.000 tỷ đồng.
Với lợi nhuận bình quân trên 10.000 tỷ đồng/quý, Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền mặt khủng nhất sàn chứng khoán. Do đó, động thái đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản được đánh giá là bước đi hợp lý, đặc biệt khi tập đoàn đã có thế mạnh về vật liệu và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tính đến 31/3/2023, HPG sở hữu 35.300 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Đặc biệt, trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn về thanh khoản hiện nay, lợi thế “tiền tươi” sẽ giúp doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long M&A, hợp tác đầu tư.
Còn nhớ tại ĐHCĐ năm 2021, Hòa Phát bày tỏ tham vọng muốn trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam, phát triển những đại đô thị từ 300 - 500 ha trong 10 năm tới.
Năm 2023, khi được hỏi lại về tham vọng này, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh Hòa Phát bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào. "Vào thời điểm hiện tại, tập đoàn đang tập trung cao độ vào dự án Dung Quất 2 với hơn 75.000 tỷ đồng. Một lần nữa tôi khẳng định chiến lược về bất động sản không có gì thay đổi nhưng bước đi thận trọng, vững chắc", ông Long nói.
Là “anh cả” ngành thép, Hòa Phát (HPG) bất ngờ thông báo về việc thoái vốn mảng nội thất vào năm 2020 và tập trung phát triển mảng bất động sản thông qua việc thành lập CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát với số vốn điều 2.000 tỷ đồng.
Sang đến năm 2021, vốn điều lệ của công ty này tăng gấp 3 lần lên mức 6.000 tỷ đồng. Lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm hai mảng kinh doanh chính là bất động sản khu công nghiệp và khu đô thị.
Chủ tịch Trần Đình Long từng chia sẻ “Chiến lược của Hòa Phát là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án. Triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì Hòa Phát làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn". Cùng với đó nhờ thế mạnh về tài chính và vật liệu xây dựng sẵn có, Hoà Phát (HPG) nhanh chóng nhận về những thành quả tích cực.
Quý 4/2022, doanh thu bán và cho thuê bất động sản của Hòa Phát so với cùng kỳ năm trước đã tăng 40%, đạt 410 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2022, mảng bất động sản mang về cho Hòa Phát 686 tỷ đồng doanh thu và gần 298 tỷ lợi nhuận sau thuế.
ANV, IDP từ bỏ bất động sản sau chưa đầy 1 năm
IDP - ANV, 2 ông lớn ngành sữa và thuỷ sản Nam Việt (ANV) quyết định mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản trong năm 2022 tuy nhiên đã nhanh chóng quay xe chỉ sau khoảng 1 năm.
Cụ thể, đầu tháng 4/2023, Nam Việt (ANV) quyết định giải thể Công ty TNHH MTV Bất động sản Nam Việt do không còn nhu cầu hoạt động kinh doanh. Công ty này được thành lập vào ngày 9/3/2022, có địa chỉ tại số 19D Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang,
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2022, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Nam Việt từng hào hứng chia sẻ với cổ đông về tiềm năng của mảng kinh doanh bất động sản. Theo vị lãnh đạo này, ANV sở hữu quỹ đất có giá trị thị trường cao gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách và tới cuối năm 2022, Nam Việt dự kiến công bố 2 dự án bất động sản.
Với kỳ vọng kinh doanh trái ngành sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả, năm 2022, Nam Việt tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 1.000 tỷ đồng (gấp gần 10 lần năm 2021) và cam kết duy trì mức lợi nhuận trên nghìn tỷ đồng trong nhiều năm.
Kết thúc năm 2022, Nam Việt báo lãi kỷ lục 774 tỷ đồng, bằng 77,4% kế hoạch. Tuy nhiên sang quý 1/2023, không còn hưởng lợi từ giá cá tra, lợi nhuận ANV giảm 54,7%. Công ty cũng dự kiến lợi nhuận năm 2023 sẽ giảm 35,4 về còn 500 tỷ đồng.
Lợi nhuận doanh nghiệp thuỷ sản quý 1/2023 giảm mạnh |
Các chuyên gia dự báo giai đoạn thuận lợi nhất của ngành thuỷ sản đã qua và đang bước vào thoái trào. Đây có thể là lý do khiến ANV muốn rút khỏi bất động sản để dồn lực cho mảng kinh doanh chính.
Về phần Sữa Quốc tế (IDP), công ty vừa thông qua việc giải thể công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Green Light, đơn vị được thành lập với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Đáng chú ý, Đầu tư Green Light (địa chỉ 217 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) mới chỉ thành lập ngày 23/8/2022, với vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, ANV góp 99,98% vốn.
Hòa Phát (HPG) chính thức khai lò tại siêu dự án thép 85.000 tỷ đồng
TikToker Mr Pips bị bắt cùng 5.000 tỷ: Lộ nhiều thủ đoạn lừa tiền dễ dàng