Cô gái gốc Việt theo đuổi nghiên cứu khoa học ung thư từ năm 19 tuổi, giành 8 học bổng tiến sĩ, 30 tuổi trở thành nhà khoa học cấp cao tại Mỹ
Hiện nay, cô đang là nhà khoa học cấp cao tại một công ty công nghệ sinh học ở thành phố Boston, Mỹ.
Cùng lúc giành 8 học bổng tiến sĩ Mỹ
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, Nguyễn Thị Sao Ly (sinh năm 1993) đã được gia đình lên kế hoạch cho du học từ khi còn nhỏ. Đến năm 15 tuổi, cô sang Mỹ bắt đầu hành trình chinh phục tri thức và theo đuổi giấc mơ làm khoa học.
Sau khi hoàn thành bậc phổ thông, Sao Ly quyết định theo học ngành Sinh học tại Đại học California, một trong những trường đại học hàng đầu thế giới và đứng trong top 9 theo Times Higher Education World Reputation Ranking. Trong thời gian học tập tại trường, cô đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến ung thư khi chỉ mới 19 tuổi. Năm 2016, cô tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa, hạng summa cum laude – xếp hạng danh dự cao nhất và được mời ở lại làm trợ lý nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của trường.
Chỉ một năm sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Thị Sao Ly trở thành cái tên được chú ý khi nhận được học bổng tiến sĩ từ 8 trường đại học hàng đầu của Mỹ. Trong đó, cô chọn học bổng toàn phần từ Đại học Johns Hopkins – trường thuộc top 5 thế giới về nghiên cứu Y học, trị giá lên đến 9,3 tỷ đồng.
Trong năm đầu tiên tại Johns Hopkins, cô học các lý thuyết cơ bản để trở thành một nhà khoa học thực thụ. Những năm tiếp theo, Sao Ly làm việc tại phòng nghiên cứu, giải quyết các câu hỏi nghiên cứu mà đề tài của cô đặt ra. Đặc biệt, Sao Ly nhận thấy tỷ lệ mắc ung thư ngày càng gia tăng, trong khi các phương pháp điều trị căn bệnh này vẫn còn hạn chế. Đây đã trở thành động lực mạnh mẽ để cô quyết định nghiên cứu sâu về ung thư với hy vọng có thể đóng góp vào công cuộc tìm ra phương pháp chữa trị.
Đề tài tiến sĩ của cô là nghiên cứu protein và cơ chế di chuyển, cũng như bộ máy cơ học giúp tế bào ung thư có khả năng di căn. Ly tập trung vào các protein quan trọng trong việc điều hành bộ máy cơ học của tế bào và vai trò của chúng trong ung thư, đặc biệt là ung thư tụy.
Trở thành nhà khoa học cấp cao ở tuổi 30
Trong suốt quá trình nghiên cứu, Sao Ly đã xuất bản 6 bài báo khoa học quốc tế trên các tạp chí y khoa uy tín. Một trong những thành tựu nổi bật của cô là việc phát hiện chức năng mới của protein mang tên Discoidin vào tháng 5/2022. Discoidin đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp các thành phần chính của bộ máy cơ học trong tế bào, được cho là yếu tố thiết yếu giúp tế bào ung thư xâm lấn các mô khác. Trước đó, chưa có nghiên cứu nào xác định rõ chức năng của protein này.
Trước khi đạt được những thành công trên, Sao Ly từng là thực tập sinh tại Novartis -tập đoàn y dược lớn thứ 2 thế giới và tiên phong trong việc chữa ung thư bằng liệu trình tế bào. Ở tuổi 30, Ly là nhà khoa học cấp cao của một công ty công nghệ sinh học ở thành phố Boston, Mỹ. Công việc của cô tập trung vào phát minh, phát triển các thử nghiệm để giúp đánh giá hiệu lực và chất lượng của các sản phẩm liệu trình tế bào trước khi các phương thuốc này được đưa đến bệnh nhân trong các thử nghiệm trên người.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, khi được hỏi sau này sẽ định cư ở Mỹ hay sẽ về Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Sao Ly chia sẻ cô chưa có kế hoạch cụ thể trong tương lai. Cô chỉ muốn tập trung làm tốt công việc ở hiện tại và nếu có cơ hội nào tốt, dù ở Mỹ hay ở Việt Nam, cô sẽ nắm bắt.
"Khi có mục tiêu và cố gắng hết sức mình, dù việc đó có thành công hay không, bạn cũng sẽ trở thành con người độc lập, mạnh mẽ và học hỏi được rất nhiều điều quý giá qua quá trình đó", cô nhắn gửi.
Vị nữ tiến sĩ ‘Tây học’ đầu tiên của Việt Nam, xuất thân trong gia đình danh giá
Thạc sĩ, tiến sĩ vẫn thất nghiệp, nhiều người không còn mặn mà thi cao học