Thế giới

'Cô gái thiên tài' người Mỹ gốc Hoa gọi vốn thành công 135 triệu USD, giúp công ty khởi nghiệp được định giá gấp 3 lần

Thạch Thảo 17/07/2024 14:28

Công ty do Guo Wenjing sáng lập đã thu hút được hơn 500.000 người dùng thử phần mềm AI tạo video.

Guo Wenjing là một cô xinh đẹp và xuất thân từ một gia đình đặc biệt tại châu Á, khiến cô có biệt danh là Demi Guo. Cô cũng được so sánh với nhà vô địch trượt tuyết người Mỹ gốc Hoa, Eileen Gu.

Hiện đang sống tại Thung lũng Silicon, nữ doanh nhân trẻ thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng Trung Quốc sau khi công ty khởi nghiệp Pika của cô gọi vốn được 135 triệu USD, định giá công ty ở mức 470 triệu USD.

Chuẩn "con nhà người ta"

Guo sinh ra và lớn lên tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang - nơi được biết đến nhiều với phong cảnh thiên nhiên đẹp và sản phẩm nổi tiếng là lụa tơ tằm và trà xanh. Với truyền thống gia đình có mẹ tốt nghiệp MIT, cha là ông Guo Huaqiang - cựu Chủ tịch của công ty dịch vụ CNTT Sunyard Technology có trụ sở tại Hàng Châu.

'Cô gái thiên tài
Guo Wenjing (25 tuổi) đến từ Trung Quốc, tốt nghiệp Đại học Harvard và là đồng sáng lập của một công ty công nghệ

Guo là điển hình cho câu nói "con nhà người ta" trong mắt các bậc phụ huynh Trung Quốc vì lý lịch "hoàn hảo" của mình.

Sau khi giành huy chương bạc tại Kỳ thi Olympic tin học quốc tế (IOI) năm 2015, cô được nhận vào Đại học Harvard. Guo lần lượt lấy bằng cử nhân toán học và thạc sĩ khoa học máy tính.

Trong thời gian học tại trường đại học danh tiếng Ivy League, nữ doanh nhân trẻ đã tận dụng cơ hội thực tập tại các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và Google để phát triển bản thân.

Cùng thời gian đó, Guo tiếp tục theo đuổi chương trình tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Stanford, chuyên nghiên cứu về giao điểm giữa Xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đồ họa.

Suy ngẫm về những lựa chọn của riêng mình, Guo cho biết: “Khi còn trẻ, tôi giỏi viết lách và giành được nhiều giải thưởng, nhưng tôi không giỏi toán. Tôi nghĩ rằng giỏi viết lách là chưa đủ, và vì lập trình và toán học là những lĩnh vực do nam giới thống trị, nên việc xuất sắc trong toán học có vẻ thách thức hơn”.

“Cho dù là Harvard, MIT hay Stanford thì cũng không quan trọng lắm. Điều quan trọng là sự phát triển cá nhân của bạn”, cô chia sẻ.

"Thất bại là mẹ thành công"

Cô bắt đầu nuôi ý tưởng về Pika khi trải nghiệm tại “Liên hoan phim AI” năm 2022 được tổ chức tại thành phố New York, nơi Guo và một số bạn cùng lớp tiến sĩ khoa học máy tính tại Stanford đã tham gia nhưng không giành chiến thắng.

Nhóm của Guo thậm chí còn không được xếp hạng. Mặc dù những đột phá gần đây về AI đầy hứa hẹn nhưng việc đưa chúng vào quá trình làm video lại mang đến rất nhiều khó khăn cho Guo, người đã dành nhiều giờ cho các công cụ như Runway và Photoshop của Adobe nhưng chỉ thu về thành công ở mức trung bình và sự thất vọng lớn. Cuối cùng, giải thưởng đã thuộc về những người sáng tạo chuyên nghiệp. "Nó trông không đẹp lắm", cô nói về bộ phim. "Tôi đã rất thất vọng".

Vì vậy, vào tháng 4 năm ngoái, Guo quyết định bỏ học tại Stanford và cùng với Chenlin Meng, một nghiên cứu sinh tiến sĩ khác tại Stanford, người đồng sáng lập Pika, tập trung vào phát triển các trình tạo video AI dễ sử dụng. Kể từ đó, khoảng 500.000 người đã dùng thử phần mềm này và hiện đang được sử dụng để tạo ra hàng triệu video mới mỗi tuần.

Guo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Trung Quốc Overseas Unicorn, nêu chi tiết lý do chính khiến cô quyết định nghỉ học: "Nếu bạn so sánh các video do AI tạo ra từ năm ngoái với các video được tạo ra vào tháng 3 này và một hoặc hai tháng qua, bạn sẽ thấy rằng các mô hình tạo video đang phát triển rất nhanh".

Kể từ khi ra mắt, công ty Pika đã phát triển nhanh chóng và huy động được 135 triệu USD với mức định giá thị trường là 470 triệu USD.

Đáng chú ý, việc ra mắt phiên bản Pika 1.0 không chỉ đưa cô gái xinh đẹp này, trở thành tâm điểm chú ý của giới kinh doanh mà còn khiến giá cổ phiếu của Sunyard Technology tăng hơn 20% chỉ trong một tuần.

Gặt hái sự ngưỡng mộ từ cư dân mạng

Với nguồn tài trợ mới trong tay, Guo cho biết cô có kế hoạch mở rộng nhóm của Pika lên khoảng 20 người vào năm tới, hầu hết là các kỹ sư và nhà nghiên cứu. Việc kiếm tiền từ sản phẩm, hiện đang miễn phí, vẫn chưa phải là ưu tiên chính, mặc dù cô cho biết công ty cuối cùng có thể giới thiệu mô hình đăng ký theo tầng (trả nhiều tiền hơn để có quyền truy cập vào nhiều tính năng hơn) cho người tiêu dùng.

Đó cũng là cách Guo dự định tạo sự khác biệt cho Pika so với các đối thủ lớn hơn.

Nhiều người khi nghe câu chuyện của Guo đặc biệt bị thu hút bởi "câu chuyện Thung lũng Silicon" về những nhà sáng lập sáng tạo khởi nghiệp thành công.

Một cư dân mạng đã bình luận: “Ngoại hình xinh đẹp, thiên tài, kết hợp với 'gia cảnh danh giá' và 'giá trị tài sản 3 tỷ NDT', đây là minh chứng hoàn hảo tưởng chừng không thể có giữa sắc đẹp, sự giàu có và tài năng”.

Một người khác nói đùa: "Kỹ năng chuyển sinh của tôi còn kém, xin hãy cho tôi kịch bản cuộc đời này ở kiếp sau".

"Cô ấy có thể là phiên bản công nghệ của Eileen Gu, nhưng cô ấy hơi xa tầm với của những người bình thường", một người nhận xét.

“Là con gái của ông chủ Sunyard, xuất phát điểm của cô ấy khác biệt. Nếu cô ấy bắt đầu từ con số không mà không có bất kỳ nền tảng nào, thì cô ấy sẽ là một thiên tài thực sự. Chúng ta công nhận sự xuất sắc của cô ấy, nhưng chúng ta không nên ca ngợi quá mức”, một người khác viết.

>> Lấy tiền lương hưu lập công ty, cụ bà 92 tuổi trở thành một trong những nữ doanh nhân giàu nhất nước Mỹ

Hy hữu: Một công ty công nghệ bị xóa 180 máy chủ, thiệt hại 17 tỷ đồng chỉ vì không chặn quyền truy cập của nhân viên cũ

Mỹ trấn áp các công ty công nghệ Trung Quốc: Huawei chịu trận đầu tiên, sắp phải đóng cửa các phòng thí nghiệm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-gai-thien-tai-nguoi-my-goc-hoa-goi-von-thanh-cong-135-trieu-usd-giup-cong-ty-khoi-nghiep-dc-dinh-gia-gap-3-lan-241641.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
'Cô gái thiên tài' người Mỹ gốc Hoa gọi vốn thành công 135 triệu USD, giúp công ty khởi nghiệp được định giá gấp 3 lần
POWERED BY ONECMS & INTECH