Cỗ máy nặng 580 tấn dài gần trăm mét, được ví như ‘quái vật sắt’ khi xây dựng một cây cầu chỉ trong vài ngày
Cỗ máy dài 91,8m, rộng 7,4m và cao 9m có thể nâng vật nặng tới 900 tấn.
Trung Quốc không chỉ là đất nước nổi tiếng với những công trình đồ sộ, đi trước thời đại mà giờ đây đất nước tỷ dân này còn phát minh và chế tạo hàng loạt cỗ máy “siêu khổng lồ” với công năng vượt trội khiến cả thế giới trầm trồ. Một trong số đó, không thể không nhắc đến cỗ máy SLJ900/32 hay còn có biệt danh là "quái vật" sắt.
Cụ thể, sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc ra đời vào năm 2013, bao gồm nhiều tuyến đường trên biển và đất liền thông với 70 nước. Một trong những yếu tố cho phép Trung Quốc khởi xướng và tiến hành dự án tham vọng này là các cỗ máy xây dựng không chỉ giúp xúc tiến quá trình thi công mà còn hiệu quả về chi phí và nguồn lực. Đặc biệt, cỗ máy SLJ900/32 đã đánh dấu bước tiến lớn trong xây dựng cầu đường khi SLJ900/32 chuyên nâng, chở và đặt những đoạn cầu đúc sẵn ở tốc độ 5km/h, khiến quá trình lắp ráp tại chỗ không còn kéo dài. Đáng chú ý cỗ máy dài 91,8m, rộng 7,4m và cao 9m có thể nâng vật nặng tới 900 tấn.
“Quái vật sắt” là phát minh giúp Trung Quốc hoàn thành mục tiêu kết nối 3 châu lục thông qua mạng lưới đường biển và đường bộ. Được thiết kế bởi Viện đường sắt Shijiazhuang và sản xuất bởi Công ty máy móc liên doanh Wow Bắc Kinh, SLJ900/32 tham gia xây dựng những cây cầu dài nhiều nhịp với tốc độ đáng chú ý.
Cỗ máy xây cầu SLJ900/32 di chuyển bằng 64 bánh xe quay tròn, được chia thành 4 khối. Mỗi khối của tổ hợp này có thể xoay 90 độ, giúp cả cỗ máy dễ dàng nâng lên hạ xuống theo chiều thẳng đứng hay di chuyển theo chiều ngang - tùy vào mục đích sử dụng. Cụ thể, SLJ900/32 có khả năng chở theo các dầm bê tông trong quá trình di chuyển. Sau đó, sử dụng một cấu trúc khí nén, nó sẽ neo vào cột trụ thứ nhất, từ từ dịch chuyển dần sang cột trụ thứ hai và đặt dầm bê tông xuống giữa 2 cột trụ cầu một cách chính xác. Các dầm cầu tiếp theo sẽ được thực hiện với các bước tương tự.
Cỗ máy hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt trong những dự án xây dựng lớn nhờ hạn chế sử dụng sức người, cắt giảm chi phí dựng giàn giáo và tăng tiến độ. Hơn nữa, cỗ máy nặng 580 tấn cũng giúp tăng thêm tải trọng tối đa cho các cây cầu. Với tuổi thọ 4 năm, cỗ máy có thể lắp 700 - 1.000 nhịp cầu trong suốt thời gian hoạt động. Tuy nhiên, dù cần ít nhân lực hơn so với việc xây cầu bằng cần cẩu, SLJ900/32 vẫn cần một đội ngũ giám sát toàn bộ quá trình cũng như vệ sinh và bảo dưỡng các bộ phận khác nhau.
Một trong nhiều công trình nổi bật do SLJ900/32 lắp đặt là cầu đường sắt sông Kim Sa Nghi Tân. Trước khi cây cầu ra đời, thời gian di chuyển giữa tỉnh Tứ Xuyên và Quý Châu là 12 giờ. Nhưng hiện nay, thời gian đi lại giảm xuống 3 giờ. Cho tới hiện tại, cỗ máy này đã thực hiện thành công rất nhiều cây cầu lớn nhỏ trên khắp Trung Quốc, có lúc chỉ mất vài ngày là xong một cây cầu.