Cổ phiếu BSR tăng 2 tuần liên tiếp, giá chạm đỉnh 1 năm
Nhịp tăng giá 18% sau 2 tuần giúp gần 38.000 cổ đông (số liệu tại ĐHCĐ thường niên 2023) Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) được hưởng niềm vui trở lại.
Kết phiên giao dịch ngày 11/9, cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (sàn UPCoM) giảm 2,8% về mức 20.800 đồng qua đó ngắt chuỗi tăng 9/10 phiên trước đó.
Sau khi điều chỉnh về hỗ trợ đường EMA50 trong nhịp điều chỉnh từ 18 - 22/8, cổ phiếu BSR có 2 tuần tăng giá liên tiếp (+18,2%) lên mức 21.400 đồng/cp - cao nhất sau gần 1 năm. Dòng tiền lớn liên tục gia tăng vị thế giao dịch cổ phiếu lọc dầu này trong 3 tuần trở lại đây. Vùng giá 20.600 đồng là hỗ trợ đáng tin cậy của mã trong 2 phiên gần nhất.
3 tháng gần nhất, cổ phiếu BSR tăng 28% trong khi tăng 66% từ đầu năm |
Kháng cự gần nhất của cổ phiếu BSR quanh mức 24.000 đồng/cp.
Câu chuyện của BSR:
8 tháng đầu năm, doanh thu của Lọc Hóa dầu Bình Sơn ước đạt 91.600 tỷ đồng - giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.400 tỷ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 96% kế hoạch doanh thu và 270% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Như vậy, khếu trừ kết quả đạt được trong nửa đầu năm, tính riêng tháng 7 và 8/2023, ước tính doanh thu của BSR đạt khoảng 23.866 tỷ đồng và lãi sau thuế khoảng 1.454 tỷ.
Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh của công ty trong quý 3/2023 dự kiến sẽ khả quan nhờ chênh lệch giá dầu thô đầu vào và sản phẩm tăng, đặc biệt là nhóm dầu Diesel và Jet A1.
Theo kế hoạch ban đầu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được bảo dưỡng trong năm nay. Tuy nhiên, ĐHCĐ thường niên đã thông qua việc hoãn thời gian thực hiện sang năm 2024. Do đó, tại đại hội, ban lãnh đạo kỳ vọng kết quả sản lượng năm nay sẽ cố gắng bằng năm 2022 khi không bảo dưỡng nhà máy. Điều này cũng được nhận định giúp BSR cải thiện được doanh thu và lợi nhuận, đồng thời góp phần giúp bình ổn thị trường xăng dầu nội địa.
Một câu chuyện khác là việc Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa tiếp tục gửi Công văn tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho việc chuyển sàn của doanh nghiệp.
Được biết, trước đó, để chuẩn bị hồ sơ niêm yết, ngày 14/2/2023, Bình Sơn đã có Công văn số 847/BSR-VPHĐQT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE đề xuất xem xét chấp thuận điều kiện quy định tại khoản 1c, Điều 109, Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, tham chiếu theo quy định tại khoản 1.5, Điều 4, Quyết định số 85 của HOSE ngày 19/3/2018 về việc ban hành quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE.
Cụ thể, “đối với các tổ chức đăng ký niêm yết có công ty con hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị trực thuộc, tiêu chí “ROE năm gần nhất tối thiểu 5%”, “có lãi”, “không có lỗ lũy kế” được xác định trên báo cáo tài chính hợp nhất/báo cáo tài chính tổng hợp; tiêu chí “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm” chỉ áp dụng cho công ty mẹ/đơn vị kế toán cấp trên”.
Ngày 24/2/2023, HOSE đã có Công văn số 207/SGDHCM-NY gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) về điều kiện đăng ký niêm yết. Theo đó, HOSE đề nghị các cơ quan quản lý sớm có ý kiến hướng dẫn đối với vấn đề nêu trên, tạo điều kiện để các sở giao dịch chứng khoán thống nhất cách hiểu khi xử lý hồ sơ chấp thuận niêm yết.
Mặt khác, HOSE đề xuất trường hợp tổ chức đăng ký niêm yết là công ty mẹ/đơn vị kế toán cấp trên, tiêu chí “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm” chỉ áp dụng cho công ty mẹ/đơn vị kế toán cấp trên. Tuy vậy, đến nay, cơ quan quản lý chưa đưa ra hướng giải quyết cụ thể.
Vướng mắc này xuất phát từ việc Công ty Nhiên liệu sinh học Miền Trung (BSR-BF), công ty con của BSR, đang có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 1,5% tổng tài sản của BSR). Theo khoản 1c, Điều 109, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định doanh nghiệp niêm yết trên HOSE.
Được biết, Lọc Hóa dầu Bình Sơn lên kế hoạch niêm yết trong quý 3 năm nay. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật triển vọng BSR 6 tháng cuối năm 2023, Chứng khoán BIDV cho biết, BSR sẽ tiến hành chuyển sàn và niêm yết trên sàn HOSE, dự kiến thực hiện vào quý 4/2023.