36.000 cổ đông lo ngại nguy cơ hủy niêm yết, doanh nghiệp dầu khí sàn HoSE 'cầu cứu' công ty mẹ
Nỗi lo hủy niêm yết của cổ đông xuất hiện chỉ 3 tháng sau khi doanh nghiệp đầu ngành dầu khí này chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE.
Sáng 23/4, CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã BSR) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Toàn bộ các tờ trình tại đại hội đã được thông qua.
Tại sự kiện, Chủ tịch HĐQT Bùi Ngọc Dương cập nhật với cổ đông về tiến trình tăng vốn điều lệ. Theo ông Dương, đề án đã được trình lên cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVN đã tiếp tục gửi hồ sơ lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC). "Chúng tôi kỳ vọng đề án tăng vốn sẽ sớm được phê duyệt", ông nói.
Việc tăng vốn nhằm huy động nguồn lực cho dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các dự án chiến lược khác.
Liên quan đến vấn đề điều kiện duy trì công ty đại chúng, một số cổ đông bày tỏ lo ngại về rủi ro hủy niêm yết khi tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng quá thấp (PVN hiện nắm hơn 92% vốn). Chủ tịch BSR cho biết công ty đã báo cáo vướng mắc với cơ quan quản lý và kiến nghị PVN thực hiện thoái vốn nhằm đáp ứng quy định pháp luật.
Tại ĐHCĐ cách đây một năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn khi đó cho biết có hơn 36.000 nhà đầu tư tham gia sở hữu vốn. Tháng 1/2025, công ty ghi dấu ấn quan trọng khi chuyển niêm yết cổ phiếu lên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).
![]() |
Cơ cấu cổ đông BSR |
Ngoài ra, BSR đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho các dự án trọng điểm trong giai đoạn tiếp theo. Ông Dương tiết lộ, PVN đã làm việc với một số nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt từ Trung Đông – những bên quan tâm đến việc hợp tác cả về vốn lẫn nguồn cung dầu thô. Dự kiến, BSR sẽ trực tiếp làm việc với các đối tác tiềm năng trong thời gian tới.
Về tiến độ nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Dương cho biết hồ sơ thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) dự kiến trình duyệt ngày 2/5. Nếu việc đấu thầu EPC diễn ra thuận lợi, dự án có thể đi vào vận hành từ năm 2028.
Năm 2025, BSR đặt kế hoạch doanh thu 114.654 tỷ đồng (giảm 7% so với thực hiện năm 2024), trong khi chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 27% lên 752 tỷ đồng. Công ty dự kiến tiếp tục không chia cổ tức trong năm nay.
Cập nhật tình hình quý I/2025, doanh thu đạt hơn 32.200 tỷ đồng – giảm so với cùng kỳ do giá dầu suy giảm, song sản lượng sản xuất đạt 1,8 triệu tấn sản phẩm, vượt 12% kế hoạch quý.
>> Cổ phiếu BSR có diễn biến lạ phiên chào sàn, 'cá mập' đi lệnh khủng sau hơn 8 tháng
HSG rơi 32% sau ĐHCĐ: Vì đâu 71.000 cổ đông mất kiên nhẫn?
[LIVE] ĐHCĐ PAN Group: 'Có một thứ chúng tôi vẫn chưa làm được'