Cổ phiếu đáng chú ý ngày 27/9: VHM, FPT, ACV
Công ty chứng khoán phân tích và đưa ra nhận định mua, bán đối với các cổ phiếu VHM, FPT, ACV.
Chứng khoán ACB (ACBS): Khuyến nghị mua VHM
ACBS khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Vinhomes (VHM), giá mục tiêu 54.600 đồng/cp dựa trên các luận điểm đầu tư:
Doanh số bán hàng quý II và 6 tháng đầu năm tăng trưởng khả quan chủ yếu nhờ vào việc mở bán dự án mới Vinhomes Royal Island tại Hải Phòng vào tháng 3. Tính đến hết quý, VHM đã mở bán hơn 6.400 căn thấp tầng trong tổng số 8.300 căn thấp tầng tại dự án này và bán được 95% số căn đã mở bán (bao gồm cả bán lẻ và bán sỉ).
Vinhomes Global Gate (trước đây gọi là Vinhomes Cổ Loa, với tổng diện tích 385ha tại Hà Nội, bao gồm hơn 4.100 căn thấp tầng và 12.600 căn cao tầng) đang nhận đặt chỗ và dự kiến sẽ đóng góp chính vào doanh số bán hàng nửa cuối năm.
Do giá bán trung bình của Vinhomes Global Gate cao hơn 64% ước tính của ACBS và có 2 giao dịch bán sỉ với tổng giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng đang gần đến giai đoạn hoàn tất nên nhóm phân tích điều chỉnh doanh số bán hàng ước tính cả năm tăng 23% lên 118.000 tỷ đồng.
VHM tiếp tục duy trì tỷ lệ vay nợ ổn định. Trong 6 tháng đầu năm, nợ ròng tăng 10.900 tỷ đồng lên 49.600 tỷ đồng chủ yếu do công ty phát hành 12.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu tăng từ 21,2% lên 24%, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của ngành là 26,7%.
ACBS dự phóng doanh thu năm 2024 của VHM đạt 85.600 tỷ đồng (-17% svck) và lợi nhuận sau thuế 35.100 tỷ đồng (+5% svck).
ACBS phân tích chỉ tiêu tài chính VHM |
Chứng khoán ACB (ACBS): Khuyến nghị khả quan FPT
ACBS khuyến nghị khả quan cổ phiếu CTCP FPT (FPT), giá mục tiêu 147.300 đồng/cp dựa trên các luận điểm đầu tư:
Nhóm phân tích tin rằng dịch vụ viễn thông và dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục là trụ cột của FPT trong thời gian tới. Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài vẫn là mảng hứa hẹn tăng trưởng tốt nhất trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các dịch vụ CNTT.
Việt Nam có lợi thế chi phí thấp so với các đối thủ cạnh tranh hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ (theo Chỉ số Global Services Location Index của Kearney, so sánh mức độ hấp dẫn của các quốc gia dựa trên nhiều tiêu chí) mặc dù cần cải thiện hơn nữa về quy mô nguồn nhân lực.
ACBS kỳ vọng mảng dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài của FPT có thể tăng trưởng doanh thu 28-30% trong năm 2024-2025. Nhật Bản và châu Á – Thái Bình Dương có thể vẫn là những thị trường nổi bật nhất với mức tăng trưởng doanh thu dự phóng 35% cho năm 2024 và hơn 30% cho năm 2025.
Mảng dịch vụ viễn thông được dự phóng sẽ giữ mức tăng trưởng 8-9% và mang lại cho FPT dòng tiền ổn định. Vì dịch vụ Internet băng thông rộng cố định đã tiến đến giai đoạn trưởng thành, công ty đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng cho mảng này bằng các dịch vụ giá trị gia tăng và các dịch vụ khác (trung tâm dữ liệu, truyền hình trả tiền...).
Giáo dục được dự phóng duy trì triển vọng đầy hứa hẹn với mức tăng trưởng 25-30% svck trong năm 2024-2025. FPT định hướng tiếp tục triển khai mở rộng theo cả chiều dọc và chiều ngang, với hệ sinh thái đào tạo phủ rộng khắp các bậc học, trải rộng nhiều lĩnh vực đào tạo và hiện diện khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Mảng hoạt động này được kỳ vọng sẽ là nguồn cung kỹ sư IT cho FPT và ngành CNTT trong tương lai.
Đối với dịch vụ CNTT trong nước và quảng cáo trực tuyến, ACBS kỳ vọng kết quả hoạt động của 2 mảng có thể cải thiện thêm trong các quý tiếp theo và tăng trưởng doanh thu khả quan hơn ở mức 10-15% svck cho năm 2025, khi bức tranh kinh tế có thể tươi sáng hơn.
ACBS dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế cho FPT trong năm 2024 lần lượt là 63.470 tỷ đồng (+20,6% svck) và 11.060 tỷ đồng (+20,2% svck).
Chứng khoán DSC: Khuyến nghị theo dõi ACV
DSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), giá mục tiêu 120.000 đồng/cp dựa trên các luận điểm đầu tư:
Lượng khách quốc tế tăng cao sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nửa cuối năm. Nửa đầu năm 2024, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của ACV đạt hơn 54 triệu lượt (-3% svck). Trong đó, hành khách quốc tế đạt trên 20 triệu lượt, tăng 38,5% svck với Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 quốc gia đóng góp lượng khách lớn nhất lên tới 47,2% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam.
Đáng chú ý, lượng khách tới từ Trung Quốc đã tăng mạnh 229% svck, thậm chí đã vượt lên trên Hàn Quốc vào tháng 5/2024. Trong nửa cuối năm, lượng khách quốc tế kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng với động lực chính từ Trung Quốc và các quốc gia Nội Á sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam.
Hưởng lợi tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2024: Hiện tại, các khoản vay dài hạn của ACV đều bằng đồng yên với dư nợ cuối năm 2023 vượt 60 triệu yên, tương đương 10.500 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm, đồng Yên tiếp tục suy yếu, chạm đáy 38 năm vào cuối quý II. Việc này đã giúp ACV ghi nhận khoản lợi nhuận chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm đạt 517 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, khoản lợi nhuận này nhiều khả năng sẽ biến mất hoàn toàn do sự phục hồi của đồng Yên về mức đầu năm 2024, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bắt đầu tăng lãi suất và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần. Chính vì vậy, ACV có thể phải đối mặt với khoản lỗ tỷ giá lớn hơn nhiều so với khoản lãi đã ghi nhận trong nửa đầu năm.
EPS khủng, một doanh nghiệp chuẩn bị trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 200%
Đoàn công tác UBCK Lào làm việc với công ty chứng khoán Việt Nam