Phiên sáng 14/11, cổ phiếu GMD của Gemadept tăng gần 5% và thiết lập giá lịch sử; các cổ phiếu vận tải biển khác như HAH, VOS, PVT, VSC tăng từ 2 - 4%.
Điều kiện thuận lợi
Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, thị trường toàn cầu chứng kiến giá cước vận tải biển có diễn biến hồi phục. Đây là dấu hiệu cho thấy ngành vận tải biển đang dần vượt qua giai đoạn điều chỉnh kéo dài 16 tháng trước đó.
Trong nước, Cục Hàng hải Việt Nam công bố dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Theo đó, dự thảo đề xuất tăng 10% giá dịch vụ xếp dỡ container từ ngày 1/1/2024 tại một số khu vực bao gồm Hải Phòng, TP. HCM và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dự thảo còn đề xuất điều chỉnh tăng khung giá bốc dỡ container xuất nhập khẩu, mức giá điều chỉnh tăng 10% đối với khu vực I do giá khu vực này hiện thấp nhất cả nước; đề xuất các bến có khả năng tiếp nhận tàu trên 160.000 DWT có thể áp mức tăng thêm 10% phí dịch vụ xếp dỡ đồng nghĩa với việc các bến có cơ hội tăng phí bốc xếp lên 20% so với hiện tại; đề xuất điều chỉnh tăng 10% khung giá tại nhóm cảng biển nước sâu.
Theo đánh giá của Yuanta Securities Vietnam (YSVN), nhiều yếu tố đang hỗ trợ giá cước vận tải và giá cước thuê tàu sẽ phục hồi từ cuối năm 2023 và trong năm 2024.
Cụ thể, giá cước đã về mức nền thấp so với giai đoạn trước đó và về ngang bằng với giai đoạn trước dịch COVID-19 nên sẽ khó giảm thêm. Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục và lạm phát hạ nhiệt. Ngoài ra, nguồn cung tàu không tăng thêm nữa.
Trên sàn chứng khoán, sau nhịp điều chỉnh, nhóm cổ phiếu vận tải biển ghi nhận những tín hiệu tích cực trong 2 tuần trở lại đây. Tính từ đầu tháng 11, cổ phiếu HAH tăng 25%, VOS tăng 20%, PVT tăng 17%, VSC tăng 19%,... Ngược dòng thị trường chung và nhóm ngành, cổ phiếu GMD của Gemadept tiếp tục vận động trong kênh tăng giá trung hạn, giá tăng 22% sau 2 tuần và tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới.
Kết phiên sáng nay, các cổ phiếu này đều tăng từ 2 - 4%; cổ phiếu GMD thậm chí tăng gần 5% và thiết lập giá mới 71.800 đồng/cp.
KQKD khả quan
Quý 9 tháng năm 2023, tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp vận tải biển nhìn chung khả quan trong đó Gemadept đạt 2.812 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng tăng 161% YoY lên mức 2.107 tỷ (nhờ khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng 84,66% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ trong quý 2). Kết quả này giúp công ty vượt 154% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Hay như CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Mã VST - UPCoM) dù báo lỗ sau thuế 11,7 tỷ trong quý 3 song nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác tăng đột biến gần 570 tỷ nên lãi 9 tháng tăng đột biến lên 510 tỷ (cùng kỳ lỗ 0,8 tỷ đồng).
Đáng nói, con số lãi này thậm chí cao hơn 60% so với khoản lãi 319 tỷ đồng của Xếp dỡ Hải An trong cùng thời điểm; gấp 10,7 lần mức lãi của Vosco.
Trường hợp khác là Tổng CTCP Vận tải dầu khí - PV Trans ghi nhận doanh thu riêng 2.274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 552 tỷ - tăng 57% so với cùng kỳ năm 2022 đồng thời vượt 48% chỉ tiêu cả năm.
Mới đây, Chứng khoán VNDirect dự báo, trong cả năm nay, doanh thu và lãi ròng của PV Trans sẽ lần lượt đạt 8.832 tỷ đồng và 940 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và tăng 75% so với mục tiêu đã đề ra.
Ngược chiều, Viconship dù ghi nhận doanh thu 9 tháng tăng 5% lên 1.555 tỷ đồng song lãi sau thuế giảm tới 60% còn 127 tỷ.
Xem thêm: Cổ phiếu đầu ngành cảng biển tăng 9 phiên liên tiếp, cân nhắc mua mới
Lợi nhuận doanh nghiệp thép có thể giảm 23% khi giá điện tăng
VN-Index tiếp đà hồi phục, cổ phiếu Vinhomes (VHM) dẫn dắt thị trường
SSI lấy lại ngôi vương về vốn ngành chứng khoán chỉ sau một tuần