Cổ phiếu HSG mất điểm tựa, chờ đợi bước đi quyết định cứu cánh cho Tập đoàn Hoa Sen?
Quyết định áp thuế phòng chống bán giá thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn chung cho các doanh nghiệp nội địa, trong đó có Tập đoàn Hoa Sen (HSG).
Trong phiên sáng ngày 9/9, cổ phiếu thép đồng loạt “nổi sóng” với mức tăng tích cực như HSV (+8,6%), TVN (+4,4%), GDA (+3,6%), NKG (+3,1%), HPG (+2%)...
Đáng chú ý, cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận mức tăng hơn 3,5% cùng với thanh khoản gia tăng rõ rệt, đạt gần 10 triệu đơn vị giao dịch trong hơn 1 giờ mở cửa.
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, kể từ đầu tháng 7/2024, giá cổ phiếu HSG đã giảm khoảng 20% giá trị từ vùng 25.x và đi lình xình quanh biên độ hẹp từ 19.5x - 21.5x trong vòng 1 tháng qua. Áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài cũng gây sức ép lớn lên giá cổ phiếu.
Trong khoảng thời gian từ ngày 10/7 đến 5/9, khối ngoại đã bán ròng khoảng 44,46 triệu cổ phiếu HSG, chiếm khoảng 13,6% vốn điều lệ (đầu kỳ sở hữu 20,82% vốn điều lệ).
Theo dữ liệu của SSI Research, từ ngày 1/8 đến 5/9, HSG là một trong 6 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên sàn với ước tính giá trị rút ròng là 676,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dẫn đầu đà bán ròng của khối ngoại tại Hoa Sen phải kể tới nhóm quỹ Dragon Capital. Từ ngày 19/6 đến 28/8, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng gần 10 triệu cổ phiếu HSG, giảm sở hữu từ 10,14% về 4,86% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn. Tính riêng trong tháng 8, nhóm quỹ này đã bán ròng tới hơn 8 triệu cổ phiếu HSG.
Đợt bán ròng mạnh của khối ngoại đối với cổ phiếu HSG và nhóm thép nói chung được cho là xuất phát từ lo ngại triển vọng ngành không mấy khả quan, khi thép giá rẻ từ Trung Quốc tiếp tục tràn vào các thị trường châu Á. Nhiều quỹ đầu tư, trong đó có Dragon Capital, đã tái cơ cấu danh mục và chuyển hướng đầu tư.
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital, nhận định rằng khối ngoại tận dụng kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2024 để chốt lời. Tuy nhiên, triển vọng ngành thép cuối năm còn gặp nhiều khó khăn, khi thị trường bất động sản phục hồi chậm và thép Trung Quốc tiếp tục tạo áp lực cạnh tranh.
Diễn biến cổ phiếu HSG |
Trong phân tích triển vọng ngành thép mới đây, BSC Research dựa trên số liệu thu thập được, tự tin rằng Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng này vào quý I/2025 và chính thức từ quý III/2025.
Trước nhiều khó khăn đang bủa vây, quyết định áp thuế phòng chống bán giá thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc của Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn chung cho các doanh nghiệp nội địa, trong đó có Hoa Sen khi Tập đoàn này chiếm 29% thị phần tôn mạ Việt Nam, giữ vị trí số 1.
Cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, năm 2025, sản lượng thép mạ trong nước có thể tăng 20% so với cùng kỳ. Con số này dựa trên số liệu năm 2017, khi ngành tôn mạ trong nước tăng 20% sản lượng sau quyết định áp thuế chống bán phá giá thép mạ (AD02) và năm 2024 cũng có mức nền thấp.
Đây được cho là bệ phóng tăng giá của cổ phiếu, theo sau là bước đệm củng cố vững chắc cho sự tăng trưởng trong tương lai của “ông lớn” đầu ngành thép.
>> Cổ phiếu HPG, NKG, HSG dò đáy, nỗi buồn của cổ đông bao giờ kết thúc?
Dragon Capital tiếp tục xả hàng triệu cổ phiếu Hoa Sen (HSG)
Vì sao nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán tháo cổ phiếu của Hoa Sen Group (HSG)?