Cổ phiếu Tân Tạo (ITA) giảm 72% sau 19 năm, từng có thời điểm 10 cổ phiếu đổi 1 chỉ vàng
Cổ phiếu ITA đã không tăng trong 10 phiên gần nhất, giá tiếp tục giảm sâu từ mốc 3.000 đồng. Phiên chiều 25/9 là phiên giao dịch cuối cùng trước khi hơn 938 triệu cổ phiếu Tân Tạo bị HoSE đình chỉ giao dịch.
Ngay sau thông báo chuyển cổ phiếu ITA từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 26/9, áp lực bán tiếp tục gia tăng, kéo giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm. Cụ thể, ITA kết phiên 24/9 giảm sàn phiên thứ hai liên tiếp, về mức 2.400 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Giá cổ phiếu đã giảm hơn 67% trong vòng 10 tháng và mất tới 87% so với mức đầu năm 2022.
ITA không tăng trong 10 phiên liên tiếp gần đây, giá tiếp tục rơi sâu từ ngưỡng gần 3.000 đồng. Hiện tại, mức giá này thấp hơn 72% so với giá niêm yết tại HoSE vào ngày 15/11/2006.
Trong lịch sử 19 năm niêm yết, ITA từng đạt đỉnh 169.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2007 (giá điều chỉnh là 26.910 đồng), cao hơn 3 lần so với giá tham chiếu phiên đầu tiên. Thời điểm này, cứ 10 cổ phiếu ITA có giá tương đương một chỉ vàng SJC.
Tuy nhiên, ngay sau đó, cổ phiếu bắt đầu lao dốc và đến năm 2012 đã rơi về mệnh giá, giao dịch dưới 10.000 đồng/cổ phiếu trong một thời gian dài.
Sau kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2010 với lợi nhuận sau thuế gần 680 tỷ đồng, Tân Tạo bắt đầu suy giảm, đến năm 2017 chỉ còn đạt lợi nhuận 7 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2022, khi dịch Covid-19 bùng phát và cùng với các biến cố trái phiếu bất động sản, Tân Tạo chính thức báo lỗ với tổng khoản lỗ hơn 660 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh chỉ thực sự cải thiện trong năm 2023 khi doanh nghiệp do bà Đặng Thị Hoàng Yến điều hành báo lãi 206 tỷ đồng, với lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chuyển dương, đạt 320 tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2024, Tân Tạo ghi nhận doanh thu 142 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 64 tỷ đồng. Dù không chịu áp lực tài chính lớn, khi nợ phải trả chỉ chiếm khoảng 18% so với vốn chủ sở hữu, dòng tiền của Tân Tạo vẫn chưa thực sự vững mạnh.
Trong cơ cấu tài sản 12.100 tỷ đồng, có đến 8.400 tỷ đồng là hàng tồn kho và các khoản phải thu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn ghi nhận gần 3.200 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn.
>> Tân Tạo (ITA) báo lãi quý II đột biến nhờ khoản hoàn nhập dự phòng, cổ phiếu về vùng giá 'trà đá'