Xã hội

Cỗ xe săn bão hiện đại bậc nhất chịu được sức gió lên tới 516,6km/h, 'nuôi' cả máy phóng tên lửa và phòng thí nghiệm khoa học di động bên trong

Thùy Dung 09/09/2024 14:40

Chiếc xe được ví như pháo đài trên bánh xe, có thể chịu sức gió hơn 516 km/h và bảo vệ con người trong điều kiện cực hạn.

Tại Hành lang Lốc xoáy của Mỹ, bao gồm Oklahoma, Texas và Kansas, một nhóm các nhà khoa học cùng những nhà thám hiểm mạo hiểm đang cách mạng hóa cách con người hiểu về thời tiết khắc nghiệt. Trang bị những phương tiện trông giống xe tăng hơn là xe tải, các thợ săn bão hiện đại này đang mở rộng ranh giới của nghiên cứu khí tượng, theo Interesting Engineering.

Câu chuyện về hành trình săn bão bắt đầu vào năm 1956 với David Hoadley, người được coi là cha đẻ của lĩnh vực này. Chỉ với một chiếc Chevrolet Bel Air, dự báo qua đài phát thanh và đôi mắt nhạy bén, Hoadley đã đặt nền tảng cho các thế hệ thợ săn bão sau này. Những ghi chép tay tỉ mỉ và cách tiếp cận thận trọng của ông đã tạo nên tiền đề cho một cộng đồng ngày càng lớn mạnh, dẫn đến sự ra đời của tạp chí Storm Track, hoạt động từ năm 1977 đến năm 2002, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ săn bão tiếp nối.

Khi công nghệ không ngừng tiến bộ, các thiết bị hỗ trợ cho hoạt động này cũng ngày càng hiện đại. Vào những năm 1970, Phòng thí nghiệm Bão mạnh Quốc gia đã cải tiến một loạt xe tải và xe van, trang bị các thiết bị khí tượng tiên tiến, cho phép thu thập dữ liệu linh hoạt ở quy mô chưa từng có. Đến thập niên 1990, độ phức tạp của công nghệ thời tiết gia tăng nhanh chóng, tạo điều kiện cho sự kết hợp giữa kỹ thuật phương tiện và công nghệ, giúp định hình lĩnh vực săn bão như ngày nay.

Cỗ xe săn bão Dominator 3 là một phòng thí nghiệm khoa học di động. Ảnh: Wired

Cỗ xe săn bão Dominator 3 là một phòng thí nghiệm khoa học di động. Ảnh: Wired

Một cột mốc quan trọng đã xuất hiện khi Tiến sĩ từ Trung tâm Nghiên cứu Thời tiết Khắc nghiệt giới thiệu "Doppler on Wheels" – một hệ thống radar di động được lắp đặt trên xe tải. Sáng kiến này cho phép theo dõi kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, cung cấp dữ liệu thời gian thực về lượng mưa, tốc độ gió và cấu trúc của các cơn bão. Hoạt động săn bão từ đó tập trung vào việc quan sát và thu thập các dữ liệu khoa học quan trọng có thể cứu sống nhiều người.

Năm 2003, nhà làm phim Sean Casey ra mắt "Phương tiện Đón đầu Lốc xoáy" (TIV). Đây là một chiếc Ford F-450 cải tiến đặc biệt, được thiết kế để chịu đựng điều kiện khắc nghiệt của lốc xoáy trong khi quay phim. Với lớp vỏ thép dày tới 2,5 cm, kính chống đạn và hệ thống thủy lực tăng độ ổn định, TIV mở ra một kỷ nguyên mới cho các phương tiện săn bão. Phiên bản nâng cấp, TIV 2, được xây dựng trên bộ khung gầm Dodge Ram 3500, còn mạnh mẽ hơn nữa, nặng tới 7.500kg nhưng vẫn có thể đạt tốc độ hơn 160 km/h.

Không thua kém, nhà khí tượng học Reed Timmer đã phát triển dòng xe Dominator. Phiên bản mới nhất, Dominator 3, là một kiệt tác công nghệ, xây dựng trên khung gầm Ford F340 Super Duty. Nặng hơn 4.500kg, chiếc "pháo đài di động" này có khả năng chịu được sức gió lên tới 516,6km/h và được trang bị nhiều tính năng thiết kế để đảm bảo an toàn tối đa cho người ngồi bên trong khi đối mặt với điều kiện khắc nghiệt. Dominator 3 có vỏ thép và polycarbonate dày 7,6 - 10cm, kính chống đạn dày gần 4cm, cùng hệ thống thủy lực giúp hạ thấp phương tiện. Các thanh nhọn dài 20 cm giúp neo giữ xe, trong khi cửa kiểu cánh chim nặng 360kg bảo vệ phần trên của xe.

Điều khiến Dominator 3 khác biệt là chức năng kép: vừa là phương tiện săn bão vừa là phòng thí nghiệm khoa học di động. Được trang bị các thiết bị đo lường như máy đo gió, áp kế, nhiệt kế, ẩm kế, máy đo mưa và cảm biến điểm sương, cỗ xe này có khả năng thu thập dữ liệu đa dạng về mọi khía cạnh của cơn bão. Thông tin thu thập được phân tích tại chỗ theo thời gian thực và được truyền đến các cơ sở nghiên cứu, góp phần cải thiện mô hình dự báo thời tiết và cảnh báo về hiện tượng thời tiết cực đoan.

Dữ liệu đo đạc trên mặt đất từ các phương tiện như Dominator 3 đóng vai trò thiết yếu trong nghiên cứu khí tượng, bổ sung quan trọng cho dữ liệu từ trạm khí tượng và vệ tinh. Nhờ việc tiếp cận trực tiếp với lốc xoáy và bão lớn, những phương tiện này cung cấp những hiểu biết mà quan sát từ xa không thể đạt được.

Trang bị quan trọng nhất của Dominator 3 là máy phóng tên lửa. Hệ thống tiên tiến này được thiết kế để triển khai cảm biến "Dominator Skyfall" trực tiếp vào vòng xoáy của cơn lốc. Điều đó từng được cho là bất khả thi bởi bức tường không khí chìm xuống quanh cơn lốc.

Tên lửa được phóng thông qua hệ thống khai hỏa thủ công, sử dụng thanh cân bằng để điều chỉnh quỹ đạo. Khi xuyên qua lớp bảo vệ của cơn lốc, phần đầu của tên lửa sẽ giải phóng gói cảm biến, được trang bị dù để ổn định. Cảm biến này thu thập các dữ liệu về áp suất, độ ẩm và gia tốc trong quá trình xoay tròn bên trong cơn lốc, cung cấp những hình ảnh chi tiết chưa từng có về cơ chế hoạt động của những cơn bão cực mạnh.

Với sự phát triển không ngừng của các phương tiện săn bão, những tiến bộ này hứa hẹn sẽ mang lại những hiểu biết khoa học vô giá. Dữ liệu thu thập từ các cỗ xe săn bão đang ngày càng cải thiện khả năng dự báo và phản ứng của con người trước những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, góp phần cứu sống vô số sinh mạng.

>> Ngôi làng độc đáo nóc nhà nào cũng 'đậu' toàn xe tăng, máy bay chiến đấu

Chuyện cần bàn sau khi bão Yagi ‘hoành hành’ ở miền Bắc

Dự báo thời tiết 9/9/2024: Bắc Bộ mưa rất to, lũ trên sông Thao uy hiếp nhà dân ở Yên Bái

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/co-xe-san-bao-hien-dai-bac-nhat-chiu-duoc-suc-gio-len-toi-5166km-h-nuoi-ca-may-phong-ten-lua-va-phong-thi-nghiem-khoa-hoc-di-dong-ben-trong-d132519.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cỗ xe săn bão hiện đại bậc nhất chịu được sức gió lên tới 516,6km/h, 'nuôi' cả máy phóng tên lửa và phòng thí nghiệm khoa học di động bên trong
POWERED BY ONECMS & INTECH