Còn bao nhiêu niềm tin với "các cổ phiếu tốt" của chuyên gia?

15-05-2022 00:43|Hiền Ngô

Trong thực chiến đầu tư, với hầu hết chứng sĩ, những cổ phiếu giảm điểm mạnh, bào mòn tài khoản nhà đầu tư thì dù là cổ phiếu tốt, tăng trưởng doanh nghiệp ổn định,... cũng đều bị "đổ đồng" là cổ phiếu tồi.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm 2022 với nhiều thuận lợi. Chỉ số VN-Index dễ dàng chinh phục cột mốc 1.500 điểm và thiết lập đỉnh cao mới. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng giữ vững phong độ và những phiên giao dịch khớp lệnh tỷ USD không phải là điều hiếm gặp.

Sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường trong giai đoạn đầu năm như viết tiếp câu chuyện thăng hoa của kênh đầu tư này trong khoảng 2 năm trước đó. Bối cảnh dịch bệnh đã đưa chứng khoán trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, khiến dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường.

Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô trong nước ổn định cũng như chính sách điều hành hiệu quả của Nhà nước giúp triển vọng tăng trưởng các nhóm ngành kinh tế trở nên tươi sáng.

Tuy nhiên, ngay sau khi lên đỉnh vào đầu quý II/2022, diễn biến thị trường bất ngờ trở nên kém tích cực. Những lo ngại về xung đột địa chính trị leo thang, xu hướng siết chặt dòng tiền, tăng lãi suất cộng thêm lo ngại về biến thể dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Sau khi giảm 63 điểm trong phiên trước đó, đóng cửa phiên 13/5, VN-Index tiếp tục giảm mạnh qua đó chính thức "thủng" ngưỡng điểm quan trọng 1.200 điểm.

Trái với kỳ vọng phục hồi cùng các thị trường châu Á, chứng khoán Việt Nam tiếp tục chìm trong vòng xoáy bán tháo. Gần như chẳng có nỗ lực bắt đáy nào đáng kể cho đến 13h50, VN-Index thủng hỗ trợ "siêu cứng" 1.200 một cách tương đối dễ dàng.

Độ rộng của thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán khi có đến 987 mã giảm đỏ trong đó 342 mã nằm sàn trên toàn thị trường. Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khu công nghiệp, thép, phân bón, thủy sản, dệt may, xây dựng, bán lẻ... đều giảm sàn la liệt.

VN-Index kết phiên 13/5/2022 giảm 56,07 điểm (-4,53%) xuống 1.182,77 điểm; vốn hóa HOSE cũng theo đó bị thổi bay 222.500 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa dưới 1.200 điểm trong vòng hơn 13 tháng trở lại đây kể từ phiên 31/3/2021.

Diễn biến chỉ số VN-Index đến hết phiên 13/5

Tương tự, HNX-Index giảm 4,16% xuống 302,39 điểm trong khi UpCOM-Index cũng mất 2,93% xuống 93,61 điểm.

Thanh khoản thị trường có sự cải thiện đáng kể lên 23.400 tỷ đồng trong đó giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt gần 18.600 tỷ đồng. Sau đúng 3 tuần, giá trị giao dịch toàn thị trường mới trở lại trên 1 tỷ USD kể từ phiên 25/4.

Với phiên giảm mạnh nhất thế giới ngày 13/5, VN-Index đã ghi nhận 6 tuần liên tiếp giảm điểm, chuỗi dài nhất kể từ năm 2008 thời điểm chỉ số này giảm 7 tuần liên tiếp (5/5 - 16/6). Thị trường cơ sở tiếp tục bị bán tháo đẩy thanh khoản thị trường phái sinh lên mức kỷ lục với số lượng hợp đồng lên đến 437.000 đơn vị.

Tính chung trong tuần 9 - 13/5, với 145,88 điểm bị "đánh rơi", chỉ số chính thức xác lập "kỷ lục buồn" với mức giảm mạnh nhất lịch sử. Xét theo mức tương đối là 10,97%, đây cũng là tuần ghi nhận chỉ số giảm mạnh nhất từ tuần 9 - 15/3/2020 (VN-Index giảm 14,55%).

Mức biến động của VN-Index là khá lớn và nằm trong top 10 chỉ số chứng khoán có biến động tiêu cực nhất trên thế giới trong tuần giao dịch vừa qua.

Tính rộng ra trong khoảng thời gian từ đầu năm 2022 tới nay, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng lọt top chứng khoán giảm mạnh nhất khi mất tới 21% sau hơn 5 tháng.

Nếu tính từ mức đỉnh vùng 1.52x - 1.530 điểm hồi đầu tháng 4/2022, chỉ sau hơn 1 tháng, VN-Index đã đánh rơi hơn 340 điểm.

Cách nhận diện cổ phiếu tốt của chuyên gia MBS

Trong một sự kiện mới đây, ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia tại CTCP Chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra nhận định: "Thời điểm này, khi thị trường giảm mạnh, những yếu tố cảm xúc cực đoan vô tình đã mở ra cơ hội cho tất cả mọi người khi mặt bằng giá cổ phiếu đang rất rẻ".

Theo chuyên gia, nhà đầu tư cần kiểm tra lại danh mục để chọn lọc cổ phiếu chất lượng bởi dù thị trường phục hồi không có nghĩa cổ phiếu của các bạn sẽ tăng, mà hãy tập trung vào những cổ phiếu tốt tăng trưởng mạnh. Trong quá trình rà soát danh mục, nếu cổ phiếu không còn triển vọng hãy mạnh dạn bán cơ cấu sang những mã chất lượng, có thể thị trường chưa về đỉnh nhưng bạn có thể lấy lại tất cả.

Để nhận diện những cổ phiếu có thể "vượt bão" trong giai đoạn này, thậm chí có thể bật tăng từ 30 - 50% trong tương lai, vị chuyên gia đưa ra ba yếu tố:

Thứ nhất, trả cổ tức bằng tiền mặt và có lợi suất cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm hoặc có thể có mức trả cổ tức là 5% bằng tiền mặt, nhưng có khả năng tăng trưởng cao trong tương lai.

Thứ hai, công ty có khả năng tăng trưởng lợi nhuận với mức độ từ 15 - 20% trong khoảng 2 - 3 năm tới. Chuyên gia nhấn mạnh lợi nhuận của doanh nghiệp phải là bền vững trong dài hạn chứ không phải là lợi nhuận ngắn hạn trong 1 - 2 quý tới.

Thứ ba, ban lãnh đạo cũng là một yếu tố quan trọng khi chọn lựa cổ phiếu. Nhà đầu tư cần lựa chọn doanh nghiệp có lãnh đạo là người được chứng minh uy tín, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

"Nếu cổ phiếu có 3 yếu tố trên đây, tôi cho rằng nhà đầu tư không nên dừng bán tháo và đồng hành với doanh nghiệp. Nếu mất niềm tin vào thị trường chứng khoán, chúng ta không chỉ mất tiền mà là mất tất cả. Khi thị trường phục hồi, thị trường chứng khoán đi lên thì cơ hội sẽ dành cho người khác không phải do chúng ta", chuyên gia MBS nêu quan điểm.

Dù nhận định lý thuyết là vậy song trong thực chiến, với hầu hết nhà đầu tư, những cổ phiếu giảm điểm mạnh, bào mòn tài khoản nhà đầu tư thì dù là cổ phiếu tốt, tăng trưởng doanh nghiệp ổn định,... cũng đều bị "đổ đồng" là cổ phiếu tồi.

[Chứng khoán cười] Chuyên gia chứng khoán "đồng cảm" với sự thua lỗ của nhà đầu tư

Chứng khoán SHS báo lãi quý I gấp gần 8 lần, thắng lớn nhờ hai cổ phiếu bán lẻ

[Live ĐHCĐ] Ông Hồ Hùng Anh: Kết quả kinh doanh quý I/2024 của Techcombank rất tốt

Xuất hiện doanh nghiệp báo lãi gấp 182 lần trong quý I/2024, cổ phiếu tăng 76% từ đầu năm

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/con-bao-nhieu-niem-tin-voi-cac-co-phieu-tot-cua-chuyen-gia-126193.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Còn bao nhiêu niềm tin với "các cổ phiếu tốt" của chuyên gia?
POWERED BY ONECMS & INTECH