Công bố những loại thực phẩm nguy hiểm bậc nhất thế giới, nhiều món không xa lạ với người Việt
Nhiều loại thực phẩm quen thuộc với người Việt tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, thậm chí tử vong nếu ăn sai cách.
Từ những món đặc sản trứ danh mang đậm dấu ấn văn hóa từng quốc gia đến các thực phẩm tưởng như quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày, danh sách dưới đây tập hợp những món ăn nguy hiểm nhất thế giới - những trải nghiệm ẩm thực mà du khách nên cân nhắc kỹ trước khi thử, theo tạp chí CN Traveller.
Ackee
Loại quả bắt nguồn từ Tây Phi này hiện là biểu tượng ẩm thực của Jamaica - nơi ackee được tôn vinh là quốc quả. Dù nổi tiếng, nhưng ackee tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc nghiêm trọng nếu ăn khi chưa chín hẳn. Thủ phạm là một loại độc tố có tên hypoglycin, có thể gây nôn mửa dữ dội. Để an toàn, chỉ nên dùng khi quả đã chín tự nhiên, vỏ chuyển sang màu đỏ và tự tách ra.

Khoai mì (sắn)
Là nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực của nhiều nước châu Phi, Nam Mỹ và rất quen thuộc với người Việt, khoai mì (sắn) thường được chế biến thành bánh hoặc nghiền nát để nấu chín. Tuy nhiên, nếu ăn sống, khoai mì sẽ giải phóng enzyme linamarase, chất này có thể biến đổi hợp chất trong củ thành xyanua - một loại độc tố chết người nếu không được loại bỏ bằng cách nấu chín kỹ.

Đại hoàng
Mặc dù thân cây đại hoàng thường được dùng để làm bánh hoặc món tráng miệng, phần lá lại chứa nhiều axit oxalic - một hợp chất có thể gây suy thận nếu tiêu thụ với liều lượng lớn. Các triệu chứng ngộ độc có thể bao gồm khó thở, tiêu chảy, đau mắt và thậm chí tiểu ra máu. Dù để đạt mức nguy hiểm cần ăn tới hơn 4 kg lá, song sự thận trọng là hoàn toàn cần thiết.

Sò huyết
Sống ở các vùng nước có lượng oxy thấp như vịnh Mexico hay vùng biển Thái Bình Dương, sò huyết có khả năng lọc nước mạnh, đồng thời dễ tích tụ mầm bệnh như viêm gan A, thương hàn và kiết lỵ. Khi thưởng thức, bạn nên chú ý đến nguồn gốc và điều kiện thu hoạch của chúng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Casu marzu
Không dành cho người yếu tim, casu marzu là một loại phô mai truyền thống của vùng Sardinia (Ý), được làm từ sữa cừu và nổi tiếng nhờ... những con giòi sống bên trong. Các ấu trùng giúp làm mềm kết cấu phô mai, nhưng nếu không được tiêu hóa hết, chúng có thể gây kích ứng đường ruột. Vì lý do an toàn thực phẩm, casu marzu bị cấm bán chính thức trong toàn bộ Liên minh châu Âu.

San-nakji
Món bạch tuộc sống của Hàn Quốc mang đến cảm giác phiêu lưu thực sự. San-nakji được phục vụ khi bạch tuộc vẫn còn cử động, dù đã bị cắt nhỏ. Các xúc tu vẫn hoạt động nhờ tế bào thần kinh còn sống và có thể bám chặt vào cổ họng nếu không nhai kỹ, dẫn đến nguy cơ nghẹt thở - một tai nạn hiếm nhưng có thật.

Hákarl
Một món ăn "khó nhằn" khác đến từ Iceland, hákarl được làm từ cá mập Greenland - loài không có hệ bài tiết như các loài cá thông thường. Điều này khiến các độc tố và chất thải tích tụ trong thịt. Để loại bỏ độc tính, cá phải trải qua quá trình lên men và phơi khô trong khoảng sáu tháng trước khi ăn.

Hạt điều tươi
Khác với loại hạt điều rang sẵn thường thấy, hạt điều tươi chứa urushiol - cùng loại độc tố có trong cây thường xuân độc. Nếu ăn sống hoặc không qua xử lý đúng cách, chất này có thể gây phản ứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu tiêu thụ với lượng lớn.

Ếch châu Phi
Ở Namibia và một số nước châu Phi, người dân thường ăn cả con ếch thay vì chỉ lấy phần chân. Tuy nhiên, da và nội tạng ếch chứa các độc tố có thể gây tổn thương thận nếu chưa được chế biến đúng cách. Theo truyền thống, chỉ nên ăn ếch sau "cơn mưa thứ ba" - thời điểm được cho là chúng đã sinh sản và an toàn hơn để tiêu thụ.

Quả cơm cháy
Phần thịt quả cơm cháy chín - thường dùng để làm mứt hoặc thạch - khá an toàn. Tuy nhiên, các bộ phận khác như lá, cành và hạt chứa độc tố có thể gây buồn nôn hoặc các phản ứng nguy hiểm khác nếu nuốt phải. Vì vậy, cần loại bỏ kỹ những phần không ăn được trước khi chế biến.

Cá nóc

Không có gì ngạc nhiên khi cá nóc được mệnh danh là "vua" của những món ăn nguy hiểm. Nội tạng cá, đặc biệt là gan, ruột và buồng trứng, chứa tetrodotoxin - một chất độc mạnh gấp 1.200 lần xyanua. Chỉ có những đầu bếp được cấp phép mới được phép chế biến món này, đặc biệt là tại Nhật Bản - nơi một số nhà hàng vẫn phục vụ cá nóc với lượng nhỏ độc tố để tạo cảm giác tê nhẹ nơi đầu lưỡi.
>> Công bố 12 loại rau quả tồn dư nhiều thuốc trừ sâu nhất năm 2025