Thế giới

Công ty dầu khí lớn thứ 2 thế giới 'bán sạch' trạm xăng ở nền kinh tế số 1 Đông Nam Á: Chuyện gì đang xảy ra?

Đăng Đức 25/05/2025 18:17

“Gã khổng lồ dầu khí” nước Anh và thế giới Shell vừa đưa ra lời giải thích về việc bán toàn bộ quyền sở hữu kinh doanh các cửa hàng xăng dầu (SPBU) tại Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Hôm 23/5, trang Investor.id đưa tin PT Shell Indonesia xác nhận rằng công ty đã đồng ý chuyển nhượng quyền sở hữu mảng kinh doanh trạm xăng (SPBU) tại Indonesia cho bên mua, là một liên doanh giữa Tập đoàn Sefas và Citadel Pacific Limited.

Được biết, PT Shell Indonesia là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Shell plc - một trong những tập đoàn năng lượng và dầu khí lớn nhất thế giới có trụ sở tại Hà Lan và Anh).

Công ty dầu khí lớn thứ 2 thế giới 'bán sạch' trạm xăng ở nền kinh tế số 1 Đông Nam Á: Chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 1
Hình minh họa trạm xăng Shell. Tập đoàn dầu khí nổi tiếng có trụ sở tại Anh và Hà Lan đã chính thức bán toàn bộ hoạt động kinh doanh trạm xăng tại Indonesia cho liên doanh giữa Citadel Pacific và Sefas Group. Mặc dù quyền sở hữu đã thay đổi, các dịch vụ và thương hiệu của Shell vẫn hiện diện thông qua chương trình cấp phép. Chính phủ gọi bước đi này là hành động hợp lý của doanh nghiệp. Ảnh: Rachel Farahdiba R/kompas.com

>> Ukraine chỉ trích "gã khổng lồ" Shell vì mua dầu thô của Nga

Shell là một trong các “supermajors” – nhóm 6 công ty dầu khí lớn nhất toàn cầu, cùng với ExxonMobil, BP, Chevron, TotalEnergies và Eni. Hệ thống trạm xăng Shell có mặt tại hàng chục quốc gia. Hãng này có đến hàng trăm nghìn nhân viên và hàng triệu khách hàng mỗi ngày. Về doanh thu, Shell xếp thứ 2 thế giới giai đoạn năm 2023 - 2024 (chỉ xếp sau Saudi Aramco của Saudi Arabia).

Tính đến năm 2024, Shell plc đạt doanh thu khoảng 284,3 tỷ USD, giảm so với mức 316,6 tỷ USD của năm 2023. Sự sụt giảm này chủ yếu do giá năng lượng thấp hơn và biên lợi nhuận từ lọc hóa dầu giảm sút.

Mặc dù doanh thu giảm, Shell vẫn duy trì vị thế là một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng Fortune Global 500 năm 2023, Shell đứng thứ 9 toàn cầu về doanh thu, với mức 386,2 tỷ USD trong năm 2022.

Mới đây, Phó Chủ tịch Phụ trách Quan hệ Doanh nghiệp của Shell Indonesia, bà Susi Hutapea cho biết, việc chuyển nhượng quyền sở hữu kể trên bao gồm cả mạng lưới trạm xăng và hoạt động cung cấp cũng như phân phối nhiên liệu (xăng dầu) tại Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

“Việc chuyển nhượng này bao gồm hệ thống SPBU của Shell cùng với hoạt động cung ứng và phân phối nhiên liệu tại Indonesia, nhưng không bao gồm mảng kinh doanh dầu nhờn đang phát triển của Shell tại Indonesia”, bà Susi cho biết trong một tuyên bố vào thứ Sáu (23/5).

Bà cũng giải thích rằng hoạt động kinh doanh của hệ thống SPBU Shell sẽ tiếp tục diễn ra bình thường. Sau khi quá trình chuyển nhượng hoàn tất, thương hiệu Shell vẫn sẽ hiện diện tại Indonesia, sản phẩm nhiên liệu sẽ tiếp tục được cung cấp bởi Shell và khách hàng vẫn sẽ có thể tiếp tục sử dụng sản phẩm của hãng.

“Shell đã đồng ý chuyển nhượng mảng kinh doanh SPBU tại Indonesia, nhưng thương hiệu Shell và các sản phẩm nhiên liệu chất lượng cao vẫn sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng”, bà Susi kết luận.

>> 'Loại' tập đoàn Hàn Quốc, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á muốn bắt tay với nhà thầu Trung Quốc trong dự án nhà máy pin xe điện gần 10 tỷ USD

Trong một thông báo khác, Shell Indonesia khẳng định rằng việc chuyển nhượng quyền sở hữu mảng kinh doanh trạm xăng tại Indonesia cho liên doanh giữa Tập đoàn Sefas và Citadel Pacific Limited là một phần trong chiến lược chuyển đổi danh mục đầu tư của Shell và phù hợp với cam kết trong Ngày Thị trường Vốn (25/3/2025) của Shell.

Kinh doanh SPBU của Shell tại Indonesia bao gồm mạng lưới trạm xăng và hoạt động cung ứng – phân phối nhiên liệu. Shell hiện sở hữu khoảng 200 trạm xăng tại “xứ sở vạn đảo”, trong đó hơn 160 trạm do công ty sở hữu, cùng với một kho nhiên liệu tại Gresik.

Về phía Citadel Pacific, công ty này hiện đang nắm giữ quyền sử dụng thương hiệu Shell tại đảo Guam, Saipan, Cộng hòa Palau, Macau và Hồng Kông (Trung Quốc). Trong khi đó, Tập đoàn Sefas là nhà phân phối dầu nhờn Shell lớn nhất tại Indonesia.

Theo investor.id

>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á ‘nợ ngập đầu' nhưng Chính phủ vẫn 'bình chân như vại', vì sao?

Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á tham vọng đứng thứ 2 thế giới về cà phê, Việt Nam có bị vượt mặt?

Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á liên tiếp phá kỷ lục dự trữ gạo, sắp tự cung tự cấp: Việt Nam thiệt đơn thiệt kép?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/cong-ty-dau-khi-lon-thu-2-the-gioi-ban-sach-tram-xang-o-nen-kinh-te-so-1-dong-nam-a-chuyen-gi-dang-xay-ra-143150.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Công ty dầu khí lớn thứ 2 thế giới 'bán sạch' trạm xăng ở nền kinh tế số 1 Đông Nam Á: Chuyện gì đang xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH