Indonesia thẳng thừng từ chối bán gạo cho nước láng giềng Malaysia: Cơ hội vàng cho gạo Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman cho biết nước này không thể xuất khẩu gạo sang Malaysia vì cần duy trì nguồn dự trữ mặt hàng này trong nước.
Chính phủIndonesia đã từ chối đề nghị mua gạo từ Malaysia, với lý do được Bộ trưởng Nông nghiệp Andi Amran Sulaiman đưa ra là cần đảm bảo nguồn dự trữ trong nước.
Ông Amran cho biết, Kuala Lumpur đã đề nghị nhập khẩu gạo từ Indonesia vì nguồn cung trong nước không đủ, khiến giá mặt hàng lương thực thiết yếu này ở Malaysia tăng cao.

“Thật thú vị! Malaysia đã hỏi rằng liệu họ có thể nhập khẩu gạo từ Indonesia hay không”, ông Amran nói trong cuộc họp báo sau buổi gặp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia, ông Mohamad Bin Sabu tại Jakarta vào thứ Ba (22/4), theo tờ Bisnis.
Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia cho biết, lượng dự trữ gạo của Chính phủ (CBP) tại Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) đang ở mức 3,3 triệu tấn và mục tiêu là nâng con số này lên 4 triệu tấn vào tháng 5 năm nay.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá gạo ở Malaysia tăng cao. Hiện nước này chỉ có thể đáp ứng khoảng 40 - 50% nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, người đồng cấp bên phía Malaysia Mohamad Bin Sabu cho biết, dù chưa có chỉ thị chính thức về việc nhập khẩu gạo từ Indonesia, Bộ của ông sẽ tiếp tục thảo luận thêm về kế hoạch này.
Dựa trên Khảo sát khung mẫu khu vực (KSA) tháng 2/2025 của Cục Thống kê Indonesia (BPS), tổng sản lượng lúa trong giai đoạn từ tháng 1-5/2025 ước tính đạt 34,47 triệu tấn.
Theo chuyên gia nông nghiệp Khudori của Hiệp hội Kinh tế Chính trị Indonesia (AEPI), con số này tương đương với khoảng 16,62 triệu tấn gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân được sản xuất trong cùng kỳ, tăng 1,83 triệu tấn, tương đương 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo BPS, năm 2024 sản lượng gạo phục vụ nhu cầu lương thực của người dân đạt khoảng 30,62 triệu tấn, giảm 1,54% so với sản lượng năm 2023 là 31,1 triệu tấn.
Indonesia đang nỗ lực hướng đến mục tiêu tự chủ lương thực, sản lượng và dự trữ gạo trong nước đã tăng mạnh, cho phép nước này ngừng nhập khẩu gạo trong năm 2025.
>> LG đột ngột tháo chạy khỏi siêu dự án 8 tỷ USD, hứng chỉ trích nặng nề
Trong khi đó, việc Indonesia từ chối bán gạo cho Malaysia lúc này có thể là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục lập kỷ lục mới cả về sản lượng và kim ngạch, giúp Việt Nam giữ vững vị thế top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Vượt qua những con số ấn tượng năm 2023, xuất khẩu gạo năm 2024 lần đầu đạt 9 triệu tấn, thu về 5,8 tỷ USD, tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị.
Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 cũng tăng 16,7% so với năm 2023. Đây là bước bứt phá vô cùng ấn tượng sau 35 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo.
Về thị trường, gạo Việt Nam đã đi khắp thế giới với khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, các thị trường nhập khẩu lớn nhất là Philippines, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Ghana. Trong đó, Philippines tiếp tục duy trì là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là nhà cung ứng gạo hàng đầu của quốc gia này.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Malaysia trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 10,63 tỷ USD, tăng tới 14,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 3,81 tỷ USD, tăng nhẹ 3,5%; nhập khẩu đạt 6,82 tỷ USD, tăng mạnh tới 21,1% so với cùng kỳ.
Ghi điểm trong 9 tháng đầu năm ngoái là xuất khẩu gạo, khi đạt mức tăng trưởng tới 131,2% và đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng tới 9,8%, đứng thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Malaysia, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 8,5%).
Như vậy, Malaysia đã tăng cường mua gạo từ Việt Nam năm vừa qua, nhiều hơn cả các hàng tiêu dùng xa xỉ như điện thoại. Thời gian tới có thể sẽ tiếp tục là cơ hội lớn để các doanh nghiệp gạo nước ta tăng cường xuất khẩu gạo với số lượng và giá trị cao hơn vào thị trường đầy tiềm năng này.
Theo Jakarta Post