Nóng: 25.000 tài xế Grab, Shopee tắt app, biểu tình ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Các ứng dụng Grab, Lalamove, GoTo, Shopee… đã bị hàng vạn tài xế tại Indonesia phản đối gay gắt, đòi tăng thu nhập.
Dịch vụ gọi xe và giao hàng của Grab Holdings Ltd. và GoTo Group bị gián đoạn vào thứ Ba (20/5) tại Indonesia – thị trường lớn nhất của họ khi hàng chục nghìn tài xế ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chuẩn bị đình công để phản đối chính sách trả lương và các điều khoản khác.

Cuộc đình công diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với hai “ông lớn” gọi xe công nghệ Đông Nam Á khi Grab – có trụ sở tại Singapore – đang đàm phán mua lại đối thủ ở Indonesia (GoTo) với giá hơn 7 tỷ USD. Các tài xế tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới với hơn 285 triệu dân (theo Worldometer) cho rằng chính sách của ứng dụng hiện tại là bóc lột và Chính phủ “xứ sở vạn đảo” đã không thực hiện đầy đủ vai trò quản lý.
Theo Hiệp hội Tài xế Garda Indonesia, hơn 25.000 tài xế xe ô tô và xe máy tham gia biểu tình bắt đầu sau 13 giờ chiều (giờ địa phương, trùng giờ Hà Nội) ngày 20/5. Theo tờ Jakarta Globe, hoạt động biểu tình của các tài xế xe công nghệ này dự kiến sẽ kéo dài đến 23h59 cùng ngày 20/5. Nhiều người đã di chuyển từ các tỉnh thành trên các đảo Java và Sumatra, cắm trại và tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau ở thủ đô Jakarta, Indonesia.
Các báo cáo trên mạng xã hội cho thấy đã có hơn 100 tài xế bắt đầu tụ tập tại một số điểm vào chiều 20/5. Theo Garda, các địa điểm biểu tình bao gồm dinh Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, Bộ Giao thông, Quốc hội và văn phòng các công ty ứng dụng, cũng như khoảng một chục thành phố lớn khác như Yogyakarta và Surabaya.

Để kiểm soát tình trạng ùn tắc và đảm bảo an ninh, Cảnh sát Đô thị Jakarta đã huy động 2.554 nhân viên liên ngành. Lực lượng này bao gồm 1.913 cảnh sát khu vực Metro Jaya, 230 cảnh sát Trung tâm Thủ đô Jakarta, 320 quân nhân và 91 nhân viên chính quyền thành phố.
Bốn khu vực trọng điểm được giám sát chặt chẽ. Khu vực có lực lượng bố trí đông nhất là xung quanh khu vực Tượng đài Quốc gia (Monas), với 1.080 nhân viên. 285 người được phân công tại vòng xoay Khách sạn Indonesia (HI) và Bộ Giao thông Vận tải, trong khi 989 người bảo vệ khu phức hợp Quốc hội. Ngoài ra, 200 cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ điều tiết luồng xe.
Phó Giám đốc Giao thông Metro Jaya, ông Argo Wiyono, kêu gọi người dân tránh các khu vực biểu tình và sử dụng các tuyến đường thay thế. “Chúng tôi kêu gọi người tham gia giao thông tránh khu vực quanh các địa điểm này hoặc đi đường vòng,” ông Argo nói, đồng thời cho biết các biện pháp điều tiết giao thông đặc biệt chỉ được triển khai trong trường hợp khẩn cấp.
Tương tự như các công ty cùng ngành gọi xe công nghệ trên thế giới, Grab và GoTo đang chịu sự giám sát chặt chẽ từ các công đoàn và cơ quan quản lý về điều kiện làm việc của tài xế, những người thường không có hợp đồng chính thức và không được hưởng quyền lợi như nhân viên toàn thời gian.
Theo tờ Tempo, tuần trước, một công đoàn lao động giao thông Indonesia tuyên bố phản đối kế hoạch sáp nhập Grab và GoTo vì lo ngại việc hai công ty lớn hợp nhất sẽ làm giảm thu nhập của tài xế.
Grab vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch mua lại đối thủ ở Indonesia, hãng này đang đánh giá tài chính, hợp đồng và hoạt động của GoTo để tiến tới sáp nhập. Hãng thông tấn Reuters đưa tin trong tháng này rằng hai công ty đang hướng tới việc đạt được thỏa thuận “về chung một nhà” trong quý II năm nay.
Grab - được Uber Technologies Inc. hậu thuẫn đã nhiều lần đàm phán với GoTo, nhưng thương vụ vẫn chưa thành do lo ngại về chống độc quyền khi hai công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á hợp nhất. Uber đã rút khỏi khu vực này vào năm 2018 để đổi lấy cổ phần trong Grab và các đối thủ nhỏ hơn cũng chưa đủ sức cạnh tranh đáng kể với Grab và GoTo.

Đáng chú ý, Indonesia là thị trường gọi xe lớn nhất Đông Nam Á. Cuộc đình công lần này có thể gây gián đoạn lớn đối với các dịch vụ theo yêu cầu, khi tài xế lên kế hoạch đăng xuất khỏi các nền tảng (tắt app) trong 24 giờ, điều này có thể ảnh hưởng đến việc vận chuyển hành khách, giao đồ ăn và chuyển phát trên toàn quốc.
Cuộc biểu tình do Garda – một trong những hiệp hội tài xế lớn nhất Indonesia tổ chức đã tố cáo Chính phủ Indonesia không thực thi các quy định về tỷ lệ hoa hồng của nền tảng đã được ban hành 3 năm trước.
“Đây là đỉnh điểm về sự thất vọng của chúng tôi”, Chủ tịch Garda, ông Raden Igun Wicaksono nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ Hai (19/5). “Chúng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi các yêu cầu được đáp ứng. Nếu không, hành động có thể leo thang và căng thẳng sẽ tăng cao”.
Các tài xế đã yêu cầu giới hạn hoa hồng nền tảng ở mức 10%, loại bỏ các chương trình khuyến mãi giá rẻ và có quy định cụ thể về giá dịch vụ giao hàng. Họ cũng kêu gọi Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto trừng phạt các công ty vi phạm quy định giao thông hiện hành, đồng thời thúc giục Quốc hội tổ chức điều trần với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhóm tài xế.
Cuộc biểu tình kể trên có sự tham gia của tài xế từ nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm GoTo, Grab, Maxim, InDrive, Lalamove và Shopee của Sea Ltd. Theo truyền thông địa phương, một liên minh tài xế khác cho biết họ sẽ không tham gia đình công khi cho rằng hành động này mang động cơ chính trị.
Theo Tech In Asia/Jakarta Globe
>> Xanh SM chính thức tham gia vào mảng giao đồ ăn, cạnh tranh Shopee Food và Grab Food
Grab khởi động lại đàm phán sáp nhập: Thương vụ tỷ đô tái định hình thị trường gọi xe Đông Nam Á?
Grab cân nhắc chi hơn 7 tỷ USD thâu tóm công ty mẹ của GoJek