Công ty mẹ Shopee: Câu chuyện “tiết kiệm từng xu” phía sau khoản lãi đầu tiên trong 14 năm

16-05-2023 09:06|Thủy Tiên

Sa thải hàng ngàn nhân sự, thậm chí tiết kiệm cả giấy vệ sinh giúp công ty mẹ Shopee lần đầu tiên có lợi nhuận trong lịch sử 14 năm hoạt động.

Gã khổng lồ Singapore Sea Ltd tiền thân là Garena Interactive Holding Limited (Garena) – nhà phát triển game online được Forrest Li thành lập từ năm 2009.

Sau thành công của tựa game Free Fire, Sea đã mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử, nổi bật là khoản đầu tư vào Shopee. Đáng chú ý, tập đoàn này IPO vào năm 2017 và nhanh chóng trở thành công ty giá trị nhất Đông Nam Á dựa trên tiềm năng mở rộng việc cung cấp game, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính bên ngoài quê nhà Singapore.

Công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee từng là một hiện tượng trên sàn chứng khoán trong thời kỳ đại dịch Covid-19 khi “vọt” lên hơn 200 tỷ USD vốn hóa bất chấp lỗ lớn. Nhưng kể từ đó, mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Giới đầu tư dần quay lưng với các công ty công nghệ thua lỗ trong bối cảnh lạm phát gia tăng và những lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

Năm 2022, các nhà đầu từ của Sea đã phải chịu đựng một trong những năm tàn khốc nhất kể từ khi công ty được thành lập vào năm 2009. "Gã khổng lồ" trong lĩnh vực trò chơi và thương mại điện tử đã mất khoảng 166 tỷ USD giá trị kể từ mức đỉnh điểm vào tháng 10/2021.

Do đó, dù đang nằm bẹp trên giường vì dính Covid-19, người sáng lập kiêm CEO của Tập đoàn Sea vẫn phải gượng dậy, vạch ra một kế hoạch giúp công ty thay đổi vận mệnh. Ông quyết định chuyển hướng từ đốt tiền giành thị phần sang tập trung kiếm lợi nhuận, cắt giảm chi tiêu, rút khỏi thị trường Ấn Độ để tiết kiệm ngân sách.

Tiết kiệm từng xu

Bản kế hoạch được viết trong tình trạng sốt cao và ho dai dẳng của Li dẫn đến cuộc đại tu toàn diện tại Sea trong những tháng tiếp theo.

Nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, trò chơi và công nghệ tài chính có trụ sở tại Singapore đã cắt giảm hơn 7.000 việc làm, tương đương 10% nhân sự. Ngoài ra, Li và đội ngũ lãnh đạo của Sea tự nguyện không nhận lương cho đến khi công ty tự đứng vững được.

Công ty này thậm chí còn đóng băng tiền lương của một số nhân viên và cắt giảm hơn 700 triệu USD từ chi phí bán hàng cũng như tiếp thị trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động. Công ty mẹ Shopee cũng quyết định đóng cửa các chi nhánh ở Ấn Độ và một số nước châu Âu nhằm cắt giảm chi phí và đạt được dòng tiền dương.

Các chuyến bay công tác hạng thương gia bị cấm. Mọi nhân sự của Sea sẽ bay hạng phổ thông dù quãng đường xa đến đâu. Chi phí ăn uống hàng ngày giới hạn 30 USD, và chi phí khách sạn không được vượt quá 150 đô la/đêm trong các chuyến công tác. Sea còn cắt giảm ngân sách tiếp khách để hạn chế nhân viên dùng bữa với các nhà cung cấp hoặc đối tác.

Tại văn phòng, thương hiệu trà xa xỉ TWG được thay thế bằng trà Lipton, đồ ăn vặt cũng biến mất. Trong một số phòng vệ sinh cũng sử dụng giấy vệ sinh một lớp thay vì giấy hai lớp.

“Chúng tôi tiết kiệm từng xu”, Li nói trong cuộc trò chuyện mới đây với Bloomberg tại văn phòng của ông ở Singapore. Đây là cuộc trả lời phỏng vấn báo chí lần đầu tiên của ông sau hơn hai năm.

“Bạn có thể mơ lớn và tham vọng, nhưng sẽ thế nào nếu bạn không thể sống sót? Một vấn đề luôn vang vọng trong đầu bạn là chúng ta có thể sắp hết tiền”, Li nói thêm.

Khoản lãi đầu tiên

Quyết tâm cắt giảm chi phí mạnh mẽ, “tiết kiệm từng xu” của Li đã hái được quả ngọt.

Hồi tháng 3, Sea lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận hàng quí trong lịch sử 14 năm của mình, với lợi nhuận ròng quí 4/2022 đạt 427 triệu đô la Mỹ. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu của Sea đã tăng hơn 10% vào đầu phiên giao dịch tại Mỹ. Đáng chú ý, doanh thu quý IV từ Shopee, đơn vị thương mại điện tử của Sea, tăng 32% lên khoảng 2,1 tỷ USD.

Ngày 8/5 vừa qua, công ty cũng đã thông báo sẽ tăng lương cho hầu hết nhân viên lên 5% so với hiện tại. Nhà sáng lập Sea cho biết công ty đã đạt đến mức “tự cung tự cấp” vì lượng tiền mặt hiện đang tăng lên thay vì giảm đi theo quý, một trong những mục tiêu mà công ty đã đạt được. Hiện tổng mức vốn hóa thị trường của Sea tăng gấp đôi so với tháng 11 năm ngoái, lên mức 48 tỉ USD.

Như nhiều startup công nghệ cùng thời khác, Sea làm ăn thua lỗ nhiều năm. Thực tế, gã khổng lồ này đã lỗ hơn 8 tỷ USD từ khi thành lập để đổi lấy tăng trưởng trong mảng thương mại điện tử (Shopee), game (Garena) và dịch vụ tài chính và thanh toán (SeaMoney). Ít nhất vào lúc này, Sea đã chứng minh được một điều: nếu công việc kinh doanh cốt lõi ổn định, bạn hoàn toàn có thể hòa vốn.

Tuy nhiên, đó vẫn là thách thức đối với các đối thủ cạnh tranh của Sea trong khu vực. Chẳng hạn, Grab Holdings của Singapore vẫn lỗ hơn 300 triệu đô la trong khi GoTo Group của Indonesia lỗ hơn 250 triệu đô la trong quí gần nhất. Theo Amit Kunal, đối tác quản lý tại hãng đầu tư Growtheum Capital, Sea “đọc vị thị trường sớm hơn nhiều và đưa ra những bước đi hợp lý”.

“Ngửi” được mùi nguy hiểm

Theo Bloomberg, nhà sáng lập Li đã “ngửi” được mùi nguy hiểm từ sớm khi ông tổ chức bữa tiệc tối cho nhóm lãnh đạo của Sea tại nhà riêng ở Singapore để đánh dấu sinh nhật lần thứ 44 của mình vào tháng 11/2021.

Công ty mẹ Shopee: Câu chuyện “tiết kiệm từng xu” phía sau khoản lãi đầu tiên trong 14 năm
Forrest Li, người sáng lập kiêm CEO của Tập đoàn Sea.

Họ hoàn toàn có lý do để ăn mừng, bao gồm việc cổ phiếu của Sea tăng giá kỷ lục vào tháng 10, giúp công ty được định giá hơn 200 tỉ USD. Nhờ vào mảng trò chơi trực tuyến Garena và nền thương mại điện tử Shopee tăng trưởng bùng nổ trong thời kỳ dịch bệnh.

Dù vậy, cũng vào buổi tiệc hôm đó, Li nhìn thấy những dấu hiệu đáng ngại. Ông nhận thấy mọi người bắt đầu dành ít thời gian và tiền bạc hơn cho Free Fire, tựa game di động phổ biến với 150 triệu người dùng hàng ngày, khi các lệnh hạn chế Covid được nới lỏng. Bữa tiệc chúc mừng sinh nhật nhanh chóng biến thành cuộc tranh luận về thế giới sẽ thay đổi ra sao sau dịch bệnh.

Đến tháng 2/2022, Ấn Độ đột nhiên cấm game Free Fire cùng nhiều ứng dụng của Trung Quốc khác trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng. Dù Li là công dân Singapore và Sea đặt trụ sở ở đây, nhưng ông xuất thân từ Trung Quốc, còn Tencent Holdings (Trung Quốc) là cổ đông lớn của Sea.

Thị trường bắt đầu quay đầu đúng như những gì nhà sáng lập này lo lắng. Vào tháng 3/2022 khi báo cáo kết quả kinh doanh ra đời với khoản lỗ đều như trước, các nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn và bán tháo cổ phiếu của Sea khiến mã này sụt giá đến hơn 45% chỉ trong 5 ngày.

Li và nhóm lãnh đạo cấp cao buộc phải đặt công ty vào chế độ ứng phó khủng hoảng. Họ bắt đầu tập hợp mỗi tháng để bàn về dự báo dòng tiền, bên cạnh những cuộc họp tuần. Ông tiết lộ, họ đã thông qua 200 phiên bản dự báo tài chính khác nhau trong năm 2022, tương ứng với viết lại ngân sách sau mỗi hai ngày.

Trong thời gian khủng hoảng, Li dùng các thông báo nội bộ để tương tác với nhân viên và giải thích điều ông đang cố đạt được. Chẳng hạn, trong thông báo hồi tháng 9, ông cho biết ban lãnh đạo cấp cao sẽ không nhận lương cho đến khi công ty đạt tự chủ. Ông thừa nhận đây không phải “cơn bão dễ vượt qua” khi các nhà đầu tư đang tìm cho mình các “hầm trú ẩn”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục giảm chi phí. Điều này không chỉ để tiết kiệm mà còn để điều hành doanh nghiệp hiệu quả hơn. Đây sẽ là chính sách dài hạn cho chúng tôi”, Lee nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Theo Bloomberg, nhân viên Sea thậm chí dốc tiền túi để tổ chức các sự kiện tập thể nhằm nâng cao tinh thần.

Dù con đường còn khó khăn, Li không nghi ngờ gì về việc Sea có thể hòa vốn. Con đường của Sea theo những cách nào đó khá giống với Amazon và nhà sáng lập Jeff Bezos.

Amazon liên tục thua lỗ trong những năm đầu tiên sau khi niêm yết cổ phiếu khi Bezos nhấn mạnh rằng đầu tư vào tăng trưởng quan trọng hơn thu nhập hàng quí. Tương tự, Sea đã xây dựng Shopee bằng cách “đốt” hơn một 1 tỉ USD mỗi năm nhằm vượt qua nhà tiên phong thương mại điện tử Tokopedia ở Indonesia và Lazada của Alibaba ở Đông Nam Á.

Khi được hỏi liệu Sea có thể tiếp tục tạo ra lợi nhuận mỗi quí hay không, Li cho biết điều đó không thực sự là vấn đề lớn. Điều quan trọng là Sea đã có thể chứng minh cho nhân viên và nhà đầu tư thấy rằng công ty có thể hòa vốn khi cần thiết. Vì vậy, bây giờ, Sea có thể cân chỉnh tăng trưởng và lợi nhuận tùy thuộc vào các ưu tiên chiến lược.

“Những con số cho thấy số phận đang nằm trong tay chúng tôi. Bây giờ, chúng tôi đã có thể ngủ ngon”, ông trả lời Bloomberg.

Làm ngay điều này nếu tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng đột nhiên phát sinh giao dịch lạ từ Shopee

Doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể chạm mốc 49,9 tỷ USD vào năm 2028

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cong-ty-me-shopee-cau-chuyen-tiet-kiem-tung-xu-phia-sau-khoan-lai-dau-tien-trong-14-nam-183265.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công ty mẹ Shopee: Câu chuyện “tiết kiệm từng xu” phía sau khoản lãi đầu tiên trong 14 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH