Coteccons (CTD) tiếp tục 'phi nước đại', giá trị hợp đồng đấu thầu lên đến 16.000 tỷ đồng
Coteccons (CTD) ghi nhận doanh thu ký mới đạt khoảng 8.559 tỷ đồng, trong đó gần 69% đến từ các dự án “repeat sale” trong quý I năm tài chính 2025.
Vào sáng ngày 19/10, CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) đã tổ chức ĐHĐCĐ lần thứ 21 với chủ đề “Câu chuyện sau những con số”.
Tại Đại hội, ông Trần Ngọc Hải, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Thương Mại và Kỹ thuật đã có những chia sẻ liên quan đến những kết quả ghi nhận được trong năm tài chính 2024.
Năm 2024 được xem là năm phát triển vượt trội của Coteccons với doanh thu thuần đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 30,8% so với năm tài chính 2023. Kết quả, doanh nghiệp mang về 299 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 343%, hoàn thành 104% so với kế hoạch năm. Backlog chuyển qua năm 2025 là 20.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp ghi nhận tỷ lệ thắng thầu đạt 58%, trong khi các năm khác chỉ là 25-30%. Tỷ lệ từ dự án “repeat sale” đạt 38% và dự kiến tiếp tục cải thiện trong các năm tiếp theo. Hiện tại, doanh nghiệp đang có 2.500 kỹ sư, tương ứng mỗi kỹ sư mang về hơn 13 tỷ đồng doanh thu trong năm 2024 cho Coteccons, con số cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Coteccons (CTD) mang về hơn 4.700 tỷ đồng doanh thu trong quý I của năm tài chính 2025 |
Trong năm tài chính năm 2025(1/7/2024 - 30/6/2025), Coteccons xây dựng kế hoạch doanh thu thuần 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 39% so với niên độ trước đó. Hợp đồng ký mới hơn 28.000 tỷ đồng với mục tiêu tỷ lệ 70% từ dự án "repeat sale".
Bên cạnh đó, ông Hải cũng hé lộ tình hình kinh doanh quý I niên độ 2024 - 2025. Theo đó, ban lãnh đạo cho biết doanh thu ước đạt khoảng hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Doanh thu ký mới đạt khoảng 8.559 tỷ đồng, trong đó gần 69% đến từ “repeat sale”. Giá trị hợp đồng đang tham gia đấu thầu lên đến 16.000 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa đến từ các chủ đầu tư đã hợp tác.
Về chiến lược mở rộng ra thị trường nước ngoài, Coteccons tiếp tục hợp tác với các đối tác đã làm việc tại Việt Nam cũng như tìm kiếm thị trường tiềm năng, thiết lập liên minh với doanh nghiệp địa phương hoặc các công ty quốc tế. Tuy nhiên, hành trình này không dễ dàng do gặp phải rào cản về ngôn ngữ, địa lý và văn hóa.
Dự kiến, chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế có thể kéo dài từ 1-3 năm hoặc lâu hơn nhưng Coteccons vẫn kiên định với chiến lược "chậm mà chắc", không nóng vội nhằm đặt nền móng bền vững tại các thị trường mới.
Trong 2-3 năm qua, nợ xấu của Coteccons chủ yếu đến từ các dự án trước đây và đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Công ty đã có các phương án đối phó và không để ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Trong năm 2025, doanh nghiệp dự kiến kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi công nợ, không gia tăng giá trị trích lập dự phòng cũng như nợ xấu. Công ty kỳ vọng có thể thu hồi 100 tỷ đồng từ các khoản công nợ trước đó.
>> Coteccons (CTD) đặt nền móng tại 3 quốc gia châu Á, thúc đẩy chiến lược mở rộng quy mô toàn cầu
Coteccons (CTD) tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo đón đầu cho chiến lược phát triển 5 năm
Nợ xấu tại Coteccons (CTD) 'phình to', đạt mức 2.243 tỷ đồng