Quốc gia châu Á 'vật lộn' với gần 9 triệu ngôi nhà bỏ hoang, nhiều chủ sở hữu thà để hoang còn hơn tốn tiền phá dỡ
Đến năm 2033, mỗi hộ gia đình ở quốc gia này có thể có một "ngôi nhà ma" ngay bên cạnh.
Hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang tại Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ biến thành những khu phố ma hoặc bãi rác khổng lồ, ngay cả tại các đô thị sầm uất. Theo đó, đây là một hậu quả dễ thấy nhất của tình trạng dân số già hóa nhanh chóng ở quốc gia châu Á này.
Cụ thể, Nhật Bản hiện có 8,9 triệu ngôi nhà trống hay "nhà ma", chiếm 10,3% tổng số nhà ở. Những "ngôi nhà ma" này bao gồm bất động sản không có người thuê suốt nhiều năm hoặc đã bị chủ sở hữu từ bỏ hoàn toàn.
Theo một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Nomura (NRI), đến năm 2033, mỗi hộ gia đình ở Nhật Bản có thể có một "ngôi nhà ma" ngay bên cạnh. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, bao gồm thuế thừa kế cao, chi phí phá dỡ nhà bỏ hoang đắt đỏ và gánh nặng thuế đối với đất đai có ít triển vọng bán, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn thưa dân.
Trong đó, đáng chú ý, do chính sách thuế của Nhật Bản đánh rất nặng lên những khu đất trống nhằm chống đầu cơ bất động sản nên nhiều chủ sở hữu thà giữ lại căn nhà hoang còn hơn tốn tiền dỡ bỏ và tái xây dựng.
Taeko Chiba, một trong năm viên chức tại quận Setagaya – khu dân cư đông đúc của Tokyo với gần một triệu người sinh sống, cho biết: "Khi nhận được khiếu nại từ cư dân về một ngôi nhà bỏ hoang, chúng tôi phải nỗ lực xác định chủ sở hữu hoặc người thừa kế của nó". Tuy nhiên, ngay cả khi đã tìm thấy chủ sở hữu, việc thuyết phục họ đẩy nhanh quá trình phá dỡ cũng không hề dễ dàng, nhất là khi thuế đất tăng cao nếu khu đất bị bỏ trống quá lâu.
Theo Wataru Sakakibara, chuyên gia tại NRI, tình trạng nhà hoang ở Nhật Bản không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn bắt nguồn từ văn hóa "bỏ đi và đổi mới" đã ăn sâu trong xã hội. Bắt nguồn từ vị trí địa lý đất nước là một quần đảo núi lửa dễ xảy ra thiên tai, Nhật Bản có xu hướng xây dựng những ngôi nhà gỗ hai tầng có tuổi thọ ngắn, thường được thay thế sau khoảng 30 năm, góp phần làm gia tăng số lượng bất động sản bị bỏ hoang.
"Để ngăn chặn sự gia tăng của những ngôi nhà bỏ trống, phải ngăn chặn sự suy giảm tỷ lệ sinh", Sakakibara nhận định. Vị chuyên gia này cũng kết luận vòng đời ngắn ngủi của những ngôi nhà Nhật Bản đã tạo ra một thị trường bất động sản trị giá hàng triệu USD "khó thay đổi".
Thực tế, Nhật Bản đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số nghiêm trọng. Năm 2022, số ca sinh tại nước này chỉ đạt gần 770.000 – mức thấp kỷ lục. Theo dự báo của Đại học Keio, dân số Nhật Bản có thể giảm từ 125 triệu xuống còn 88 triệu vào năm 2065, tương đương mức sụt giảm 30%.
Dù chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn đà suy giảm dân số trong suốt nhiều thập kỷ – từ trợ cấp cho các cặp đôi trẻ kết hôn đến việc phát triển ứng dụng hẹn hò – nhưng hiệu quả vẫn rất hạn chế.
Một trong những nguyên nhân chính là sự thay đổi trong vai trò của phụ nữ. Ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, trong khi định kiến giới vẫn còn tồn tại, khiến họ do dự trước áp lực kết hôn và sinh con. Điều này tiếp tục kéo tỷ lệ sinh xuống thấp, đặt Nhật Bản trước bài toán nan giải về dân số và bất động sản trong tương lai.
>> Người dân khắp thế giới đang đổ xô đến Nhật Bản mua những ngôi nhà hoang