Cú sập của chuỗi buffett nổi tiếng và hồi kết buồn cho một ngành từng tăng trưởng 3.000%
Từ áp lực chi phí bất động sản, biên lợi nhuận thấp cho đến cuộc đua mở rộng quy mô thiếu kiểm soát, liệu đây có phải dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng toàn diện của ngành kinh doanh ẩm thực?
"Ngành nhà hàng là một kênh đầu tư đầy rủi ro, hơn một nửa trong số đó phá sản chỉ trong vòng 6 tháng" - câu thoại từ nhân vật Charles Grodin trong bộ phim Midnight Run năm 1988 dường như đang phản ánh chính xác thực trạng của ngành ẩm thực tại Mỹ ngày nay.
Bong bóng ngành nhà hàng
Sau đại dịch Covid-19, giới đầu tư đã đổ hàng tỷ USD vào lĩnh vực nhà hàng với kỳ vọng nhu cầu ăn uống của người dân sẽ bùng nổ trở lại. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh đây là một bài toán khó hơn tưởng tượng.
Hàng loạt thương hiệu nổi tiếng như Red Lobster, TGI Fridays hay Smokey Bones đã phải nộp đơn phá sản hoặc đóng cửa, báo hiệu một "quả bong bóng" nhà hàng bắt đầu xì hơi.
Theo dữ liệu từ PitchBook, các khoản đầu tư vốn tư nhân vào nhà hàng bình dân đã tăng chóng mặt từ 7,7 triệu USD vào năm 2013 lên 231 triệu USD năm 2023 - mức tăng gần 3.000%.
Chỉ riêng năm 2024, Blackstone đã mua lại 1.400 cửa hàng Tropical Smoothie Cafe và nắm cổ phần lớn tại Jersey Mike's, đẩy định giá chuỗi này lên hàng tỷ USD. Sycamore Partners trong khi đó thâu tóm tới 250 địa điểm Playa Bowls, còn chuỗi nhà hàng Địa Trung Hải Cava huy động gần 750 triệu USD trước khi IPO thành công vào năm 2023.
Bên cạnh đó, các "ông lớn" như SoftBank Vision Fund cũng bơm hàng trăm triệu USD vào các startup công nghệ phục vụ ngành nhà hàng trong thập kỷ qua, góp phần làm bùng nổ các thương hiệu như Chipotle, Shake Shack và Sweetgreen. Từ năm 2009 đến 2018, số lượng nhà hàng bình dân ở Mỹ đã tăng gấp đôi trong khi doanh số tăng gần gấp ba.
Tuy nhiên, "câu chuyện cổ tích" này không kéo dài mãi. Chuỗi nhà hàng nổi tiếng Red Lobster đã tuyên bố phá sản sau 10 năm dưới sự điều hành của quỹ đầu tư tư nhân. Không sở hữu bất động sản như McDonald's, các chuỗi nhà hàng bình dân chủ yếu dựa vào dịch vụ ăn uống. Khi thị trường khó khăn, việc bán tài sản và thuê lại mặt bằng đã đẩy họ vào ngõ cụt với chi phí ngày một tăng cao.
Trong ngành ẩm thực, những chuỗi nhà hàng bình dân phải cạnh tranh khốc liệt với chuỗi thức ăn nhanh. Ví dụ, tại Manhattan, một chiếc burger phô mai Burger King chỉ có giá 3,40 USD, rẻ hơn nhiều so với burger Shake Shack (7,79 USD) mà chất lượng không quá khác biệt.
Giáo sư Alex M. Susskind tại Đại học Cornell nhận xét: "Các chuỗi đồ ăn nhanh đang cung cấp trải nghiệm bữa ăn tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với nhà hàng bình dân".
Đồng thời, khả năng hoàn vốn nhanh chóng của chuỗi thức ăn nhanh cũng khiến nhà đầu tư chuyển hướng. Business Insider cho biết Chipotle chỉ mất khoảng 18 tháng để hoàn vốn xây dựng nhưng Cheesecake Factory lại phải mất đến 5 năm.
Biên lợi nhuận của chuỗi đồ ăn nhanh đạt 10-15% trong khi các nhà hàng bình dân chỉ khoảng 5-8%, CEO Chris Macksey của Prix Fixe Accounting tiết lộ. Điều này càng khiến giới đầu tư nản lòng.
Bất động sản: Cốt lõi của vấn đề
Nhà phân tích từ Business Insider giải thích, nguồn lợi nhuận chính của các thương hiệu nhà hàng lớn không đến từ việc bán đồ ăn mà là từ bất động sản. Mục tiêu chính của họ không phải làm giàu cho cộng đồng mà là tìm kiếm những người thuê tiềm năng có khả năng trả mức giá thuê cao nhất.
Trong lĩnh vực bất động sản nhà hàng, điều này đồng nghĩa với việc các thương hiệu thức ăn nhanh và nhà hàng bình dân cần huy động lượng vốn lớn để mua hoặc thuê bất động sản. Những thương hiệu này tập trung vào việc quảng bá hình ảnh để nâng giá trị đất đai, chứ không phải tối ưu doanh số bán món ăn từ từng chi nhánh.
"Các chuỗi nhà hàng thường mải mê đánh bại đối thủ trong cuộc chiến mở rộng, nhưng họ không thực sự quan tâm đến lợi nhuận từ ngành ẩm thực. Mục tiêu sâu xa của họ là cạnh tranh trong lĩnh vực bất động sản nhà hàng", chuyên gia Talia Berman của công ty tư vấn dịch vụ khách sạn Friend of Chef nhận định.
Điều này đã trở thành "điểm yếu chí mạng" của những thương hiệu lớn như Red Lobster, dẫn đến việc phải nộp đơn phá sản dù sở hữu 719 chi nhánh trên toàn thế giới.
Năm 2014, trước tình trạng doanh thu sụt giảm và áp lực từ các nhà đầu tư, tập đoàn Darden buộc phải bán Red Lobster cho Golden Gate Capital – một công ty cổ phần tư nhân với mức giá 2,1 tỷ USD.
Golden Gate sau đó lại không đủ tiền mặt để hoàn tất thương vụ và buộc phải thế chấp rồi bán lại bất động sản của Red Lobster. Kết quả, Red Lobster phải thuê lại mặt bằng với chi phí cao ngất ngưởng, đẩy chuỗi này vào tình thế ngày càng thua lỗ.
Giám đốc Eileen Appelbaum của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (CEPR) nhấn mạnh: "Ngày tận thế của một thương hiệu nhà hàng sẽ đến khi họ bán hết bất động sản, rồi phải thuê lại với chi phí đắt đỏ trong bối cảnh lãi suất cao và kinh tế khó khăn".
Đúng như dự báo, Golden Gate đã phải bán 25% cổ phần Red Lobster cho Thai Union (Thái Lan) vào năm 2016 với giá 575 triệu USD. Phần còn lại được chuyển nhượng cho nhóm nhà đầu tư Seafood Alliance, cũng đến từ Thái Lan.
Đến năm 2021, Red Lobster tiếp tục phải đảo nợ với Fortress Investment Group, cho thấy tình hình tài chính vẫn không cải thiện. Đến cuối năm 2023, các nhà đầu tư Thái Lan nản lòng và tìm cách thoái vốn, đẩy thương hiệu này đến bờ vực phá sản.
Mở rộng quy mô nhưng “mất chất”
Theo chuyên gia Talia Berman, một yếu tố khác đẩy các nhà hàng đến bờ vực sụp đổ chính là sự buông lỏng kiểm soát chất lượng trong cuộc đua mở rộng quy mô.
Để chứng minh sức hấp dẫn với nhà đầu tư, nhiều chuỗi chấp nhận thuê mặt bằng giá cao để tăng doanh thu, dù biên lợi nhuận ngày càng teo tóp.
CEO Thomas Crosby của chuỗi Pal's Sudden Service có 31 cửa hàng tại Tennessee nhận định: "Khi bạn lái xe trên đường và nhìn thấy hàng loạt biển hiệu nhà hàng na ná nhau, đó là vì chúng đã đánh mất bản sắc riêng. Liệu các nhà hàng vội vã mở rộng quy mô có thể đảm bảo nhân viên phải làm một miếng khoai tây chiên hoàn hảo dài 3,7 inch hay không?".
Khi quá chú trọng lợi ích nhà đầu tư mà xem nhẹ chất lượng dịch vụ, giá trị thương hiệu sẽ dần suy giảm. Hậu quả là thực khách quay lưng, doanh thu sụt giảm, và giá thuê bất động sản cũng khó duy trì ở mức cao.
Giáo sư Susskind của Đại học Cornell dự đoán sự bùng nổ đầu tư vào các nhà hàng bình dân cuối cùng cũng sẽ sụp đổ nếu doanh nghiệp chỉ tập trung làm hài lòng cổ đông.
Chiến dịch "ăn tôm hùm thả ga" của Red Lobster là một ví dụ điển hình. Thay vì chỉ diễn ra trong 6 tuần như kế hoạch, nhà hàng này lại liều lĩnh kéo dài chiến dịch thành "tôm hùm bất tận" – một bước đi sai lầm trong bối cảnh chi phí ngày càng gia tăng.
Không chỉ Red Lobster, nhiều chuỗi nhà hàng khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. BurgerFi (93 chi nhánh) từng nhận 80 triệu USD đầu tư nhưng đã vỡ nợ 51 triệu USD và nộp đơn phá sản vào tháng 9/2024.
Mod Pizza mở rộng chóng mặt với 512 chi nhánh và 12.000 nhân viên sau khi gọi vốn 334 triệu USD trong giai đoạn 2015-2019. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, chuỗi này đã phải đóng cửa hơn 40 địa điểm.
Sự phá sản của Red Lobster có thể chỉ là dấu hiệu khởi đầu cho làn sóng "vỡ bong bóng" của ngành nhà hàng. Khi quá phụ thuộc vào bất động sản và đầu tư mở rộng hào nhoáng mà lơ là chất lượng cốt lõi, nhiều thương hiệu lớn sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Cuộc khủng hoảng này đặt ra câu hỏi: Ngành kinh doanh ẩm thực liệu có đang đi vào ngõ cụt, và đâu là hướng đi bền vững để tồn tại?
Theo Business Insider
>> Hơn 9.000 công ty tại siêu cường top đầu châu Á xin phá sản, chuyện gì đã xảy ra?