Thế giới

Khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng cùng loạt dữ liệu kinh tế không đạt kỳ vọng: Chuyện gì đang xảy ra tại nền kinh tế số một châu Á?

Tú Linh 16/12/2024 - 10:33

Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc cam kết áp dụng các công cụ tài khóa chủ động và các chính sách tiền tệ có phần "lỏng lẻo" vào năm tới, đồng thời tích cực nâng cao tiêu dùng nội địa và kích thích nhu cầu trên mọi lĩnh vực.

Doanh số bán lẻ tháng 11 của Trung Quốc không đạt kỳ vọng

Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) nước này công bố hôm 16/12. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với dự báo 4,6% trong cuộc thăm dò của Reuters.

Con số tăng trưởng này cũng giảm mạnh so với mức 4,8% của tháng trước đó. Trong tháng 10, doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 2, nhờ vào lễ hội mua sắm Ngày độc thân diễn ra sớm hơn hơn một tuần so với năm 2023.

Đầu tư vào bất động sản trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 tiếp tục giảm sâu, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước, sau mức giảm 10,3% được báo cáo cho giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10.

Sản xuất công nghiệp "khởi sắc"

Sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 5,4% so với năm trước, vượt dự báo 5,3% của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters và nhanh hơn mức tăng 5,3% của tháng trước.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía trong năm nay. Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, rủi ro nợ chính quyền địa phương và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Đầu tư tài sản cố định của 11 tháng đầu năm tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo 3,4%. Con số này từng đạt 3,4% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10.

Tỷ lệ thất nghiệp đối với người trên 16 tuổi ở khu vực thành thị duy trì ở mức 5%, không thay đổi so với tháng 10.

Khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng cùng loạt dữ liệu kinh tế không đạt kỳ vọng: Chuyện gì đang xảy ra tại nền kinh tế số một châu Á? - ảnh 1
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 3% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo 4,6% trong cuộc thăm dò của Reuters

Vài ngày sau khi công bố số liệu thất nghiệp chung, Trung Quốc thường công bố một bộ số liệu riêng về tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16-24 tuổi, loại trừ sinh viên. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao, đạt 17,1% vào tháng 10 và 17,6% vào tháng 9, sau khi đạt mức cao kỷ lục 18,8% vào tháng 8.

Phục hồi chậm chạp

Tuần trước, trong các cuộc họp chính sách kinh tế cấp cao, lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cấp bách trong việc vực dậy nền kinh tế, đồng thời chuyển trọng tâm chính sách sang thúc đẩy tiêu dùng, chuẩn bị cho khả năng căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Các quan chức hàng đầu cam kết áp dụng các công cụ tài khóa chủ động và các chính sách tiền tệ có phần "lỏng lẻo" vào năm tới, đồng thời tích cực nâng cao tiêu dùng nội địa và kích thích nhu cầu trên mọi lĩnh vực, theo Tân Hoa Xã.

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công nhận rằng chính sách tiền tệ cần phải nới lỏng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Kể từ cuối tháng 9, Bắc Kinh đã tăng cường các biện pháp kích thích nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu, bao gồm nhiều đợt cắt giảm lãi suất và nới lỏng các quy định mua bất động sản.

Về mặt tài chính, Bộ Tài chính nước này đã công bố một chương trình trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) trong 5 năm để giải quyết các vấn đề nợ của chính quyền địa phương.

Áp lực giảm phát

Tuy nhiên, các số liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc tiếp tục cho thấy áp lực giảm phát vẫn tồn tại.

Lạm phát tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng vào tháng 11, với giá bán lẻ chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá sản xuất tiếp tục xu hướng giảm, đánh dấu tháng giảm thứ 26 liên tiếp.

Nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm 3,9% do nhu cầu tiêu dùng trì trệ, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm 2023, trong khi xuất khẩu tăng 6,7%, thấp hơn kỳ vọng.

Theo CNBC, các biện pháp kích thích của Bắc Kinh được công bố đến nay vẫn chưa nhắm trực tiếp vào việc thúc đẩy tiêu dùng.

Theo CNBC

>> Trung Quốc bất ngờ gặp gỡ hàng loạt 'ông lớn' phố Wall trước khi ông Trump nhậm chức: Chuyện gì đang xảy ra?

Trung Quốc đạt được bước đột phá trong điều trị viêm gan B, mang đến hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân

Trung Quốc đẩy mạnh đàm phán, sẵn sàng ‘phản đòn’ thuế quan của ông Trump?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/khung-hoang-bat-dong-san-ngay-cang-tram-trong-cung-loat-du-lieu-kinh-te-khong-dat-ky-vong-chuyen-gi-dang-xay-ra-tai-nen-kinh-te-so-mot-chau-a-132417.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng cùng loạt dữ liệu kinh tế không đạt kỳ vọng: Chuyện gì đang xảy ra tại nền kinh tế số một châu Á?
    POWERED BY ONECMS & INTECH