Cục Hàng hải hé lộ nguyên nhân giá dịch vụ vận tải container đường biển 'leo thang'
Giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ bắt đầu tăng cao trở lại từ đầu năm 2024.
Sau khi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp cảng biển container, các hãng tàu vận tải container, đại lý hãng tàu lớn, mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển và hoạt động vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu.
Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ bắt đầu tăng cao trở lại (kể từ sau đại dịch Covid-19) từ đầu năm 2024, mức giá đạt đỉnh vào cuối tháng 1/2024.
Sang tháng 2/2024, giá cước đã giảm dần và đạt mức giá thấp nhất vào ngày 25/4, giảm 32% so với tháng 1/2024. Đến tháng 5/2024, mức giá lại tiếp tục tăng nhanh trở lại, hiện tại mức giá cao hơn 17% so với thời điểm tháng 1/2024 và bằng 45% so với mức giá đỉnh điểm tại thời kỳ đại dịch (tháng 9/2021).
Giá cước vận chuyển hàng hóa container từ châu Á đi châu Âu và Mỹ có mức tăng lớn nhất, tuy nhiên, chiều từ châu Mỹ, châu Âu về châu Á và các tuyến vận tải nội Á gần như không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể.
>> Doanh nghiệp Trung Quốc 'chạy deadline' đẩy giá cước lên trời, cổ phiếu vận tải biển sôi sục
Lý giải về nguyên nhân, Cục Hàng hải cho biết, do thị trường bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột vũ trang tại Biển Đỏ dẫn đến tàu thuyền phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, hành trình tàu phải kéo dài hơn 10-14 ngày so với trước; sự tắc nghẽn cục bộ tại cảng Singapore (cảng container có sản lượng lớn thứ 2 thế giới) dẫn đến tàu thuyền phải chờ đợi.
Ảnh minh hoạ
Theo báo cáo của các hãng tàu, sản lượng hàng hoá từ Trung Quốc đi châu Mỹ tăng cao trong vài tháng trở lại đây và dự báo tiếp tục tăng đến tháng 8/2024, nhu cầu hàng hoá tăng cao trong khi hành trình tàu biển bị kéo dài dẫn đến giá cước bị đẩy tăng cao đột biến.
Ngoài ra, tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp đặt chỗ từ chủ hàng Việt Nam thấp, chủ yếu khách hàng Việt Nam theo hình thức mua CIF bán FOB (giao nhận hàng tại cầu cảng Việt Nam) khoảng trên 80%, nên việc ký hợp đồng vận tải và trả giá cước vận tải thường do đối tác nước ngoài đảm nhận. Riêng tuyến đi châu Mỹ, tỷ lệ đặt chỗ tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10%.
>> Giá cước tàu biển tăng 2-3 lần chỉ trong 3 tháng
Để tránh bị ảnh hưởng bởi biến động giá cước và lịch trình vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết là sẽ làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, khuyến khích các hiệp hội nâng cao năng lực, tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, tổng hợp sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng sẽ kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Công thương chỉ đạo Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao vai trò hiệp hội, định hướng hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp thành viên, là đầu mối tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng vận tải dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu rủi ro về biến động giá.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hoá container xuất nhập khẩu thông qua cảng biển Việt Nam đạt 7,56 triệu TEU, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm là 5,5%.
>> Hàng hóa thế giới 'mắc kẹt' ở siêu cảng Singapore, giá cước vận tải tăng trở lại