Chọn danh mục

Cục Hàng không chỉ ra 5 lý do khiến giá vé máy bay tăng cao

Ngọc Hà 06/05/2024 - 17:50

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, giá vé trung bình trên một số đường bay tăng so với cùng kỳ năm 2023, song vẫn nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định và chỉ ra những lý do khiến giá vé trở nên đắt đỏ.

Tăng nhưng vẫn dưới giá quy định

Báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải về tình hình giá vé máy bay nội địa 4 tháng đầu năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không nội địa tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, giá vé máy bay vẫn nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.

Cục Hàng không Việt Nam dẫn chứng, với đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways tăng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

So với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa gồm thuế, phí), giá vé trung bình của các hãng hàng không chỉ ở mức từ 44,1-77,6%.

W-hang-khong-san-bay-noi-bai-nghi-le-30-4-1-5-21-1.jpg
Lượng khách nội địa đi bằng đường hàng không giảm trong quý I/2024 một phần do giá vé máy bay tăng cao. Ảnh: Thạch Thảo

Đối với đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đi/đến Đà Nẵng, giá vé trung bình của các hãng bay trong nước chỉ ở mức từ 38-62% so với giá quy định (2,89 triệu đồng, chưa gồm thuế, phí).

Tương tự như vậy, với đường bay Hà Nội - Phú Quốc, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,7 triệu đồng (tăng 13,8%), Vietjet xấp xỉ 1,8 triệu đồng (tăng 49,6%). So với mức giá tối đa theo quy định (4 triệu đồng), giá vé trung bình của các các hãng chỉ từ 45-68%.

Với đường bay Hà Nội - Nha Trang, giá vé trung bình cũng ở mức từ 42,6%-60,8% so với giá quy định (3,4 triệu đồng).

Việc giá vé máy bay tăng cao đột biến trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Cục Hàng không Việt Nam lý giải, là do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Khách đặt sớm sẽ mua được vé ở dải giá thấp, số còn lại đặt muộn, sát ngày bay thì mua giá đắt hơn.

Đặc biệt, có những thời điểm khi đường bay đã lấp đầy thì việc mua được vé sẽ càng khó, giá vé sẽ càng cao, nhất là những chặng nóng tới các điểm du lịch nổi tiếng như từ Hà Nội đi Huế, Quy Nhơn, Quảng Bình, Nha Trang, Tuy Hòa, Điện Biên; từ TP.HCM đi Đà Lạt, Tuy Hòa, Phú Quốc, Điện Biên,… khi tỷ lệ đặt chỗ cho ngày đi (27/4) và ngày về (1/5) đều đạt hơn 90%.

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, so giá vé máy bay nội địa Việt Nam và một số nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, nhìn chung, giá vé/km trên các chặng nội địa của Vietnam Airlines đang áp dụng ở mức tương đương các hãng trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn thấp hơn đáng kể so với các hãng châu Âu và Bắc Mỹ.

5 lý do đẩy giá vé máy bay tăng cao

Theo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay nội địa tăng là trong xu hướng tăng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính: giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất làm thiếu hụt tàu bay và tình hình cung - cầu vận tải hàng không.

Về giá nhiên liệu, Cục Hàng không Việt Nam dẫn số liệu cập nhật của Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) cho hay, giá nhiên liệu Jet-A1 khu vực châu Á ngày 26/4 là 100,25 USD/thùng.

Theo tính toán, với biến động của giá nhiên liệu bay và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 4/2024 của các hãng hàng không tăng trên 74% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 53% so với tháng 8/2015 (thời điểm ban hành quy định về khung giá vận chuyển trên chặng bay nội địa).

Mức giá này tương đương cùng kỳ năm ngoái, song do tỷ giá biến động mạnh, tăng 8% so với tháng 4/2023 nên chỉ tính riêng biến động tỷ giá đã khiến chi phí của các hãng hàng không tăng gần 6% so với cùng kỳ (chi phí có gốc ngoại tệ của các hãng hàng không chiếm khoảng 75% tổng chi phí).

Thứ hai, do chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ. Xét về yếu tố đầu vào, so với năm 2019, giá nhiên liệu trong quý I/2024 đã tăng 28 USD/thùng, tương đương 38,2% chi phí, qua đó làm chi phí khai thác toàn mạng phát sinh thêm 1.409 tỷ đồng.

Tính ra, trong 3 tháng đầu năm nay, mỗi 1 USD giá nhiên liệu tăng sẽ làm chi phí chuyến bay tăng thêm 56,7USD. Cùng với tỷ giá VND/USD tăng 1.300 đồng (tương đương 5,6%) so với năm 2019, dẫn đến chi phí hoạt động vận tải hàng không phát sinh thêm khoảng 823 tỷ đồng.

Chưa kể, nhiều chi phí vận hành hoạt động của hãng hàng không (thuê tàu bay, giá điều hành bay quốc tế,... ) được thanh toán bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD) dẫn đến tăng chi phí.

Thứ ba, do biến động giảm về đội tàu bay. Đến ngày 2/5, tổng số tàu bay của các hãng hàng không nội địa là 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023. Trong đó, chỉ có 165-170 tàu bay đang khai thác, giảm khoảng 40-45 tàu bay so với bình quân năm 2023.

Việc sụt giảm số lượng tàu bay của các hãng hàng không là do nhà sản xuất động cơ triệu hồi để kiểm tra và sửa chữa. Hơn 40 tàu bay A321 của Vietnam Airlines và Vietjet Air phải dừng khai thác từ tháng 1/2024 và năm 2025, mất 140-160 ngày để sửa chữa thay vì 75 ngày như năm.

Trong khi đó, theo kế hoạch, năm 2024 Vietjet Air không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào, Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 tàu bay B787 vào tháng 6-7/2024 còn các hãng khác đều thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch.

Pacific Airlines và Bamboo Airways đang trong quá trình tái cơ cấu đội tàu bay nên hiện Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào (giảm 10 tàu), còn Bamboo Airways chỉ khai thác 5 tàu (giảm 25 tàu so với năm 2023).

Ngoài ra, giá thuê động cơ năm nay tăng gấp đôi và giá phụ tùng vật tư tăng cũng từ 10-13% so với thời điểm trước năm 2019.

Do nhu cầu đi lại tăng mạnh trong dịp cao điểm lễ, tết, trong khi cung giảm do thiếu tàu bay là nguyên nhân khiến giá vé biến động tăng. Cục Hàng không Việt Nam dự báo, với tình trạng chênh lệch cung cầu này, giá vé máy bay tiếp tục tăng khi vào cao điểm hè 2024.

Trước đó, do tình trạng vé máy bay tăng cao ngất ngưởng, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thanh tra, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng. Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo Bộ, Cục Hàng không Việt Nam không đề cập tới việc giá vé máy bay đắt được cho là bởi các hãng hàng không đang phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

3 tháng đầu năm 2024, sản lượng của các hãng bay trong nước đạt hơn 13 triệu khách, giảm 5% so cùng kỳ 2023. Trong đó, vận chuyển nội địa đạt hơn 8,5 triệu, giảm 18%; vận chuyển quốc tế đạt 4,5 triệu khách, tăng 35,5% so cùng kỳ 2023.
Trước tình trạng các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu cao, tình hình nâng cấp đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng tàu bay, thiếu hụt nhân lực, giá phục vụ tại các cảng hàng không,... tiếp tục diễn ra, FCM Consulting dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và còn tăng.

Kiểm tra hoạt động bán vé máy bay của các hãng hàng không từ ngày mai (7/5)

Bộ Tài chính lý giải lí do giá vé máy bay tăng cao

Giá vé máy bay tăng cao có phải do thuế, phí?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cuc-hang-khong-chi-ra-5-ly-do-khien-gia-ve-may-bay-tang-cao-2277701.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cục Hàng không chỉ ra 5 lý do khiến giá vé máy bay tăng cao
    POWERED BY ONECMS & INTECH