Cúm A lan rộng, giá thuốc Tamiflu tăng chóng mặt vẫn cháy hàng, bác sĩ cảnh báo khi tự ý sử dụng
Số ca mắc cúm A từ đầu tháng 2 năm nay đã tăng mạnh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Dịch cúm A lan rộng khiến thuốc Tamiflu trở thành mặt hàng khan hiếm tại Hà Nội, giá thuốc bị đẩy lên cao, chênh lệch lớn giữa các nhà thuốc. Các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ khi tự ý sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
Ghi nhận tại nhiều nhà thuốc ở Hà Nội, Tamiflu trở nên khan hiếm, nhiều nơi không có hàng hoặc chỉ bán với giá cao. Anh Đức (30 tuổi, Hà Nội) cho biết sau khi xét nghiệm dương tính với cúm A, anh phải tìm kiếm nhiều nơi mới mua được Tamiflu với giá 75.000 đồng/viên, tương đương 750.000 đồng/hộp 10 viên. “Biết là đắt nhưng không còn cách nào khác, tôi phải mua để điều trị”, anh chia sẻ.
Các nhà thuốc trên phố Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), Trung Kính, Duy Tân (Cầu Giấy) đều báo hết hàng hoặc yêu cầu khách đặt trước vài ngày. Chị Nguyễn Hương, nhân viên một nhà thuốc trên phố Đại Mỗ, cho biết: “Tamiflu hiện rất khó nhập, giá nhập cao do tổng đại lý cũng hạn chế nguồn hàng.” Nhà thuốc của chị đang bán với giá 50.000 đồng/viên, hàng nhập từ Nga, nhưng vẫn khó mua.
![]() |
Thuốc Tamiflu đang được nhiều người tìm mua. Ảnh minh hoạ |
>> Mặt hàng Việt Nam ê hề, Nhật Bản cạn kiệt nguồn cung, phải xả kho dự trữ khẩn cấp
Trong khi đó, một số nhà thuốc khác bán với giá cao hơn. Một hiệu thuốc trên phố Đại Mỗ chào giá 75.000 đồng/viên, khẳng định đây là hàng nhập từ Pháp. Nhân viên tại đây lý giải: “Thuốc khan hiếm, giá cao là do bên phân phối đẩy giá lên, không phải nhà thuốc”.
Theo khảo sát, tại một số nhà thuốc trên đường Láng Hạ, Đống Đa, Giải Phóng (đối diện Bệnh viện Bạch Mai), giá Tamiflu dao động từ 52.000 - 83.000 đồng/viên. Một số nơi còn báo giá lên đến 850.000 đồng/hộp mà không yêu cầu đơn thuốc.
Nhân viên tại một nhà thuốc lớn trên đường Láng Hạ cho biết: “Giá thuốc đã tăng 10.000 đồng/viên so với tuần trước, hiện là 83.000 đồng/viên. Thuốc nhập khẩu chính ngạch từ Thụy Điển, hàng rất hiếm”.
Trên mạng xã hội, thuốc Tamiflu cũng được rao bán tràn lan. Trong nhóm "Hội nhà thuốc, quầy thuốc Việt Nam" trên Facebook, nhiều tài khoản đăng bài bán Tamiflu với giá dao động từ 489.000 - 515.000 đồng/hộp, không cần đơn thuốc, giao tận nơi.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, từ đầu năm 2025, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 500 ca cúm A, trong đó có nhiều trường hợp phải nhập viện do biến chứng viêm phổi. “Số ca mắc cúm A từ đầu tháng 2 đã tăng mạnh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước”, TS Hằng cho biết.
Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu là trẻ nhỏ và người cao tuổi, trong đó nhiều trường hợp có biến chứng viêm phổi thùy, phải điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ Hằng cảnh báo nếu không phát hiện sớm, viêm phổi có thể gây xơ phổi, tổn thương phổi, làm phức tạp quá trình điều trị.
Bệnh viện Xanh Pôn đã triển khai khu vực khám riêng cho bệnh nhân cúm để tránh lây nhiễm. Bác sĩ Hằng khuyến cáo người dân có triệu chứng sốt, ho, viêm đường hô hấp cần đến bệnh viện để thăm khám, xét nghiệm sàng lọc cúm A, sởi hoặc rubella.
Theo BS Lê Văn Thiệu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir, là thuốc kê đơn chỉ dùng trong trường hợp cúm có nguy cơ biến chứng nặng. Việc tự ý sử dụng có thể dẫn đến kháng thuốc và ảnh hưởng sức khỏe.
Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đều khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc kháng virus khi có chỉ định của bác sĩ. Đa phần các trường hợp nhiễm cúm đều có thể tự khỏi mà không cần Tamiflu.
“Việc điều trị chủ yếu là kiểm soát triệu chứng, theo dõi dấu hiệu nặng để can thiệp kịp thời”, BS Thiệu nhấn mạnh. Ông khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng như sốt, đau họng, chảy nước mũi nên đến cơ sở y tế để thăm khám thay vì tự ý mua thuốc điều trị.
>> 8 nhóm sản phẩm sẽ bắt buộc truy xuất nguồn gốc: Doanh nghiệp cần lưu ý
Mặt hàng Việt Nam ê hề, Nhật Bản cạn kiệt nguồn cung, phải xả kho dự trữ khẩn cấp
Phó Thủ tướng ra yêu cầu ‘nóng’ sau vụ bát phở giá 1 triệu đồng gây xôn xao