Công nghệ AI ra đời đã làm rung chuyển thế giới công nghệ, tuy nhiên có một điều vẫn không thay đổi - Big Tech vẫn nắm giữ quyền lực tuyệt đối.
Kể từ sau khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft vào công ty OpenAI tháng 01/2023, những gã khổng lồ công nghệ (Big Tech) khác đã khởi động cuộc đua hợp tác với các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thông qua các thỏa thuận tài trợ và điện toán đám mây.
Trong năm 2023, Salesforce đã dẫn đầu vòng gọi vốn của Hugging Face, với mức định giá 4,5 tỷ USD. Alphabet và Amazon đã đầu tư hàng tỷ USD vào đối thủ Anthropic của OpenAI. Trong khi đó, Nvidia đã tham gia hỗ trợ vốn cho hầu hết các công ty khởi nghiệp AI đáng chú ý.
Đầu tháng 12/2023, trong một bài báo, đại diện Nvidia cho biết đã ký kết tới “hơn 20 dự án đầu tư AI” trong năm 2023. Công ty cho biết: “Những mối quan hệ hợp tác này kích thích sự đổi mới chung, nâng cao giá trị nền tảng Nvidia và mở rộng hệ sinh thái”.
Ngoài OpenAI, Microsoft đã đầu tư vào Inflection AI và Adept, cùng với các công ty khởi nghiệp AI trị giá hàng tỷ USD khác. Vào tháng 11/2023, sự chi phối của Microsoft đối với OpenAI được thể hiện rõ ràng khi Giám đốc điều hành Sam Altman bị sa thải trong một vài ngày.
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella đã đóng một vai trò quan trọng, cùng với các nhà đầu tư khác, trong việc buộc hội đồng quản trị phải đảo ngược quyết định của mình.
Thậm chí, Microsoft đã ‘đe dọa’ ban quản trị OpenAI về việc sẽ thuê Sam Altman và các đồng nghiệp để thành lập một bộ phận AI mới của Microsoft.
Đối với các công ty AI, những thỏa thuận hợp tác với Big Tech đóng vai trò là cứu cánh quan trọng. Việc xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn, làm nền tảng cho các chatbot AI như ChatGPT, cực kỳ tốn kém và cần nhiều thiết bị điện toán. Các Big Tech có đầy đủ cơ sở hạ tầng và nguồn vốn để hỗ trợ những kế hoạch này.
Ngược lại, đối với các Big Tech, những thỏa thuận này có thể đóng vai trò như một phương tiện để củng cố khả năng chi phối của họ đối với một thị trường cạnh tranh và đang phát triển nhanh chóng sau thành công vang dội của ChatGPT.
Đồng thời, quan hệ hợp tác với các công ty khởi nghiệp AI có thể giúp những Big Tech thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm của họ, cho dù đó là chip do Nvidia bán hay các dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft, Google và Amazon.
Kết quả là hầu hết các công ty khởi nghiệp AI triển vọng nhất hiện nay đều đang bị phụ thuộc chặt chẽ vào các Big Tech về tài chính và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Điều đó đang bắt đầu thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý.
Quan hệ đối tác của Microsoft với OpenAI đang phải đối mặt với sự giám sát từ các cơ quan quản lý cạnh tranh của Anh và Mỹ. Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang đã được Chính phủ giao nhiệm vụ thúc đẩy ‘một hệ sinh thái AI công bằng, cởi mở và cạnh tranh’.
Trước đó, cơ quan quản lý Mỹ đã tiến hành thu thập các ý kiến đánh giá của công chúng về sự bảo đảm tính cạnh tranh trong các hợp đồng điện toán đám mây lớn.
Điều mà các nhà quản lý lo ngại là câu chuyện về đầu tư chiến lược vào các công ty khởi nghiệp AI có thể trở thành sự độc quyền về AI của Big Tech.
Đáp lại những lo ngại của cơ quan quản lý, Microsoft nhấn mạnh rằng họ không sở hữu cổ phần truyền thống của OpenAI. Đại diện công ty cho biết: “Điều quan trọng là Microsoft không sở hữu cổ phần của OpenAI và chỉ được hưởng một phần phân phối lợi nhuận”.
Trong khi Microsoft, Amazon và Alphabet đang tích cực trong việc hợp tác với các công ty khởi nghiệp AI, hai Big Tech khác Apple và Meta lại đang muốn triển khai các kế hoạch riêng để tránh sự lo ngại của các cơ quan chức năng về sự chi phối đối với lĩnh vực AI.
Apple đã tự xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình có tên Ajax và triển khai một chatbot nội bộ có tên là ‘Apple GPT’. Trong khi đó, Meta phát triển mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở và đã ký kết quan hệ đối tác với các Big Tech khác, bao gồm cả Microsoft và Amazon.
(theo Bloomberg)
Big Tech có vô số lý do để run sợ trước ‘lựa chọn của Trump’
Một loạt CEO kêu gọi áp dụng 'Châu Âu trên hết', gấp rút đối phó với làn sóng AI từ Mỹ và Trung Quốc