Công nghệ

Cuộc đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ

Trọng Hoàng (theo nypost.com, ngày 11/2/2025) 16/02/2025 07:40

DeepSeek - một công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc đã xóa sổ hàng tỷ đô la khỏi thị trường chứng khoán và gây chấn động ngành AI nước Mỹ.

Giá trị cổ phiếu một công ty cũng giảm gần 600 tỷ USD (15,4 triệu tỷ VND) chỉ trong một ngày. Trên thực tế, điều này chưa từng xảy ra trước đây. Đó chính là nhà sản xuất chip AI tên Nvidia, công ty có giá trị nhất thế giới và cũng là nạn nhân lớn nhất của đợt xóa sổ thị trường chứng khoán trị giá 1 nghìn tỷ USD (25,6 triệu tỷ VND) vào ngày 27/1. Lý do? DeepSeek - một công ty khởi nghiệp AI Trung Quốc đã tuyên bố rằng, hiệu suất chatbot “R1” mới của họ có thể sánh ngang với các mô hình tiên tiến nhất của Mỹ, chỉ với một phần nhỏ chi phí.

Cuộc đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ ảnh 1
Ông Liang Wenfeng, người sáng lập công ty khởi nghiệp DeepSeek, phát biểu tại một sự kiện ở Thượng Hải, Trung Quốc, năm 2019

Hơn nữa, “trọng số” của R1 - mạng lưới kết nối thống kê sự hiểu biết của nó về thế giới - được công bố với giấy phép truy cập mở, nghĩa là bất kỳ ai có phần cứng cần thiết đều có thể chạy phiên bản của riêng họ. “Các công ty Trung Quốc luôn tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ AI sáu tháng đến một năm. Tôi cảm thấy DeepSeek là lần đầu tiên Trung Quốc tạo ra một mô hình có vẻ ngang bằng”, ông Noah Jacobson, một nhà nghiên cứu AI tại San Francisco (Mỹ), giải thích.

Cuộc đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ ảnh 2
Sự trỗi dậy của DeepSeek đã thúc đẩy cuộc chiến công nghệ Trung Quốc và Hoa Kỳ

Đây là tin đáng lo ngại đối với các công ty Mỹ như OpenAI, nhà sản xuất ChatGPT. Nhưng đối với người dùng, nó làm dấy lên nỗi lo về quyền riêng tư và gián điệp mạng. Nó cũng đẩy nhanh cuộc chiến công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ - một cuộc chạy đua công nghệ cao có thể làm gia tăng mối nguy hiểm mà nhiều chuyên gia AI đã cảnh báo.

“Chúng ta thực sự không biết độ đáng tin cậy của những cỗ máy này. Và điều đó gây ra nhiều rủi ro, đặc biệt là khi chúng ta kết nối những hệ thống này với ngày càng nhiều thứ khác… Các công cụ của OpenAI có thể sớm hỗ trợ quân sự, và điều đó sẽ chỉ gây ra rắc rối”, ông Gary Marcus, một giáo sư khoa học thần kinh và là một doanh nhân trong lĩnh vực AI, cho biết.

Được thành lập vào năm 2023 bởi giám đốc quỹ đầu cơ Liang Wenfeng, DeepSeek hy vọng - giống như OpenAI và Anthropic - có thể xây dựng một AI có khả năng ngang bằng hoặc vượt qua con người trong mọi nhiệm vụ, hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).

Cuộc đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ ảnh 3
DeepSeek đã được các chuyên gia AI theo dõi trong một thời gian dài

Các chip AI tân tiến nhất do Nvidia sản xuất, nhưng Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022 - một đạo luật của Mỹ được thiết kế để củng cố vị thế dẫn đầu của quốc gia này trong lĩnh vực AI - đã cấm chúng được bán cho Trung Quốc. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu này dường như chỉ thúc đẩy DeepSeek khai thác nhiều năng lượng hơn từ các chip nhỏ hơn. Theo nhà đầu tư Nick Davidov chuyên về AI, cú sốc thực sự là khi ứng dụng DeepSeek vượt qua ChatGPT và vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng App Store của iPhone. Điều này cho thấy một công ty nước ngoài ít tên tuổi không chỉ có thể đổi mới về mặt công nghệ mà còn có thể tiếp cận được người tiêu dùng Mỹ.

Nhìn chung, nhiều chuyên gia không tin AI sẽ đạt được trí thông minh siêu phàm và tính tự chủ trong tương lai gần. Nhưng một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai quốc gia hùng mạnh sẽ khiến khả năng tăng cao hơn. Các vấn đề đã tồn tại cũng phổ biến hơn, chẳng hạn như các thuật toán thiên vị, không đáng tin cậy hoặc hiện tượng đạo văn hàng loạt.

Thật vậy, nhiều nhà đầu cơ AI ở Thung lũng Silicon - bao gồm cả những “người theo chủ nghĩa tăng tốc” muốn giải phóng AI ra thế giới - coi thành công của DeepSeek là dấu hiệu Mỹ phải hoàn toàn tránh xa các mối quan ngại về quy định và an toàn để giành chiến thắng trong cuộc chiến công nghệ. “Mỹ đã tự bắn vào chân mình bằng cách tập trung quá mức vào sự an toàn của AI. Điều quan trọng là phải có được AI tốt nhất, đội ngũ tốt nhất”, ông Dmitry Shevelenko, Giám đốc kinh doanh của Công ty Perplexity cho biết.

Ông Shevelenko cũng trích dẫn những hạn chế mà nhiều nhà sản xuất chatbot của Mỹ đặt ra với các chủ đề nhạy cảm. “Nếu bạn ưu tiên một AI không làm mất lòng ai, thì thực ra bạn đang hạn chế khả năng của nó. Đây là thời điểm để tập trung vào hiệu suất tuyệt đối”, ông nói.

Hiện tại, những “kẻ thua cuộc” lớn nhất là những công ty AI đương nhiệm của Mỹ: OpenAI, Anthropic, Microsoft và sau đó là Google và Meta, trong nhiều năm qua đã hướng tới một sự chính thống.

Ông Jacobson cho biết, cuộc đua AI sẽ giành chiến thắng thông qua quy mô: bằng cách đào tạo các mô hình ngày càng mạnh mẽ trên các kho phần cứng chuyên dụng ngày càng lớn. Về lý thuyết, chi phí khổng lồ của sự mở rộng này sẽ hình thành nên thứ mà Thung lũng Silicon hy vọng ngăn cản công ty khác sao chép ý tưởng.

“Vào những ngày đầu, mọi người nghĩ rằng sẽ có một công ty mô hình nền tảng thống trị; nhiều người tin rằng đây có thể là OpenAI. Đối với các công ty lớn, kịch bản một người chiến thắng giành được tất cả rất nguy hiểm, khi khoản đầu tư hàng chục triệu USD sẽ bị đe dọa”, ông Jacobson cho biết.

Chỉ riêng năm nay, Meta có kế hoạch chi ít nhất 60 tỷ USD (1,5 triệu tỷ VND) cho cơ sở hạ tầng AI, trong khi Microsoft có kế hoạch chi 80 tỷ USD (64 tỷ bảng Anh). Nhà Trắng vừa công bố liên doanh trị giá 500 tỷ đô la (402 tỷ bảng Anh) giữa OpenAI, Oracle và nhà đầu tư lớn của Nhật Bản SoftBank. Tại Mỹ, nhu cầu điện tăng cao đang làm mất ổn định nguồn cung cấp điện cho các hộ gia đình bình thường, làm tăng lượng khí thải của các công ty công nghệ khổng lồ và thúc đẩy sự phát triển của các nhà máy điện hạt nhân mới.

Nhưng một số chuyên gia đã tỏ ra nghi ngờ về cơn sốt này. Những người hoài nghi như ông Marcus từ lâu đã đặt câu hỏi liệu OpenAI có thực sự dẫn đầu trong việc thúc đẩy khoa học AI hay chỉ dẫn đầu trong việc huy động tiền. “Bí mật là đối với rất nhiều kỹ sư và nhà khoa học AI lâu năm, khi nhìn vào OpenAI, chúng tôi cảm thấy rằng đó thực chất là một kỹ thuật lười biếng”, ông Gur Kimchi, một doanh nhân AI và robot kỳ cựu, người từng điều hành chương trình giao hàng bằng máy bay không người lái của Amazon.

DeepSeek đã chỉ cho mọi người một cách hoạt động hiệu quả hơn nhiều. “Tôi nghĩ rằng thế giới đã trao quá nhiều quyền lực cho những lời hứa của công ty như OpenAI và những cá nhân như Sam Altman (CEO của OpenAI). Họ chưa thực sự làm tròn trách nhiệm”, ông Marcus nói.

Những gì DeepSeek đang làm, ông Davidov và ông Shevelenko đều đồng ý, là đẩy nhanh quá trình thương mại hóa của AI và hướng đến một thế giới nơi hầu hết nhân viên “ảo” đều có sẵn cho mọi người với giá cả phải chăng. Một số người lập luận rằng nó sẽ khiến phần lớn lực lượng lao động toàn cầu trở nên lỗi thời, trong khi ông Davidov tin rằng, về lâu dài, nó sẽ giải phóng mọi người để làm những công việc mới và khác biệt. “Mọi người sẽ có huấn luyện viên cá nhân, nhà trị liệu tâm lý cá nhân, bác sĩ gia đình cá nhân của họ”, anh nói.

Tất nhiên, miễn là các AI của Trung Quốc và Mỹ không vô tình đưa chúng ta trở lại thời kỳ đồ đá trước đó.

>> 'Cơn ác mộng' DeepSeek khiến 95% nhân viên công ty này mất việc

'Cơn ác mộng' DeepSeek khiến 95% nhân viên công ty này mất việc

CEO AI của Google: ‘Chúng tôi có đủ mọi yếu tố để dẫn trước DeepSeek'

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/cuoc-dua-ai-giua-trung-quoc-va-my-post1717407.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cuộc đua AI giữa Trung Quốc và Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH