Alibaba bất ngờ hồi sinh nhờ AI, vốn hóa tăng vọt 87 tỷ USD
Sau nhiều năm bị siết chặt quy định và chịu ảnh hưởng từ đà suy giảm tiêu dùng, cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử đã tăng 46% kể từ tháng 1.
Cơn sốt AI tại Trung Quốc đang đưa Alibaba Group Holding trở lại tâm điểm của giới đầu tư, thổi luồng sinh khí mới vào gã khổng lồ thương mại điện tử từng chìm trong quên lãng sau nhiều năm bị siết chặt quy định.
Theo đó, cổ phiếu Alibaba niêm yết tại Hồng Kông (Trung Quốc) đã tăng 46% kể từ mức thấp nhất năm 2025 vào ngày 13/1, giúp vốn hóa thị trường tăng thêm gần 87 tỷ USD và vượt xa mức tăng 25% của chỉ số Hang Seng Tech Index trong cùng kỳ.
Đây cũng là cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất trong nhóm Big Tech Trung Quốc đầu năm nay, vượt qua các đối thủ như Tencent Holdings, Baidu và JD.com.
Sự trở lại đầy bất ngờ
Màn hồi sinh của Alibaba gây bất ngờ khi trước đó, công ty từng mất dần sức hút do ảnh hưởng từ chiến dịch siết chặt kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Bắc Kinh và sụt giảm tiêu dùng hậu Covid-19.

Động lực chính đằng sau đà tăng này là niềm tin của nhà đầu tư vào nỗ lực phát triển nền tảng AI của Alibaba, đặc biệt sau khi startup AI DeepSeek của Trung Quốc công bố công nghệ mới khiến thị trường Phố Wall chao đảo.
Andy Wong, Giám đốc đầu tư và ESG khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Solomons Group, nhận định: “Sự xuất hiện của DeepSeek đã tạo ra một làn sóng AI mới cho cổ phiếu công nghệ Trung Quốc. Trong lĩnh vực này, Alibaba có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng và vững chắc hơn trong trung hạn”.
Đặt cược lớn vào AI
Sự phục hồi của Alibaba trong năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng dưới sự lãnh đạo của Joe Tsai và Eddie Wu, 2 cộng sự thân cận lâu năm của Jack Ma. Sau khi tiếp quản Alibaba vào năm 2023, họ đã đưa công ty quay trở lại chiến lược cốt lõi, tập trung củng cố mảng thương mại điện tử vốn bị phân mảnh.
Quan trọng hơn, Alibaba đã quyết định đầu tư mạnh vào AI. Từ khi ChatGPT ra mắt, công ty đã rót vốn vào một loạt startup triển vọng như Moonshot và Zhipu, đồng thời mở rộng mảng điện toán đám mây – nền tảng cốt lõi cho AI.
Bên cạnh đó, Alibaba cũng chủ động giảm giá dịch vụ để giành lại khách hàng từng rời đi trong giai đoạn khó khăn.
Những nỗ lực này đã bắt đầu mang lại kết quả. Tháng 1 vừa qua, Alibaba công bố kết quả thử nghiệm cho thấy mô hình Qwen 2.5 Max của họ có điểm số vượt trội so với Llama của Meta và DeepSeek V3 trong nhiều bài kiểm tra.
Công ty hiện được xem là một trong những tên tuổi dẫn đầu về AI tại Trung Quốc, bên cạnh Tencent, ByteDance, Minimax và Zhipu.
Cơ hội và thách thức phía trước
“Nhiều quỹ đầu cơ và nhà đầu tư dài hạn coi AI là bước ngoặt tiềm năng của Alibaba, với sự quan tâm đặc biệt đến định giá mảng điện toán đám mây và cơ hội từ mô hình ngôn ngữ lớn”, nhóm phân tích của JPMorgan Chase & Co bình luận. “AI có thể giúp Alibaba định giá lại cổ phiếu, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng kiếm tiền từ công nghệ này”.
Báo cáo tài chính của Alibaba tuần tới sẽ là cơ hội để giới đầu tư đánh giá tiến độ phát triển AI và triển vọng mảng đám mây của công ty.
Cổ phiếu Alibaba vẫn hấp dẫn?
Ngay cả sau đợt tăng mạnh gần đây, Alibaba vẫn được xem là một khoản đầu tư hấp dẫn.
Manish Bhargava, CEO Straits Investment Management tại Singapore, nhận xét: “Bất chấp đà tăng vừa qua, Alibaba vẫn bị định giá thấp hơn so với các công ty công nghệ Mỹ nếu xét về tiềm năng tăng trưởng và vị thế thị trường. Họ cũng đang mở rộng mạnh mẽ các nền tảng thương mại điện tử ở nước ngoài, giúp công ty giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tạo động lực tăng trưởng dài hạn”.
Theo The Straits Times
>> Alibaba ra mắt mô hình AI mới, tuyên bố vượt trội hơn DeepSeek lẫn Meta
Trung Quốc tung biện pháp chưa từng có để giải cứu tập đoàn BĐS lớn thứ 2, cổ phiếu tăng 'bốc đầu'
Chuyển sang tích lũy Bitcoin, cổ phiếu của chuỗi khách sạn tăng giá 4.000%