An Khang của Thế Giới Di Động (MWG) có thể lỗ thêm hơn 600 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới, trong khi Long Châu - chuỗi nhà thuốc được FPT Retail mua lại kỳ vọng sẽ 'gánh team', mang lại khoản lợi nhuận lớn cho FRT vào năm 2024.
Công ty Chứng khoán SSI vừa cập nhật dự báo hoạt động kinh doanh của CTCP Thế Giới Di Động (MWG).
Theo đó, SSI ước tính chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đạt 2.500 tỷ đồng doanh thu (tăng 16% so với cùng kỳ) và 2.900 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), nhưng lỗ 339 tỷ đồng và 243 tỷ đồng trong năm 2024 - 2025 (so với khoản lỗ 343 tỷ đồng trong năm 2023).
Theo báo cáo tài chính của Thế Giới Di Động, An Khang đã lỗ 4 trong 5 năm gần đây (chỉ thoát lỗ năm 2021).
Nhà thuốc An Khang |
Chuỗi nhà thuốc An Khang - từ kỳ vọng đến thất vọng của MWG
Đáng chú ý, năm 2022, chuỗi nhà thuốc An Khang từng liên tục thay đổi về chiến lược. Trong nửa đầu năm đó, An Khang mở rộng mạnh mẽ, tăng từ 178 lên 510 cửa hàng. Đây là giai đoạn mà ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động cho rằng, muốn kiếm lợi nhuận trong ngành thuốc thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc.
Đến tháng 7/2022, An Khang bổ nhiệm ông Đoàn Văn Hiểu Em làm Tổng Giám đốc. Khi đó, ông Hiểu Em cho biết, tốc độ mở chuỗi của An Khang đang vượt qua kỳ vọng ban đầu của Ban giám đốc và có thể hoàn thành sớm kế hoạch 800 cửa hàng trong năm 2022. Ông cũng tự tin cuối năm 2022 An Khang sẽ có lãi và doanh thu là 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 3 tháng sau đó An Khang chỉ nâng được số cửa hàng lên 529 vào cuối tháng 10/2022 và ông Hiểu Em cho biết công ty sẽ dừng mở rộng chuỗi An Khang vì thị trường "quá nhiều biến đổi và khó khăn".
Đến cuối năm 2022, số nhà thuốc An Khang giảm về 500, đồng thời, báo cáo tài chính của MWG ghi nhận khoản lỗ 306 tỷ đồng từ An Khang.
Sang đến năm 2023, chuỗi nhà thuốc này lỗ tiếp 343 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ trong 2 năm trở lại đây lên gần 650 tỷ đồng. Số lượng cửa hàng tăng nhẹ trong nửa đầu năm, sau đó đóng bớt vào những tháng cuối năm.
Theo "Định hướng kinh doanh năm 2024" của Thế Giới Di Động, công ty đã không còn nhắc đến hai từ "lợi nhuận" khi nói về mục tiêu của An Khang. Thay vào đó, Thế Giới Di Động muốn tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hòa vốn trước 31/12/2024.
Theo SSI Research, các nhà thuốc thương mại hiện đại ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn để giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ lẻ và nhà thuốc bệnh viện, chiếm khoảng 85% tổng giá trị thị trường trong năm 2023.
Do An Khang không tập trung nhiều vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính như đối thủ Long Châu nên An Khang sẽ khó giành được thị phần từ nhà thuốc bệnh viện. Thay vào đó, An Khang vẫn có cơ hội giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ hơn này trong dài hạn nhờ có hóa đơn điện tử, giúp bệnh nhân có thể làm đơn bồi thường từ bảo hiểm y tế tư nhân và thuốc có nguồn gốc rõ ràng, điều này vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh.
Cuộc chiến không ai thắng - Muốn hái quả ngọt phải ươm mầm
Nhìn sang "đối thủ" của Thế Giới Di Động (MWG) là FPT Retail, công ty này cũng có mảng bán lẻ dược phẩm là chuỗi Long Châu.
Nhà thuốc Long Châu |
Chịu áp lực của người đến sau trong ngành bán lẻ, FRT buộc phải tìm kiếm những mảng kinh doanh mới để gối đầu cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Thị trường ICT bão hoà, các ông lớn công nghệ phải hạ giá để thúc đẩy doanh thu bán hàng, FRT nhận định “Tại sao phải chạy đua, nếu các chuỗi khác cũng bán rẻ theo thì đây là trò chơi bằng 0, không ai có lợi".
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp nói thêm thị trường đang trong giai đoạn khó khăn do sức mua giảm nên sẽ có "đánh nhau", các bên sẽ đua nhau giảm giá để thu hút khách hàng về và chỉ kéo nhau đi xuống chứ không ăn được của nhau.
Nhìn sang nhà bạn và cũng là người đi trước mình như Thế Giới Di Động cũng đã chuyển hướng sang các mảng kinh doanh mới như Điện Máy Xanh rất thành công, sau đó tới Bách Hoá Xanh. Nhận thấy thị trường dược phẩm có quy mô khoảng 5 tỷ USD, tương đối hấp dẫn nhưng đang khuyết vị trí người dẫn đầu, FRT quyết định tiến công vào lĩnh vực tiềm năng này. Thị trường có tới hơn 30 nghìn nhà thuốc khắp cả nước song không thực sự có tên tuổi nào nổi bật và cũng chưa ai mang tới dịch vụ chuyên nghiệp cho khách hàng.
Nước đi này có lẽ là đáp án đúng cho bài toán khó (cạnh tranh thị phần) của FRT. Nắm yếu tố thuận lợi là người đi đầu khai phá mảng bán lẻ dược phẩm hiện tại này, FPT Long Châu không còn nhiều sức ép là kẻ theo sau, mục tiêu không còn là tăng trưởng "nóng". Điều này giúp FPT Retail dần rút kinh nghiệm từ những cách làm cũ và xây dựng chuỗi nhà thuốc một cách bài bản, kỹ càng và dài hơi hơn.
Trong năm 2023, chuỗi Long Châu ghi nhận thành công với hơn 560 nhà thuốc mở mới, doanh thu tăng 66%, Công ty tiếp tục lên kế hoạch mở thêm 400 nhà thuốc trong năm 2024, nâng tổng số cửa hàng cuối năm 2024 lên tới 1.900 cửa hàng.
Bà Điệp chia sẻ cửa hàng mở mới của Long Châu có mục tiêu rõ ràng là bắt buộc có lãi sau 6 tháng hoạt động. "Khoảng 99% cửa hàng mở mới đạt được mục tiêu này và chỉ một vài cửa hàng chưa có lãi sau thời gian trên".
Long Châu thường đặt giá bán thấp hơn so với các nhà thuốc khác. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ mức doanh thu để đạt điểm hòa vốn khoảng 550-600 triệu/tháng, so với các chuỗi khác chỉ khoảng 400-500 triệu đồng.
Giải thích về câu chuyện có thể lãi trong vòng 6 tháng, bà Điệp nhấn mạnh đây là cả một quá trình chuẩn bị, từ đánh giá toàn diện để chọn mặt bằng đến đàm phán giá thuê, đến đào tạo dược sĩ để tạo độ uy tín cho nhà thuốc.
Về kết quả kinh doanh năm 2023, doanh thu của FPT Long Châu là 15.882 tỷ đồng và lãi EBITDA 510 tỷ đồng. So với năm 2022, doanh thu FPT Retail tăng 65,5% và lợi nhuận tăng 155%.
Sang năm 2024, FRT đặt mục tiêu doanh thu tăng 17% lên 37.300 tỷ đồng, có lợi nhuận trở lại với 125 tỷ đồng lãi trước thuế.
Trong khi ICT là mặt hàng không thiết yếu nên nhu cầu mua sắm mặt hàng này được kỳ vọng sẽ hồi phục chậm hơn nếu nền kinh tế được dự báo tốt hơn trong năm 2024, do vậy FRT đặt kỳ vọng doanh thu chuỗi FPT Shop đi ngang trong năm 2024. Như vậy, tăng trưởng đến từ chuỗi dược Long Châu. Theo FRT, mặt hàng này ít bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, thị trường này còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Năm 2023, Long Châu theo FRT đã thu được nhiều thành tích trong việc mở rộng chuỗi cũng như tệp khách hàng.
Năm 2024, Long Châu dự tăng 2 chữ số về doanh thu. Trước kỳ vọng Long Châu tiếp tục “gánh team”, FRT dự định mở thêm 400 nhà thuốc để đạt mốc 1.900.
Khác với An Khang, SSI Research có cái nhìn tích cực về kết quả kinh doanh năm 2024 của chuỗi nhà thuốc Long Châu với dự báo lợi nhuận công ty đạt 385 tỷ đồng.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định doanh thu FRT có thể lên tới 1,74 tỷ USD năm 2024 nhờ lực kéo từ Long Châu. Trong bối cảnh FPT Shop tăng trưởng khiêm tốn, VDSC dự báo tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Long Châu lần lượt đạt 62%, 128% so với cùng kỳ vào năm 2024, nhấn mạnh vai trò thúc đẩy của Long Châu trong hiệu quả hoạt động của FRT trong năm 2024.
>> Thế Giới Di Động (MWG) hoàn tất thương vụ bán 1 phần Bách Hóa Xanh cho 'ông lớn' từ Trung Quốc