Vĩ mô

Cước vận tải biển giảm - “kẻ cười, người khóc”

Trung Thành – Đại Hải 30/07/2023 - 09:30

Giá cước vận tải biển tiếp tục sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải bán bớt tàu và cắt tuyến vận chuyển để duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vượt khó, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản.

 Trung bình giá thuê tàu container (tính bằng USD/ngày).p/Nguồn: Clarksons, Nghiên cứu ING

Năm 2021, Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản (Baseafood – Vũng Tàu) phải chi phí khoảng 18 – 20 nghìn USD/container 40 feet xuất khẩu thủy sản đi thị trường Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này chỉ bỏ ra số tiền khoảng ¼ số đó cho cùng đơn hàng như trên.

Trong nổi, ngoài chìm

Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản cho biết, nếu doanh nghiệp xuất khẩu bình quân 100 container/tháng, giảm được từ 1,5 triệu USD/tháng. Điều này tạo thuận lợi hơn cho nhiều doanh nghiệp để tối ưu hóa chi phí sản xuất hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, xu hướng giảm giá cước vận tải biển giảm là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam vốn được dự báo sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2023. Nhất là giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hưởng lợi khi mà họ đã từng chịu đựng tình cảnh giá cước vận tải biển lên cao đã “ăn hết lời”, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.

Trái ngược với bức tranh sáng màu về giá cước cho thị trường xuất nhập khẩu lại là khoảng tối cho vận tải biển. Sau gần 2 năm thăng hoa về giá cước, vận tải biển đang quay trở lại với “thời kỳ đen tối” khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nguồn hàng khan hiếm. Thêm vào đó, năm 2023, trước sự gia tăng nguồn cung tàu container, các hãng tàu có thể phải tiếp tục bước vào cuộc đua giảm giá cước để giành khách hàng giữa bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn.

“Đói” hàng và thị trường suy thoái, nhiều doanh nghiệp vận tải biển buộc phải cắt tuyến, bán bớt tàu do không chịu nổi áp lực tài chính. Công ty TNHH vận tải biển H.C (Hải Phòng) cho biết, trước năm 2022 doanh nghiệp này có đến 6 tàu chạy nội địa và quốc tế. Tuy nhiên từ giữa năm 2022 giá cước giảm sâu cùng việc khan hiếm đơn hàng nên công ty phải bán 2/3 số tàu nhằm giảm bớt chi phí và lương thuyền viên. Hiện doanh nghiệp chỉ còn 2 tàu chạy tuyến Hải Phòng – TP. HCM. Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn tuy chưa rơi cảnh bán tàu nhưng cũng phải cắt tuyến để giảm áp lực chi phí.

Theo các doanh nghiệp vận tải biển, mức cước vận tải container đang giảm mạnh, đặc biệt trên các tuyến quốc tế. Trên tuyến Hồ Chí Minh - Port Klang (Malaysia), giá cước vận chuyển có mức khoảng 6,5 - 8 triệu đồng/container 40 feet và khoảng 4,3 triệu đồng/container 20 feet. Trong khi tại thời điểm tháng 4/2022, giá vận tải trên tuyến này tương ứng khoảng 26 - 40 triệu đồng/container 40 feet và khoảng 13 - 19 triệu đồng/container 20 feet.

Mắt khóc, mắt cười!

Mặc dù giá cước vận tải biển giảm sâu, tuy nhiên đó vẫn là mối lo đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước. Bởi ở thời điểm hiện tại giá cước này vẫn cao hơn 49% so với trung bình của giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, giá cước vận tải biển nằm trong tay các hãng tàu ngoại chi phối. Do đó, xảy ra tình trạng các hãng tàu hiện không còn cạnh tranh mà đã liên kết với nhau để đưa ra giá cước phí vận chuyển lên mức họ mong muốn. Và như vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước không còn là người “cầm cái” trong cuộc chơi này.

Theo dự báo từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, giá cước vận tải biển sẽ còn nhiều biến động trong 2023 do thị trường vẫn thiếu cung, cộng với phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn. Phụ phí nhiên liệu cũng được thêm vào giá cước để phản ánh giá nhiên liệu, hỗ trợ các hãng vận chuyển trước biến động giá dầu. Nhiều dự đoán, nhanh nhất cũng phải đến đầu năm 2024 thị trường vận tải biển mới khả quan.

Để hạn chế sự bấp bênh của giá cước vận tải biển, theo ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cần thiết phải xây dựng một hệ thống giải pháp mà trước tiên là minh bạch giá cước bằng sàn giao dịch; kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá của hãng vận tải nước ngoài theo quy định hiện hành. Để công khai minh bạch giá cước vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị hãng tàu thực hiện đúng quy định và có những cam kết về lịch trình tàu, chỗ trên tàu và bảo đảm đủ lượng container rỗng để vận chuyển hàng hóa.

Và, nếu cước vận tải biển duy trì ở mức ổn định, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước vẫn trong trạng thái “một mắt khóc, một mắt cười”. Bởi theo nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu nông – thủy sản thì chi phí logistics đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nông sản do chi phí vận tải nội địa vẫn còn ở mức cao.

Vosco (VOS) dự chi tối đa 414 triệu USD bổ sung 10 tàu mới

Vừa trở thành cổ đông lớn, Leadvisors tiếp tục gom thêm 3,4 triệu cổ phiếu Xếp dỡ Hải An (HAH)

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/cuoc-van-tai-bien-giam-ke-cuoi-nguoi-khoc-248220.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cước vận tải biển giảm - “kẻ cười, người khóc”
    POWERED BY ONECMS & INTECH