Cứu cô gái '9 phần tử vong', bác sĩ được đề nghị trở thành bố nuôi
Trở lại cuộc sống một cách thần kỳ sau 2 lần đặt chân vào "cửa tử", mất nửa số máu trong người, chị M. nhiều lần đề nghị bác sĩ đã cứu mình đồng ý làm bố nuôi đặc biệt.
Giữa tháng 4, chị Đ.K.M, 24 tuổi, quê Lạng Sơn (dân tộc Nùng) phát hiện mang thai. Liên tục đau bụng suốt 2 ngày, chị được gia đình đưa vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bác sĩ nhận định bệnh nhân có triệu chứng chảy máu trong ổ bụng, chuyển phòng mổ ngay.
Khi nằm trên bàn mổ, chị M. đã trong trạng thái lơ mơ, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được. Nhận định bệnh nhân đang sốc mất máu, bác sĩ vừa hồi sức vừa tiến hành gây mê. Tuy nhiên, do mất máu quá nhiều nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân 2 lần ngừng tuần hoàn.
Ngay lập tức, ê-kíp cấp cứu hội chẩn ban giám đốc, bật báo động đỏ toàn viện, đồng thời hội chẩn liên viện cùng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (cách Bệnh viện Phụ sản Trung ương khoảng 200m).
Sau 15 phút được ép tim liên tục và hồi sức tích cực, tim bệnh nhân đập trở lại. Lập tức, thầy thuốc 2 bệnh viện khẩn trương phẫu thuật cầm máu. Bác sĩ cho biết bệnh nhân có khối chửa ngoài tử cung vỡ gây mất 2,5 lít máu. Điều này rất nguy hiểm, bởi một người trưởng thành trung bình có khoảng 5 lít máu, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Chiều cùng ngày, bệnh nhân M. được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực 2 thuộc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tiếp tục điều trị ngừng tuần hoàn nâng cao.
“Bệnh nhân được hạ thân nhiệt chỉ huy 33 độ C trong 24 giờ, theo dõi huyết động liên tục, EIT-monitor theo dõi hình ảnh cắt lớp động của phổi, siêu âm tim, nội soi khí phế quản loại trừ dị vật cùng các biện pháp hồi sức tích cực chuyên sâu khác…”, PGS.TS Lưu Quang Thùy, Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ.
Ngày thứ 5 vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, rút được nội khí quản, thở NIV hỗ trợ. Hai ngày sau, bệnh nhân tiếp xúc tốt, có thể ngồi dậy đi lại quanh giường, không có tổn thương trên CT scan sọ não. Sau 3 tuần bệnh nhân ra viện và không để lại di chứng.
Hơn 1,5 tháng sau khi ra viện, ngày 10/6, chị M. cùng gia đình qua thăm lại nơi đã điều trị cho chị khi sự sống và cái chết ở ranh giới mong manh. “Tôi không tin rằng trước mắt mình là bệnh nhân từng ngừng tim 2 lần, sốc mất máu”, bác sĩ Thùy chia sẻ.
Ông nói vậy là bởi sau vài câu hỏi kiểm tra về mức độ hồi phục và di chứng sau ngừng tuần hoàn, vị bác sĩ thấy bệnh nhân trả lời chính xác, thậm chí còn rất thông minh, hóm hỉnh. "Vậy mới thấy y học thật kỳ diệu", PGS Thùy thốt lên.
Vị chuyên gia chia sẻ bác sĩ hồi sức, làm việc ở nơi chứng kiến lằn ranh sinh - tử, thường tò mò về ý nghĩ và cảm nhận của bệnh nhân khi hôn mê hoặc khi có dấu hiệu tỉnh lại. Ông bèn hỏi bệnh nhân M. “cảm thấy gì khi hôn mê, thở máy và nghe thấy gì đầu tiên khi có dấu hiệu của sự sống?”.
Trả lời bác sĩ, nữ bệnh nhân trẻ tuổi nói “không biết gì” từ khi các cô điều dưỡng úp mặt nạ (tức là lúc khởi mê) đến khi bắt đầu nghe thấy tiếng âm thanh “tít, tít” của phòng hồi sức (moritoring theo dõi - PV).
Khi có dấu hiệu đầu tiên “trở lại cuộc sống”, cô gái trẻ nói “nghe thấy giọng bố gọi đầu tiên”, đó là tiếng gọi văng vẳng: “M. ơi, M. ơi, nghe thấy bố không?”….
Lắng nghe tâm tình của nữ bệnh nhân 24 tuổi, bác sĩ Thùy rất xúc động. Không chỉ là bác sĩ cứu người, vị chuyên gia còn là người cha, cũng có con nhỏ. Ông nhẹ nhàng đáp: “Đúng rồi. Đó là người đàn ông luôn yêu thương và không bao giờ bỏ cháu, luôn xuất hiện lúc cháu cần nhất. Chồng cháu và người thân cũng túc trực và gọi cháu thường xuyên nhưng tiếng của bố cháu sẽ xuất hiện đúng lúc khi sự sống của con gái được hồi sinh. Có lẽ vì thế, người ta mới gọi con gái là người tình kiếp trước của bố”.
Bố của M. là người đàn ông trạc tuổi bác sĩ Thùy, đậm vẻ “người miền núi chất”. Ngay lần đầu tiên tiếp xúc với bác sĩ Thùy khi con gái được chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông bình tĩnh, gửi tới bác sĩ lời nhắn nhủ mộc mạc nhưng mạnh mẽ:
- “Tốn bao nhiêu cũng được, miễn là cứu được cháu, không có gì phải sợ”.
- “Chúng tôi không sợ vất vả, chỉ sợ qua thời gian ‘vàng’ không cứu được cháu thôi!”, bác sĩ Thùy nói với ông.
Tới khi con gái ra viện, người đàn ông lúc này không giấu được sự xúc động, run run. “Bác sĩ sinh ra nó lần thứ 2, tôi xin phép sau này cho nó làm con gái nuôi của bác sĩ có được không?”.
Đáp lại lời đề nghị này, bác sĩ Thùy cười lớn: “Tôi là đàn ông có sinh được đâu!” rồi dặn dò bệnh nhân tạm thời không nên sinh con giai đoạn này cho đến khi có sự tư vấn của bác sĩ sản để đảm bảo an toàn cho người mẹ. Bằng tất cả tình thương yêu của người bố với con gái, người đàn ông hứa chắc nịch “nhất định không để con gặp nguy hiểm lần nào nữa”.
Trong lần gặp gỡ khi M. tái khám hôm 10/6, bác sĩ Thùy tiếp tục được đề nghị làm “bố nuôi” từ chính nữ bệnh nhân hai lần chạm chân vào cửa tử. Lần này, vị bác sĩ không còn từ chối nữa. Ông chia sẻ: “Cũng nhờ có con, bố càng yêu nghề y hơn và nhắc nhở mình ‘đừng bao giờ đầu hàng thần chết’ khi cấp cứu bệnh nhân”.
Với vị chuyên gia, cứu sống bệnh nhân là trách nhiệm của bác sĩ, nhưng đó cũng là "tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo". Người "vẽ nên bức tranh ấy" không chỉ một cá nhân mà là cả tập thể, được tổ chức hệ thống và bài bản.
Đó là các y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã cấp cứu ban đầu và phẫu thuật thành công; là các nhân viên y tế của khoa Hồi sức tích cực 2, Trung tâm Gây mê - Hồi sức Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tận tâm chăm sóc điều trị. Đó là các bác sĩ trực đêm hôm, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, các phòng ban chức năng của bệnh viện đã hỗ trợ tối đa.
“Quả thật, muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi nhanh hơn, xa hơn thì phải đi cùng nhau. Chỉ có những gì đi từ trái tim mới đến được trái tim người khác”, vị bác sĩ mỉm cười, khi nghĩ tới ca bệnh, về người “con nuôi” đặc biệt.
>> Ngày càng nhiều người bị đột quỵ, bác sĩ chỉ cách ăn để phòng ngừa
Bộ Công an bắt 2 bác sĩ của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa
Ngày càng nhiều người bị đột quỵ, bác sĩ chỉ cách ăn để phòng ngừa