Cựu kỹ sư Google trở thành người giàu nhất Trung Quốc
Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, Colin Huang, nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Temu, vừa trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Sau nhiều dự án game và thương mại điện tử đạt thành tích khiêm tốn, Colin Huang đổ bệnh và nghỉ hưu. Doanh nhân trẻ ở nhà trong một năm chỉ để suy nghĩ về nước đi tiếp theo.
Cuối cùng, cựu kỹ sư Google mở Pinduoduo (PDD), một nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng với việc bán các sản phẩm giá rẻ cùng các chương trình khuyến mãi lớn, vào năm 2015. Ông nhanh chóng leo lên hàng ngũ những người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng đạt đỉnh 71,5 tỷ USD vào đầu năm 2021.
Dù vậy, tương tự nhiều tỷ phú khác, tài sản của ông sụp đổ nhanh như khi nó được tạo ra, mất 87% trong khoảng một năm. Song, một điều bất ngờ xảy ra: PDD Holdings đã trở lại, không rầm rộ như trước nhưng vững chắc hơn. PDD Holdings tấn công thị trường nước ngoài dưới thương hiệu Temu.
Kết quả là, Huang, 44 tuổi, đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc, theo Bloomberg Billionaires Index. Với khối tài sản trị giá 48,6 tỷ USD, ông thế chỗ Zhong Shanshan, “vua” nước đóng chai, người giữ vị trí hàng đầu kể từ tháng 4/2021. Đứng thứ ba là Ma Huateng (Pony Ma), người đứng đầu “ông lớn” Tencent. Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance – công ty mẹ TikTok – đứng ngay sau.
Vận may của Huang một phần nhờ thói quen mua sắm của người tiêu dùng Trung Quốc thay đổi. Đặc biệt, ông cũng là “ông trùm” công nghệ đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng tài sản trong hơn ba năm.
Thần đồng toán học
Khác với Jack Ma, giáo viên tiếng Anh trở thành người sáng lập Alibaba, Huang đại diện cho một thế hệ doanh nhân công nghệ Trung Quốc mới, những người bắt đầu sự nghiệp tại sân chơi toàn cầu.
Năm 12 tuổi, tài năng toán học phi thường đã giúp Huang có một chỗ tại Trường Ngoại ngữ Hàng Châu ưu tú, nơi ông là bạn cùng lớp với con cái của giới tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, ông rời quê hương vào năm 2002 để theo đuổi bằng thạc sĩ tại Đại học Wisconsin.
Hai năm sau khi tốt nghiệp, ông trở về để giúp thiết lập Google Trung Quốc. Ông mở công ty đầu tiên năm 2007, rồi bán nó vào năm 2010 để bắt đầu một doanh nghiệp mới. Do bị viêm tai giữa cấp tính, ông phải tạm nghỉ năm 2013. Đây là thời điểm ông ấp ủ ý tưởng cho Pinduoduo.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2018 với tạp chí Caijiang, Huang cho biết mục tiêu của PDD “không phải là rẻ mà là làm cho người dùng cảm thấy như họ đã mua được món hời”.
Sau khi từ chức CEO năm 2020 và rời hội đồng quản trị năm 2021, Huang chủ yếu sống xa công chúng. Theo một lá thư gửi cổ đông, ông nói đang theo đuổi các sở thích cá nhân, đó là nghiên cứu thực phẩm và khoa học đời sống.
PDD vươn lên dẫn đầu các chợ ứng dụng của Mỹ khi ra mắt vào tháng 9/2022, nhắm vào những người Mỹ mệt mỏi vì lạm phát với các sản phẩm giá rẻ, không có thương hiệu được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc. PDD báo cáo doanh thu khoảng 248 tỷ NDT năm 2023, tăng 90% so với năm 2022.
Theo chuyên gia bán lẻ Neil Saunders, trong tình hình kinh tế hiện nay, mọi người rõ ràng muốn tìm sản phẩm tốt giá hợp lý. Vì vậy, đây là thời điểm để các nhà bán lẻ như Temu tỏa sáng. Tất cả những điều đó, cùng với việc Trung Quốc bãi bỏ chính sách zero-Covid vào tháng 12/2022, đã thúc đẩy định giá của PDD tăng vọt. Vào tháng 11/2023, công ty đã vượt qua Alibaba lần đầu tiên để trở thành công ty Internet lớn thứ hai của Trung Quốc.
Văn hóa khắc nghiệt
Tuy nhiên, sự tăng trưởng chóng mặt đã thu hút sự giám sát trong và ngoài nước. Ngay cả khi bị điều tra về điều kiện làm việc sau cái chết của một nhân viên vào năm 2021, PDD vẫn tiếp tục yêu cầu họ làm việc từ 11 giờ sáng đến 11 giờ tối, sáu ngày một tuần, chưa kể làm thêm giờ. Đây là một biến thể của văn hóa "996" của ngành công nghệ.
Các dịch vụ siêu rẻ của Temu cũng dẫn đến sự thất vọng ngày càng tăng giữa một số thương gia và người bán bên thứ ba, những người cảm thấy “gã khổng lồ” đang ngày càng bóp nghẹt doanh thu của họ. Mọi thứ đã lên đến đỉnh điểm khi xảy ra một loạt các cuộc biểu tình công khai vào mùa hè này. Có lúc, hàng trăm nhà cung cấp nhỏ bao vây bên ngoài một văn phòng Temu ở Quảng Châu để phản đối những gì họ gọi là hình phạt không công bằng mà công ty đang áp dụng.
Tại những nơi khác, các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ cũng chú ý đến sự tăng trưởng nhanh chóng của Temu. Công ty đang tận dụng lỗ hổng thương mại cho phép các lô hàng miễn thuế lên tới 800 USD vào Mỹ, bằng cách gửi các kiện hàng nhỏ từ kho của mình ở Trung Quốc đến từng người Mỹ.
PDD tích cực sử dụng các chiến dịch quảng bá, bao gồm chi hàng triệu USD cho quảng cáo Super Bowl dài 30 giây cho Temu. Trang web Temu cũng có nhiều khẩu hiệu hấp dẫn, chẳng hạn "Mua sắm như một tỷ phú".
Chuyên gia Saunders nhận xét, Temu đang tìm mọi cách để tăng trưởng. Lôi kéo mọi người đến website để họ mua sắm. Nếu bị “chuốc nghiện”, họ có thể khoan dung hơn nếu giá tăng thêm một chút.
(Theo Bloomberg, Inquirer)
Kênh thương mại điện tử chỉ bán hàng chính hãng, liên tục tung khuyến mại
Người Việt bỏ ra 800 tỷ đồng/ngày để mua sắm trên các sàn thương mại điện tử